Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh

LÊ NGÔ NGỌC THU (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) - DƯƠNG THỊ OANH (Thanh tra Giao thông vận tải Tây Ninh)

TÓM TẮT:

Để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển thì hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tính kết nối và tính khả dụng cao sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương do giảm các chi phí lưu thông hàng hóa, nâng cao sự tiếp cận của người dân, doanh nghiệp, tăng cơ hội thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu là do chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, quy trình quản lý chưa chặt chẽ, tính chuyên nghiệp hóa chưa cao và chất lượng đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Từ đó, bài viết tiến hành thực hiện hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh.

Từ khóa: quản lý dự án đầu tư, công trình giao thông, tỉnh Tây Ninh.

1. Đặt vấn đề

Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích là 4.041,3km² và là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, chính quyền tỉnh Tây Ninh chủ trương quan tâm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông, để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn nhiều bất cập. Do nhu cầu đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt là công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật nên công tác quản lý phải chặt chẽ và xuyên suốt, nhưng trên thực tế quá trình quản lý, chất lượng và hiệu quả quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông còn hạn chế. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý, quy trình quản lý chưa chặt chẽ, tính chuyên nghiệp hóa chưa cao và chất lượng đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế,... Từ đó dẫn đến những sai sót, lãng phí, làm giảm chất lượng các công trình, dự án, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nên việc hoàn thiện hệ thống quản lý đó là cần thiết. Vì vậy, bài viết “Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh” nhằm đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết

Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (Luật Xây dựng, 2014).

Công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được thực hiện qua 3 giai đoạn, cụ thể như sau:

2.1. Quản lý dự án ở giai đoạn chuẩn bị dự án

Giai đoạn chuẩn bị dự án là giai đoạn tạo tiền đề và quyết định sự thành công hay thất bại ở các giai đoạn sau, đặc biệt là hiệu quả của dự án khi đưa vào khai thác vận hành. Trong giai đoạn này, việc lập hồ sơ chính xác và chất lượng là rất quan trọng, làm tốt công tác chuẩn bị dự án sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng tốt nguồn vốn, tạo cơ sở cho việc triển khai dự án được thuận lợi, nhanh chóng khởi công xây dựng dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng và nhanh chóng thu hồi vốn.          

2.2. Quản lý dự án ở giai đoạn thực hiện dự án

2.2.1. Quản lý việc lập, phê duyệt thiết kế, dự toán

Sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, BQLDA tiến hành lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm lập dự án hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và sau khi dự án được phê duyệt sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công các dự án. Tùy theo dự án, đơn vị tư vấn đưa ra các quy mô, giải pháp kết cấu, kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, giải pháp bảo vệ môi trường, dự toán chi phí xây dựng phù hợp với bước thiết kế cơ sở trên cơ sở khảo sát và các bản vẽ thiết kế.

2.2.2. Quản lý trong công tác đấu thầu

Công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tuân thủ theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

2.2.3. Quản lý công tác thi công

+ Quản lý chất lượng: Chất lượng xây dựng công trình không những liên quan đến quá trình vận hành sử dụng công trình, an toàn lao động, hiệu quả sử dụng mà còn liên quan đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, để quản lý chất lượng Nhà nước đã ban hành như Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trong đó chất lượng công trình là nội dung quan trọng và xuyên suốt. Luật Xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng là cơ sở để BQLDA áp dụng quản lý chất lượng xây dựng công trình, trước đây công tác quản lý chất lượng công trình tại BQLDA vẫn tuân thủ theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.

+ Quản lý về tiến độ: Tiến độ luôn là yếu tố quan trọng khi xem xét dự án, khi triển khai dự án phải lập kế hoạch, giám sát tiến độ thời gian, nhằm đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án.

+ Quản lý chi phí: là quá trình dự toán kinh phí, giám sát thực hiện chi phí theo tiến độ cho từng công việc và toàn bộ dự án, tổ chức, phân tích số liệu và báo cáo thông tin về chi phí.

2.3. Quản lý dự án ở giai đoạn kết thúc dự án

Nghiệm thu bàn giao công trình thực hiện theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Trước khi nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng phải tổ chức công tác nghiệm thu và kiểm tra hồ sơ, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư thì mới được nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Đối với công tác quyết toán vốn đầu tư được áp dụng theo Thông tư số 09/2016/TT-BTC quy định về Quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết tham khảo nguồn thông tin thứ cấp thu thập từ các tài liệu như tạp chí, sách và kỷ yếu hội nghị khoa học. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích các tài liệu, bài viết hệ thống hóa các vấn đề cụ thể về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông nhằm tối ưu công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Thực trạng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2016 đến 2020, BQLDA đã quản lý 19 dự án do Sở Giao thông vận tải (SGTVT) Tây Ninh làm chủ đầu tư, trong đó có 4 dự án nhóm C và 15 dự án nhóm B. Đa số các dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, có 2 dự án bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng thi công là đường Lý Thường Kiệt đoạn từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến đường Châu Văn Liêm và đường ĐT790 nối dài đoạn từ đường Khedol - Suối Đá (ĐT.790B) đến đường Bờ Hồ - Bàu Vuông. Tuy nhiên,  BQLDA đã kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện.

4.1.1. Quản lý dự án ở giai đoạn chuẩn bị dự án

Hàng năm, UBND tỉnh Tây Ninh bố trí vốn trong kế hoạch xây dựng cơ bản để chuẩn bị đầu tư cho một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải nhưng rất ít dự án được phê duyệt và do vậy cuối năm thì nguồn vốn này cũng được điều chuyển cho các dự án khác đang trong giai đoạn thực hiện. Do nguồn ngân sách chi cho đầu tư có hạn nên việc quyết định đầu tư các công trình dự án cấp thiết hoàn toàn bị thụ động, mặt khác công tác tổ chức nghiên cứu, xác định kiểm tra các số liệu đầu vào như khảo sát thu thập số liệu, phân tích đánh giá kết quả khảo sát,... để làm cơ sở xây dựng được phương án hợp lý, khả thi cả về kinh tế và kỹ thuật thi chưa được chú trọng thỏa đáng.

Như vậy, giai đoạn chuẩn bị dự án chưa được quan tâm một cách thoả đáng và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sai sót ở các quá trình tiếp theo, bởi do quản lý dự án là một hệ thống nên để lại hậu quả lâu dài khó có thể khắc phục, hoặc khắc phục phải tốn nhiều chi phí do khi triển khai thực hiện nhiều hạng mục không phù hợp phải điều chỉnh thay đổi, phát sinh, làm mất nhiều thời gian, do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án và làm giảm hiệu quả đầu tư.

4.1.2. Quản lý dự án ở giai đoạn thực hiện dự án

Quản lý việc lập, phê duyệt thiết kế, dự toán: Các đơn vị tư vấn vẫn còn sai sót khi tiến hành lập dự toán như tính thừa kết cấu, đưa ra phương án thiết kế chưa phù hợp với thực địa, một số khối lượng tính tăng so với bản vẽ, một số hạng mục tính trùng lắp, cự ly vận chuyển chưa chính xác, chưa xác định các mỏ cung cấp vật liệu,... làm cho giá trị dự toán các công trình tăng, dẫn đến tăng chi phí thiết kế và các chi phí có liên quan.

Quản lý trong công tác đấu thầu: Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu vẫn còn những hạn chế, đó là: Chưa thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho các gói thầu tư vấn thực hiện trước khi có quyết định đầu tư làm cơ sở cho việc triển khai lựa chọn nhà thầu theo quy định; Khi ký kết hợp đồng xây lắp với hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, trong hợp đồng có quy định rõ nội dung điều chỉnh, phương pháp và thời gian tính điều chỉnh, cơ sở dữ liệu đầu vào để tính điều chỉnh giá, nhưng hiện nay, Tổ chuyên gia đấu thầu và BQLDA không có đủ thời gian, kinh phí và thẩm quyền để xác định tính trung thực của hồ sơ các nhà thầu.

Quản lý công tác thi công:

+ Quản lý chất lượng: Để quản lý chất lượng, BQLDA đã yêu cầu các nhà thầu trước khi tiến hành thi công phải trình nguồn gốc, xuất xứ của tất cả các loại vật liệu. Các vật liệu trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra theo quy định và phải được giám sát nghiệm thu tất cả các vật liệu đưa vào công trình. Vật liệu khi đưa vào công trình phải phù hợp với hồ sơ dự thầu, phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ thí nghiệm.

+ Quản lý về tiến độ: Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên tai, giải phóng mặt bằng, phát sinh, điều chỉnh thiết kế do không phù hợp với thực địa, những biến động về giá nguyên vật liệu,... các phát sinh điều chỉnh đều phải thực hiện các trình tự: lập biên bản xử lý kỹ thuật, xin chủ trương điều chỉnh, lập thiết kế dự toán, trình thẩm định, trình phê duyệt, ký phụ lục hợp đồng nên tiến độ bị chậm.

+ Quản lý chi phí: Về quản lý đơn giá hiện nay, đơn giá xây dựng được BQLDA dựa trên bộ đơn giá xây dựng của tỉnh. Tùy theo tính chất và quy mô của công trình mà Ban lựa chọn các hình thức hợp đồng để ký kết với nhà thầu, như các hợp đồng xây lắp có giá trị dưới 20 tỷ đồng thì áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, những gói thầu xây lắp có giá trị lớn hơn 20 tỷ đồng áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá cố định hoặc đơn giá điều chỉnh.

4.1.3. Quản lý dự án ở giai đoạn kết thúc dự án

Tất cả các công trình của BQLDA đều tuân thủ chế độ quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước như quyết toán vốn đầu tư theo dự án hoàn thành, quyết toán vốn đầu tư theo niên độ hàng năm. Sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán, BQLDA có trách nhiệm giải quyết công nợ và làm thủ tục tất toán tài khoản tại kho bạc.

4.2. Thảo luận công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh Tây Ninh

Như vậy, công tác quản lý dự án triển khai qua nhiều giai đoạn, liên quan đến nhiều công việc và mỗi giai đoạn dự án đều có các nội dung tiến hành cụ thể, các yêu cầu khác nhau trong công tác. Để quản lý dự án tốt, đòi hỏi cán bộ BQLDA phải có năng lực chuyên môn và trách nhiệm cao.

Trong thời gian qua, các dự án do BQLDA quản lý đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những mặt đạt được trong thời gian qua, còn có một số hạn chế, tồn tại như sau:

Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án thực hiện rất chậm, làm chậm tiến độ hoàn thành dự án và đội vốn tổng mức đầu tư dự án, như: Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.782-ĐT.784 đoạn từ ngã ba tuyến tránh đến ngã tư Tân Bình; Nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi; đường ĐT.790 nối dài, đoạn từ đường Khedol - Suối Đá (ĐT790B) đến đường Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3 (ĐT.781B).

Thứ hai, về việc quản lý công tác đấu thầu, quản lý chất lượng vật tư đầu vào: Công tác lựa chọn nhà thầu là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Trong thời gian qua, phương án lựa chọn nhà thầu trúng thầu chủ yếu dựa vào đánh giá giá dự thầu giá thấp nhất mà chưa chú trọng đến năng lực nhà thầu và chất lượng thi công.

Thứ ba, BQLDA còn những hạn chế, như: Cơ chế phối hợp giữa các phòng chưa thật sự chặt chẽ, nên chưa chủ động trong xử lý công việc, không phát huy tính hiệu quả của công tác điều hành quản lý chung. Một số cán bộ trẻ năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, chưa có ý thức trách nhiệm trong công việc nên không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. BQLDA quản lý hầu như tất cả các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh nên khối lượng công việc và áp lực rất lớn, gây ra tâm lý làm việc căng thẳng cho tất cả nhân viên.

5. Giải pháp và kết luận

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư trung hạn về hệ thống giao thông của Sở Giao thông Vận tải trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu về vốn đầu tư l rất lớn. Bên cạnh đó, thực trạng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại BQLDA đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh Tây Ninh có những mặt đã làm được, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Vì vậy, BQLDA đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh Tây Ninh cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý dự án: Ban nên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, các lớp đào tạo nghiệp vụ, tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm sau các đợt thanh tra kiểm toán của Nhà nước, những sai phạm, thiếu sót phải được khắc phục ngay không để tái diễn.

Thứ hai, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng: Ban cần tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan cấp trên, phối hợp tốt với các đơn vị bạn và chính quyền địa phương để nhận được sự phối hợp tích cực, có hiệu quả. Cần phối hợp một cách chủ động, chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cấp, đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách, chế độ cho người dân trong diện di dời.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn nhà thầu: Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chuyên gia đấu thầu hoạt động độc lập, thực hiện công việc được giao đúng nghĩa với quy định chuyên gia và chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm tư vấn của mình. Muốn vậy, trước hết cần phải hạn chế việc tác động từ bên ngoài vào công việc của tổ, thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch: Hiện công tác lập kế hoạch còn nhiều tồn tại, vì thế để đảm bảo lập kế hoạch sau khi có dự án duyệt, Ban cần có các kế hoạch chi tiết thể hiện rõ ràng các nội dung chính: lập dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, thi công xây lắp, thanh quyết toán, tiến độ thực hiện cho từng công việc, thời gian bắt đầu, kết thúc.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý chất lượng: Ban cần tăng cường quản lý chất lượng công trình ngay từ giai đoạn khảo sát thiết kế để đảm bảo sản phẩm thiết kế tạo ra đảm bảo chất lượng, tránh việc phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Để công tác khảo sát thiết kế các dự án của Ban đạt hiệu quả cao, nên: Trước khi tiến hành lập đề cương khảo sát, yêu cầu các phòng dự án, các cán bộ trực tiếp phải đi tuyến khảo sát thực địa, nghiên cứu kỹ địa hình địa mạo khu vực dự án để lập đề cương chi tiết, đầy đủ các yếu tố cần thiết để phục vụ công tác thiết kế, tránh phải bổ sung điều chỉnh ảnh hưởng chất lượng và tiến độ dự án; Phải lựa chọn những nhà thầu có đủ năng lực về chuyên môn và kinh nghiệm theo đúng chuyên ngành để thực hiện; Công tác khảo sát xây dựng công trình được quản lý chặt chẽ, khối lượng khảo sát phải tính toán đầy đủ đáp ứng phục vụ cho các bước thiết kế.

Tóm lại, dựa trên phân tích thực trạng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, bài viết đã đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh (2020), Các báo cáo của tỉnh Tây Ninh trong các năm gần đây, tỉnh Tây Ninh.
  2. Quốc hội (2013). Luật số 43/2013/QH13: Luật Đấu thầu, ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2013.
  3. Quốc hội (2014). Luật số 50/2014/QH13: Luật Xây dựng, ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2014.

IMPROVING THE TRANSPORT INFRASTRUCTURE

DEVELOPMENT MANAGEMENT IN TAY NINH PROVINCE

• LE NGO NGOC THU1

• DUONG THI OANH2

1Ho Chi Minh City University of Technology

2Traffic Inspection of Tay Ninh Province

ABSTRACT:

To promote other economic sectors, transport infrastructure must be developed in advance. A synchronous, modern, connectivity transport infrastructure system would improve the local competitiveness as it reduces the costs of transporting goods, improves the connect of people and businesses, attracts more investments and promote the local socio-economic development. There are some shortcomings in the state management of transport infrastructure development in Tay Ninh Province. This is because the incomplete management structure, management process, and the staffs limited capability in the transport infrastructure development management. This paper proposes some solutions to improve the transport infrastructure development management in Tay Ninh Province.

Keywords: management of investment projects, transport infrastructure, Tay Ninh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]