TÓM TẮT:
Việt Nam hiện có khoảng 53,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Đến năm 2025, dự kiến có thêm 14 triệu việc làm. Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động như các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng máy tính,… Ngành Kế toán - Kiểm toán cũng không nằm ngoài yêu cầu này. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học là việc cấp thiết trong bối cảnh hội nhập.
Từ khóa: đào tạo, chương trình đào tạo, giảng dạy, tài liệu, trường đại học.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề hiện vẫn thiếu so với nhu cầu, do có khoảng gần 1.500 người có chứng chỉ kiểm toán viên không đăng ký hành nghề kiểm toán. Số lượng người có bằng đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán ngày càng tăng (số lượng sinh viên tốt nghiệp trung bình khoảng 2.000 người, đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN), nhưng chất lượng đào tạo chưa cao, do các trường chậm đổi mới chương trình đào tạo và đặc biệt trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.
Số lượng kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ của các hiệp hội quốc tế còn ít (khoảng 5.000 người), chiếm gần 3% tổng số nhân lực kế toán, kiểm toán của 10 quốc gia ASEAN (gần 190.000 người). Ngoài ra, quá trình hội nhập tạo cơ hội cho thành viên các nước trong khối ASEAN có thể tự do trao đổi nhân lực lao động. Các nước ASEAN khác trong khối như Singapore, Thái Lan, Malaysia,… với số lượng kiểm toán viên lớn và trình độ ngoại ngữ tốt sẽ chuyển sang Việt Nam làm việc và tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với đội ngũ kế toán, kiểm toán trong nước.
Điều này cho thấy nhu cầu đối với nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam rất lớn, cả về số lượng và chất lượng, đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với các cơ sở đào tạo trong việc thiết lập tiêu chuẩn đầu ra đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp, đảm bảo được kiến thức, kỹ năng cho người học trước môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao.
Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, các công việc mà nhân lực Việt Nam đang thực hiện trong nước khả năng cũng sẽ bị nhân lực chất lượng cao hơn, kinh nghiệm và chuyên môn tốt hơn của các nước trong khu vực tìm đến cạnh tranh. Điều này dẫn đến giảm thu nhập, ảnh hưởng đến việc làm của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong nước. Số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo rất lớn, nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đội ngũ cán bộ kế toán, kiểm toán chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Phần lớn các công ty Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực tài chính giới hạn, đội ngũ nhân viên thiếu về số lượng và chất lượng nên chưa đủ tiềm lực để cung cấp dịch vụ sang nước ngoài, mà mới chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nước.
2. Thực trạng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán tại các trường đại học ở Việt Nam
Chất lượng các chương trình đào tạo kế toán kiểm toán của các trường đại học không đồng đều. Một số trường đại học có chương trình đào tạo phong phú hơn thông qua sử dụng chương trình đào tạo các trường đại học nước ngoài. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài nếu không được điều chỉnh hiệu quả phù hợp với điều kiện của thị trường hoặc thực tiễn đào tạo trong nước có thể dẫn tới việc đào tạo cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng không phù hợp nhiều với Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc cập nhật kiến thức trong quá trình giảng dạy trên thực tế triển khai rất khác nhau, mỗi trường đại học xây dựng quy trình riêng để thông qua chương trình đào tạo cập nhật (thường thông qua cơ quan quản lý liên quan của trường đại học đó). IFRS và ISA đã thay đổi đáng kể trong thập kỉ vừa qua và đang tiếp tục thay đổi. Một hệ thống với cấu trúc rõ ràng hỗ trợ cập nhật giáo trình sẽ rất có ích; lý tưởng nhất là từ 3 tới 5 năm tổng hợp những thay đổi lớn, và hàng năm đối với những thay đổi về thuế và quy định pháp luật.
Các nội dung chuẩn mực lập báo cáo tài chính, chuẩn mực kiểm toán quốc tế, và đạo đức nghề nghiệp chưa được đưa đầy đủ vào các chương trình đào tạo, ngay cả ở các trường đã hiện đại hóa chương trình và hoạt động đào tạo kế toán kiểm toán. Một số chương trình có các môn học tương thích với các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều trường đại học tiếp tục đào tạo tập trung vào kiến thức nguyên lý, thường dựa trên hoạt động kế toán ghi sổ và ghi nhớ hệ thống tài khoản nhằm đáp ứng nhu cầu hệ thống kế toán Việt Nam. Khi các trường đại học hiện đại hóa chương trình đào tạo nên đặt ra mục tiêu chuyển từ việc đào tạo dựa trên kiến thức sang việc đào tạo dựa trên các nguyên tắc chuẩn mực kế toán và kiểm toán hiện đại. Nội dung đạo đức nghề nghiệp cũng như các môn học khác không phải môn kế toán/kiểm toán (như quản trị tài chính, quản lý hiệu quả hoạt động,…) cần đưa vào chương trình đào tạo.
Chất lượng các kỳ thi không đồng đều và khác nhau ở các trường đại học Việt Nam. Hầu hết các trường đại học được phỏng vấn tổ chức kì thi viết (thi cuối kỳ và thi giữa kỳ), bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm, bài tập ngắn, bài tập tình huống và các câu hỏi mở. Các bài kiểm tra giữa kỳ, việc tham gia học trên lớp, bài tập làm tại lớp và các hoạt động chiếm tới 30-40% toàn bộ điểm của khóa học; bài thi cuối kỳ chiếm 60-70% tổng điểm. Các trường đại học được phỏng vấn cho biết, đây là các kì thi không được mang tài liệu vào phòng thi. Thông thường các câu hỏi và bài tập ngắn quá đơn giản và tập trung nhiều vào các bút toán ghi sổ kép (thậm chí cả với các bài tập tình huống dài, thường cuối cùng chỉ tập trung vào việc xác định kết quả bút toán kép một cách chính xác). Hơn nữa, mức độ khó của một số kì thi không tương xứng với cấp độ của khóa học, ví dụ như một khóa học nâng cao lại sử dụng bài thi ở mức độ cơ bản.
Chất lượng và sự sẵn có các tài liệu giảng dạy cần cải thiện. Chất lượng và sự sẵn có giáo trình và các tài liệu giảng dạy được đánh giá là tốt cho hầu hết các môn học, tuy nhiên vẫn có thể cải thiện. Các giáo trình hiện có và tài liệu giảng dạy khá đắt. Một số trường đại học cho biết không có giáo trình riêng cho các môn học liên quan tới quản trị công ty và đạo đức nghề nghiệp. Thư viện của tất cả các trường đại học chưa có bản mới nhất các chuẩn mực quốc tế đầy đủ và hiện hành. Các bài giảng sử dụng PowerPoint và các thiết bị nghe nhìn khác; các phương pháp giảng dạy bao gồm chủ yếu là các bài tập tình huống ngắn, các bài tập trên lớp, các bài tập mô phỏng các tình huống, và các bài giảng dưới dạng video. Một số trường đại học không có giáo trình và chỉ sử dụng tài liệu giảng dạy/giáo án.
3. Một số giải pháp khắc phục những thiếu hụt trong ngành Kế toán - Kiểm toán đào tạo tại các trường đại học
Thứ nhất, các trường học, cơ sở giáo dục nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng đáp ứng yêu cầu của thực tế hiện nay. Các trường học, cơ sở giáo dục cần tích cực nghiên cứu, tham khảo và đưa ra những thay đổi phù hợp trong chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng theo hướng gắn liền với các yêu cầu của thực tế. Chương trình đào tạo nên xác định rõ chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho sinh viên. Chương trình được xây dựng trên cơ sở có tham khảo và lấy ý kiến đóng góp phản hồi từ các bên liên quan như nhà tuyển dụng, chuyên gia, cựu sinh viên và người học.
Định kỳ, các cơ sở giáo dục đào tạo tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mới nhất của thực tiễn; Chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế. Đồng thời, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể dễ dàng hơn tham gia thi các chứng chỉ hành nghề quốc tế. Sinh viên được đào tạo theo các chương trình chuẩn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với từng chuyên ngành sẽ góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Thứ hai, các trung tâm đào tạo cần nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Nhà trường cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán, kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo.
Chương trình đào tạo của nhà trường về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên, vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam và chuẩn bị cho những bước tiền đề hội tụ với kế toán quốc tế. Hệ thống chương trình cũng như tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các trường đại học, cao đẳng, các nơi đào tạo chuyên ngành,… Cần trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và việc áp dụng các văn bản pháp quy mới về kế toán, trong vai trò hướng dẫn và thu thập các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp.
Thứ ba, thiết lập một khung năng lực quốc gia cập nhật cho các bằng đại học kế toán và kiểm toán thực hiện bởi Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các hiệp hội nghề nghiệp. Một khung năng lực xác định và mô tả rõ ràng những năng lực chuyên môn và cụ thể hóa mức độ thành thạo và các lĩnh vực kiến thức cho từng năng lực chuyên môn ứng cử viên phải thể hiện được khi muốn chứng nhận là kế toán viên kiểm toán viên chuyên nghiệp. Ngoài trình độ chuyên môn, một kế toán viên kiểm toán viên chuyên nghiệp đòi hỏi phải thể hiện được các kỹ năng chuyên môn. Những kỹ năng này bao gồm kỹ năng tư duy, kỹ năng làm việc với người khác và tự làm việc, kỹ năng giao tiếp và tổ chức, là những kỹ năng cần thiết để tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề phi cấu trúc, đa chiều. Sự hiểu biết về công nghệ thông tin cũng là yếu tố cần thiết trong một môi trường kế toán hiện đại.
Thứ tư, thiết kế các yếu tố chương trình mới bao gồm chương trình, giảng dạy, và thi đối chiếu với khung năng lực thực hiện bởi các trường Đại học Đây là một bước cần thiết khi xây dựng chương trình mở rộng. Những yếu tố này phải dựa vào khung năng lực và nâng cấp dần từ đào tạo dựa trên kiến thức sang đào tạo dựa trên nguyên tắc. Ví dụ, việc đánh giá các năng lực là yêu cầu cơ bản của IES-6 và cần thực hiện ở cấp độ đào tạo đại học. Việc đào tạo cho các khoa tại các trường đại học cần bao gồm các chủ đề như xây dựng cơ cấu đề thi, đánh giá năng lực qua kỳ thi, xây dựng và chấm điểm các bài tập tình huống, xây dựng các câu hỏi thi trắc nghiệm hiệu quả, phản hồi tới sinh viên, đảm bảo an ninh kỳ thi,... Các kỳ thi đánh giá ghi nhớ kiến thức cần được thay thế bằng các kỹ thuật hiện đại đánh giá năng lực.
Hiện đang có xu hướng toàn cầu rất rõ về đánh giá năng lực trong các kỳ thi cấp bằng bởi tổ chức nghề nghiệp Kế toán Kiểm toán ngày càng tập trung vào việc thể hiện được các kỹ năng tư duy cao hơn và khả năng áp dụng các chuẩn mực và quy định vào các trường hợp thực tế. Các thông lệ hiện tại tốt nhất là đánh giá các năng lực cốt lõi trong một bài tập tình huống lớn với nhiều chuẩn mực và được mang tài liệu vào phòng thi. Điều này cho phép đánh giá liệu ứng viên có thể vận dụng kiến thức chuyên môn sử dụng các kỹ năng tư duy ở cấp cao để xét đoán phù hợp và chuẩn xác khi áp dụng các chuẩn mực và quy định trong một tình huống giả định đa chiều phức tạp sử dụng các số liệu và tình huống thực tế và trình bày đầy đủ kết quả tương ứng. Chìa khóa cho sự thành công của cách tiếp cận ra đề thi này là khả năng của đội ngũ giảng dạy có thể giảng dạy và đánh giá các năng lực này một cách hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Mai Thanh Hằng (2020), Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Tạp chí Công Thương. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-cu-nhan-ke-toan-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghe-40-69801.htm
- Thị Đức Loan, Huỳnh Văn Huy (2017), Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học ngành Kế toán, Kiểm toán tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đáp ứng bối cảnh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
- Lê Đức Thắng (2019), Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/nang-cao-chat-luong-dao-tao-ke-toan-dap-ung-nhu-cau-hoi-nhap-hien-nay-310843.html
- Lương Thị Yến (2019), Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nang-cao-chat-luong-dao-tao-ke-toan-kiem-toan-dap-ung-yeu-cau-cua-boi-canh-moi-333607.html
The accounting and auditing training at universities in Vietnam
Master. Tran Thi Hong Van
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The current working age population in Vietnam amounts to approximately 53.7 million people. By 2025, Vietnamese working age population is expected to increase by 14 million people. The establishment of the ASEAN Economic Community (AEC) has created many opportunities for Vietnam and also requires workers to acquire new skills including soft skills, foreign language, teamwork and computer skills. Accountants and auditors also need to improve their working skills. Therefore, improving the quality of accounting and auditing training at universities is an urgent task in the context of Vietnam’s integration process.
Keywords: training, training program, teaching, document, university.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]