TÓM TẮT:
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đặt ra cho ngành Kế toán - Kiểm toán nhiều thách thức yêu cầu cần phải thay đổi về nhiều mặt để nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới, phù hợp và linh hoạt với thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy môn kế toán - kiểm toán đáp ứng nhu cầu hội nhập kỷ nguyên công nghệ số.
Từ khóa: giải pháp, đào tạo, nhân lực kế toán, công nghệ mới, hội nhập quốc tế, công nghệ số 4.0, phương pháp giảng dạy.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và lĩnh vực kế toán, kiểm toán không thể nằm ngoài xu thế đó. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động làm thay đổi cách tiếp cận về khoa học và thực tiễn nghề nghiệp kế toán kiểm toán trên phạm vi toàn cầu và ngày càng rõ nét ở Việt Nam.
CMCN 4.0 giúp những người hành nghề kế toán, kiểm toán có cơ hội tiếp cận được nhiều kiến thức mới, một cách dễ dàng và không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Các nhân viên kế toán, kiểm toán có năng lực chuyên môn có thể thực hiện công việc của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kế toán trong thời kỳ hội nhập thì các trường đại học, cao đẳng, học viện phải xác định đào tạo và phát triển nhân lực kế toán trong bối cảnh ứng dụng công nghệ mới là nhiệ vụ trọng tâm.
2. Thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực ngành Kế toán, Kiểm toán
Số liệu thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, Việt Nam mới có khoảng 1.000 hội viên ACCA, trong khi đó, con số này trên toàn cầu là 170.000 hội viên. Điều đó cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Kết quả khảo sát của VACPA với các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lớn chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán cho thấy: có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp phải qua đào tạo, hướng dẫn lại. Gần 100% sinh viên được khảo sát tự nhận thấy không thể đáp ứng ngay những yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sinh viên còn yếu kém về ngoại ngữ.
Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) - lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Ngân hàng Thế giới hàng năm thì Việt Nam có từ 50.000 đến 60.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường lao động.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính của thực trạng trên bắt nguồn từ những bất cập trong công tác đào tạo kế toán, kiểm toán tại các trường đại học, cao đẳng. Theo TS. Phạm Thị Tuyết Minh - Học viện Ngân hàng, sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán còn lỏng lẻo, thậm chí mang tính hình thức; thời gian sinh viên thực tập ngắn, dẫn đến việc thụ động trong tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chỉ chú trọng đào tạo theo tiêu chuẩn của Việt Nam, chưa tính đến vấn đề hội nhập. Do đó, sinh viên ra trường khó hòa nhập ngay với công việc thực tế, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, đặc biệt là trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để xử lý thông tin.
Phương thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn: Với chuyên ngành Kế toán hiện nay, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam vẫn đào tạo theo hướng truyền thống, chương trình đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, vẫn nặng về lý thuyết, chưa đi sâu vào thực hành, thực tế. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa tổ chức được mô hình kế toán mô phỏng, để cho các sinh viên tiếp cận được công việc kế toán trong thực tế.
Ngoài ra thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành Kế toán, Kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, số lượng kế toán, kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.
Đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế. Nhiều nhà giáo dục đại học hiện nay vẫn cho rằng đào tạo kế toán, kiểm toán ra để làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam, theo kế toán Việt Nam, cũng phần nào ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch đào tạo trong tương lai.
3. Giải pháp đào tạo và giảng dạy kế toán - kiểm toán đáp ứng nhu cầu hội nhập kỷ nguyên công nghệ số
Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay bởi đây luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đóng góp tích cực tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Để làm được điều này các cơ sở đào tạo, các trường đại học cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:
Một là, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA Australia, CIMA,... để đổi mới giáo trình đào tạo. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm, tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra.
Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm giúp sinh viên có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.
Các tổ chức đào tạo trong nước phải có sự hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài và có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các nhà quản lý.
Các cơ sở đào tạo về kế toán, kiểm toán cần đổi mới quan điểm giảng dạy theo hướng chú trọng tư duy tổng hợp và các kỹ năng, như: xử lý công việc, tổng hợp, phân tích và quản trị dữ liệu, đặc biệt cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ.
Các trường đại học có thể đầu tư công nghệ giúp sinh viên có thể thực hành để có kinh nghiệm thực tế trong bối cảnh CMCN 4.0, có được các kiến thức về những tác động xã hội tiềm ẩn của hệ thống tự động hóa và hệ thống thông minh và cách thức giải quyết các vấn đề này.
Đặc biệt, để đáp ứng kịp với cuộc CMCN 4.0, phương pháp giảng dạy giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, kỹ năng quản trị con người và trí tuệ cảm xúc.
Hai là, các trường đại học cần phải gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để từng bước đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ chức này nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.
Việc gắn kết này sẽ tạo nên sự hài hoà giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, giữa thực tế về kế toán, kiểm toán của một quốc gia với tính chất quốc tế hoá theo xu hướng hội tụ kế toán toàn cầu, từ đó nâng cao tính hiện đại, tính chuyên nghiệp cho chất lượng đầu ra ở bậc đại học. Thực hiện kiểm định chất lượng bởi các tổ chức độc lập. Các nhà kiểm định đối với ngành Kế toán, Kiểm toán sẽ dựa trên các tiêu chuẩn này để đánh giá và công bố kết quả, qua đó xã hội có đủ thông tin để quyết định về việc sử dụng lao động cũng như chọn lựa trường để học.
Ba là, các trường đại học cần phối hợp và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Câu lạc bộ Kế toán trưởng,... để tạo nên mối quan hệ rộng rãi và sâu sắc với các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế nhằm một mặt giúp người học có điều kiện tiếp cận dễ dàng công việc thực tế tại các doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, mặt khác với việc tạo ra mối quan hệ này sẽ giúp các trường thường xuyên lắng nghe được từ phía các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng chủ lực những yêu cầu về chất lượng sản phẩm đào tạo được cung cấp cũng như sự thích hợp của chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu về chất lượng được đặt ra.
Các cơ sở đào tạo có thể phối hợp với Các hội nghề nghiệp để tổ chức những khóa học phù hợp với những nội dung như mã hóa, quản lý thông tin ở những nền tảng chia sẻ được như điện toán đám mây và đánh giá những nhu cầu về kế toán theo thời gian thực của các đối tượng khác nhau từ nhà quản trị doanh nghiệp, các cổ đông, người lao động, các cơ quan phi chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có lợi ích liên quan khác.
Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại, đồng thời phải có những am hiểu tình hình thực tiễn của hoạt động chuyên môn để bên cạnh tính hàn lâm còn phải có tính thực tiễn sâu sắc trong nội dung giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu và trao đổi học thuật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên cần phải có để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế.
Vì vậy, ngay bản thân các cơ sở giáo dục đại học hiện tại cũng phải đối mặt với thách thức về sự chuyển dịch chất xám đội ngũ, áp lực đòi hỏi có sự điều chỉnh trong chính sách lương thưởng, chính sách thu hút nhân tài, thay đổi việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp kiểm toán, các cơ quan quản lý nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Chủ động thu hút được đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo.
Năm là, tăng cường các hoạt động ngoại khoá để phát triển nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường cần tăng cường mời các chuyên gia kiểm toán từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các doanh nghiệp kiểm toán đến nói chuyện chuyên đề với sinh viên; Giao lưu giữa Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp kiểm toán với sinh viên được tổ chức đều đặn hàng năm.
Sự tiếp xúc với các chuyên gia kiểm toán giúp cho sinh viên có được định hướng tốt hơn về nghề nghiệp tương lai, có sự chuẩn bị sớm hơn và tốt hơn cho nghề nghiệp, tiếp cận tốt hơn với công việc kế toán, kiểm toán trong tương lai.
Ngoài ra, các trường cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn. Đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán cần quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ nâng cao hơn nữa so với hiện nay.
4. Kết luận
Với trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều ngành nghề có nguy cơ sẽ biến mất vì xu hướng tự động hóa. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế những công việc thủ công của kế toán, kiểm toán như thu thập, xử lý, tính toán số liệu nhưng những công đoạn như phân tích, tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể, thậm chí những tình huống chưa từng xảy ra… thì luôn cần có sự tham gia của con người. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo dù không thay thế được con người nhưng nó đang làm thay đổi môi trường, hoàn cảnh làm việc của kế toán, kiểm toán. Dưới sự tác động của cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi nhân lực ngành Kế toán phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và toàn cầu hóa. Do vậy, sự hỗ trợ của các Hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp cũng như chính sách quản lý phù hợp của Nhà nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Kế toán của Việt Nam cũng như nâng cao tính cạnh tranh bền vững của nhân lực ngành Kế toán Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay và tương lai về sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015), Luật Kế toán sửa đổi 2015.
- Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
- Bộ Tài chính (2013), Quyết định số 2261/QĐ-BTC ngày 10/09/2013 quyết định về việc phê duyệt kế hoạch triển khai “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
- Nguyễn Thị Thu Trang (2019). “Phát triển lĩnh vực kế toán - kiểm toán trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính online https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/phat-trien-ke-toan-kiem-toan-viet-nam-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-302786.html
- Phạm Thị Thu Oanh, (2018), “Kế toán, Kiểm toán Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính online. https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/phat-trien-nganh-ke-toan-kiem-toan-viet-nam-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-40-313036.html
- Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng (2019), “Phát triển ngành Kế toán, Kiểm toán Việt Nam thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 8.
- Vũ Thị Thê (2019), “Lao động ngành Kế toán Việt Nam: Nhìn từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7.
Solutions to improve the training quality of accounting and auditing human resources to meet the needs of Vietnam’s integration process in the Digital Era
Master. Vu Thi Diep
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
Industry 4.0 has posed many challenges for the accounting and auditing sector and it forces the sector to changes in many aspects to quickly adapt to the new development period. Improving the training quality of accounting and auditing human resources at universities is now an urgent requirement for Vietnam’s economy. This paper analyzes the current accounting and auditing training at Vietnamese universities and proposes some solutions to improve the training quality of accounting and auditing human resources to meet the needs of Vietnam’s integration process in the Digital Era.
Keywords: solutions, training, accounting human resources, new technology, international integration, 4.0 digital technology, teaching methods.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]