Một số vấn đề xung quanh việc giảng dạy thực hành kế toán trong thời đại công nghiệp 4.0

ThS. Dương Thị Ngọc Bích (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng gắn liền với những đột phá vượt bậc, những phát minh mới về công nghệ với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ Blockchain, vạn vật kết nối,… sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như tác động lớn đến nguồn nhân lực và đây cũng là thách thức cho các cơ sở đào tạo. Do đó, các cơ sở đào tạo cần phải có phương pháp giảng dạy tiếp cận công nghệ tốt nhất để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng, năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0.

Từ khóa: Giảng dạy thực hành kế toán, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu xã hội.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ làm thay đổi môi trường và điều kiện làm việc, ảnh hưởng đến công tác tổ chức hệ thống thông tin kế toán, trong đó tác động chủ yếu đến 3 đối tượng: Người lao động, doanh nghiệp và nơi đào tạo. Theo Giáo sư KlausSchwab (2017), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một kỷ nguyên đột phá đã làm thay đổi căn bản cuộc sống và công việc của con người.

Sự tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ thông minh đã dẫn đến sự phát triển của Công nghiệp 4.0. Công nghiệp 4.0 liên quan đến internet của vạn vật dự kiến ​​sẽ cung cấp một lượng lớn thông tin với khả năng kết nối liền mạch (Kagermann, 2014; Bonekamp, 2015).

Thời đại này được đánh dấu bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin có ảnh hưởng lớn về giáo dục, kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Với sự ảnh hưởng lớn như vậy, yêu cầu các trường đại học phải đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất. Có như vậy, chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, sinh viên tốt nghiệp kế toán mới đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng và xuất khẩu lao động kế toán sang các nước trong khu vực.

2. Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến việc tổ chức hệ thống kế toán

Klaus Schwab (2016) đã cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng công nghệ toàn diện, kết hợp thế giới kỹ thuật số, sinh học, vật lý, làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và liên hệ với nhau. Nó vừa là thời cơ vừa là thách thức với ngành kế toán, kiểm toán. Đặc biệt, thách thức về chất lượng nguồn nhân lực đang có xu hướng đòi hỏi ngày càng tăng cao. Dự đoán, Công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến việc giảm rất nhiều lao động, có thể lần lượt gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là những sinh viên tốt nghiệp trên toàn thế giới (Baygin và cộng sự, 2016).

CMCN 4.0 tác động lớn đến lĩnh vực kế toán, với các ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép chúng ta lưu trữ một lượng lớn thông tin kế toán và không bị giới hạn về bộ nhớ, công nghệ Blockchain liên kết tất cả các dữ liệu của bộ phận tài chính - kế toán lại với nhau sẽ làm cho công tác quản lý kế toán dễ dàng hơn và không cần nhiều nhân lực kế toán. Mạng in ternet giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Công việc được thực hiện trước đây bởi con người phần lớn sẽ được thay thế bằng vi tính hóa (Blasi et al., 2013).

Với những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0, doanh nghiệp có thể sử dụng các hệ thống quản trị EPR hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo Watson Analytics, Robot Automation, có cơ hội tiếp cận với những phần mềm kế toán, kiểm toán tiện ích… giúp công việc kế toán trở nên thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề.

3. Kỹ năng nghề nghiệp kế toán trong thời đại công nghiệp 4.0

Trong thời đại CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc kế toán - kiểm toán, những người làm trong lĩnh vực kế toán phải có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như sau. 

Thứ nhất, phải am hiểu kiến thức chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những thay đổi. Cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, góp phần phát triển kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm và tầm nhìn cho các kế toán và kiểm toán viên.

Thứ hai, phải ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng nó phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Dữ liệu lớn mang lại cho con người sự tiếp cận với nguồn kiến thức vô hạn, giúp con người có thể tìm hiểu bất kỳ điều gì cần biết, nhưng có hạn chế là nhiều thông tin không chính thống. Nó khiến chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận với thông tin và sử dụng thông tin.

Báo cáo nghiên cứu kế toán viên chuyên nghiệp trong tương lai - Những nhân tố dẫn đến sự thay đổi và kỹ năng tương lai của ACCA công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng, trong kỷ nguyên số, mỗi kế toán chuyên nghiệp sẽ được phản ánh năng lực và kỹ năng trên 7 lĩnh vực: Kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm, trí thông minh, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng sáng tạo, chỉ số cảm xúc và tầm nhìn.

Thứ ba, kế toán phải luôn cập nhật những thay đổi của công nghệ, sự thay đổi về công nghệ diễn ra cứ sau 1 năm đến 2 năm. Sự thay đổi theo lượt, theo phiên bản của phiên bản, được tạo ra để làm cho thế giới hiện đại và tinh vi hơn. Trong ngành kế toán và kiểm toán cũng vậy, trước đây không có phần mềm kế toán nhưng bây giờ có phần mềm kế toán. Trước đây không có phần mềm kiểm toán nhưng giờ đã có phần mềm kiểm toán có ExP Audit, Audit Common ngôn ngữ (ACL). Do đó, trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi và tiến bộ hơn nữa,  máy móc và phần mềm sẽ thay thế con người.

Thứ tư, thích nghi với những thay đổi của công việc, các công việc mới dành cho ngành kế toán cũng sẽ dần xuất hiện, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng phát triển và quản trị sự thay đổi mang lại hiệu quả tức thời cho doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ mới sẽ luôn đi kèm với những vấn đề mới phát sinh. Chẳng hạn, khi khối lượng công việc lớn hơn được thực hiện bởi phần mềm, thuật toán, robot… kế toán viên sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát tính chính xác của các kết quả bởi sẽ luôn có khả năng xảy ra lỗi trong qua trình robot hoạt động.

4. Nhu cầu của nhà tuyển dụng kế toán trong thời đại công nghiệp 4.0

Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu lao động của ngành kế toán đòi hỏi ngày càng cao, nếu kế toán không am hiểu về công nghệ sẽ khó khăn trong thực hiện các phần hành công việc. Việc cạnh tranh nguồn lao động có chất lượng cao là rất lớn.

Các nhà tuyển dụng hiện nay thường hướng tới các ứng viên phù hợp thể hiện rõ nét nhất qua thái độ tích cực, sự cam kết, khả năng học hỏi và phát triển. Vì thế, sinh viên cần rèn luyện thái độ học tập và làm việc tích cực, luôn luôn tìm tòi và học hỏi để tự hoàn thiện bản thân, trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế, am hiểu nhiều về công nghệ.

Nhân viên kế toán - kiểm toán phải hiểu rõ về kiến thức chuyên môn nền tảng, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những thay đổi. Bên cạnh đó, cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đặt lợi ích khách hàng lên trên lợi ích bản thân. Kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp mới có thể giúp nhà đầu tư ít rủi ro và có nhiều cơ hội, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Nhân viên kế toán cần trang bị cho mình cách sử dụng công nghệ từ đơn giản như ứng dụng hàm excel cho tới các phần mềm kế toán, phần mềm quản trị, phân tích… và cách bảo mật thông tin cho chính doanh nghiệp và khách hàng. Trang bị kiến thức về kế toán quản trị trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang chú ý đến dịch vụ phân tích tài chính, tư vấn chuyên sâu, kiểm toán, dịch vụ tư vấn tài chính…  vì những dịch vụ này là nguồn mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Khả năng về tầm nhìn sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của những ai hoạt động trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, tư vấn tài chính.  

5. Yêu cầu giảng dạy thực hành đối với sinh viên ngành Kế toán

Đào tạo kế toán trong các trường đại học là một trong việc đào tạo góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm, việc giảng dạy và hoạt động học tập của sinh viên kế toán cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhà tuyển dụng, với xã hội  (Mohd et al., 2009; Bonekamp and Sure, 2015). Sinh viên tốt nghiệp kế toán nên được đào tạo trong các trường đại học để trở thành nhân viên có trình độ, có thể bắt kịp với Công nghiệp 4.0 (Bonekamp và Sure, 2015).

Thứ nhất, giảng viên phải ​​đổi mới về phương pháp và phương tiện giảng dạy, cần trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành gắn với thực tế để tạo một đội ngũ kế toán chất lượng cao, có kỹ năng, kiến ​​thức về quản lý, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ hai, đào tạo kế toán theo hướng tăng cường thực hành nghiệp vụ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sinh viên. Sinh viên khi tốt nghiệp sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về lý thuyết, thực hành, thực tế công việc, biết được nhu cầu của doanh nghiệp. Những quy định của pháp luật về kế toán, thuế, phần mềm kế toán. Giảng dạy về phương pháp, kỹ năng, cách tự học, dạy cách sử dụng các thiết bị… và có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có khả năng học tập suốt đời.

Thứ ba, giảng viên cần phải chuẩn bị chu đáo nội dung giảng dạy thực hành, soạn giáo án chi tiết theo đề cương, lập kế hoạch giảng dạy cho từng tiết học, mục tiêu kết quả cần đạt được và quy định hình thức kiểm tra kết quả thực hành của sinh viên. Giảng viên phải là người am hiểu công việc thực tế, giúp sinh viên vận dụng lý thuyết vào thực hành, ghi nhớ từng chu trình trong doanh nghiệp và từ đó xác định những chứng từ cần lập và lưu chuyển cho từng chu trình.

Thứ tư, giảng viên phải chia lớp thực hành thành nhiều nhóm nhỏ để sinh viên hỗ trợ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau tạo kỹ năng làm việc nhóm. Giảng viên hướng dẫn sinh viên bằng cách thao tác mẫu trên máy teacher chiếu cho sinh viên quan sát. Nội dung thực hành của mỗi học phần kế toán thường có nhiều phần hành, để dễ hiểu giảng viên cần chia nhỏ các nội dung trong mỗi phần thực hành: Thực hành theo từng phân hệ và từng chu trình trên phần mềm từ bộ chứng từ thực tế, thực hành lên sổ sách và báo cáo.

Thứ năm, hỗ trợ từ sinh viên khá giỏi, giảng viên quan sát và tìm những sinh viên học tốt, tiếp thu nhanh trong lớp để giao nhiệm vụ hỗ trợ giải thích và hướng dẫn các bạn cùng nhóm thực hiện tốt nội dung bài thực hành.

Thứ sáu, giảng viên cần áp dụng phương pháp giảng dạy thực hành nghiệp vụ theo từng dự án, sinh viên các nhóm phải làm các báo cáo dự án thực tế tại doanh nghiệp. Song song đó giảng dạy theo mô hình kế toán ảo gần với mô hình thực tế của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán và sinh viên sử dụng phần mềm kế toán để thực hiện các yêu cầu từ việc xử lý chứng từ cho đến việc đưa ra các báo cáo tài chính.

Phương thức dạy này là tốt nhất vì có thể vận dụng kiến thức các môn học có liên quan, giúp trang bị, tăng kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, sinh viên ra trường không còn bỡ ngỡ. Trong quá trình học kế toán thực hành, sinh viên tập trung tìm hiểu về nhu cầu của xã hội và các yêu cầu của một  nhân viên kế toán và dần dần phát triển khả năng và chất lượng để tiếp thu kiến ​​thức độc lập, có lợi cho việc tự hình thành, phát triển bản thân và tự cải thiện công việc và cuộc sống sau này.

Nhà trường cần trang bị phương tiện, cơ sở vật chất như máy tính, máy chiếu, phòng học,... để nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành. Đồng thời, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề, seminar trao đổi kinh nghiệm cách thức tổ chức tiết học thực hành hiệu quả. Lắng nghe nguyện vọng của sinh viên, giảng viên để có hướng điều chỉnh phù hợp nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành.  

Muốn chất lượng giảng dạy thực hành kế toán được nâng cao phải nâng cao chất lượng của cán bộ giảng dạy thực hành. Vì vậy, cần tăng cường tập huấn kỹ năng nghề thực tế cho đội ngũ giảng viên. Thực hiện liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động nhằm nhìn ra hướng đào tạo thiết thực đúng theo nhu cầu của xã hội. Giảng viên phải tham gia vào môi trường kế toán thực tế, làm công việc thực tế thì mới nắm vững kiến thức truyền đạt cho sinh viên tốt nhất.

6. Kết luận

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực kế toán - kiểm toán, quy trình tự động hóa có thể sẽ thay thế bộ phận tài chính - kế toán trong nhiều công việc kế toán đã chuẩn hóa. Việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đảm bảo về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng ngày càng trở nên cấp thiết trong thời đại công nghiệp 4.0.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nên cần phải được nghiên cứu đổi mới phương pháp, giảng dạy tiếp cận với công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thanh Hải, Phùng Thúy Phượng và Đồng Thị Bích Thủy - Một số giải pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm đạt chuẩn đầu ra theo CDIO.
  2. Trần Khánh Đức, 2013, Lý luận và Phương pháp dạy học hiện đại, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Thu Trang, 2019, Phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính. 
  4. Đức Minh, 2018, Kế toán Việt Nam nắm bắt thời cơ trong thời công nghệ số, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử.
  5. Ngày nhận bài: 12/8/2019
  6. Ngày phản biện đánh giá và sửa chữa: 22/8/2019
  7. Ngày chấp nhận đăng bài: 4/9/2019

Some issues relating to the teaching of accounting practices in the context of Industry 4.0

Master. Duong Thi Ngoc Bich

Industrial University of Ho Chi Minh City

Abstract:

Industry 4.0 is a revolution with breakthroughs. New technological innovations in the artificial intelligence, cloud computing, big data, Blockchain technology and Internet of Things affect the economy, greatly impact on the human resource and pose challenges to training and educational institutions. As a result, it is important for training and educational institutions to have the best approach to new technological innovations to train high quality and skilled human resource, meeting social needs in the context of Industry 4.0.   

Keywords: Teaching accounting practices, Indsustry 4.0, meeting social needs.