TÓM TẮT:
Trong thời gian qua, các trường đại học cũng như các tổ chức nghề nghiệp đã có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, công tác đào tạo kế toán ở Việt Nam có chất lượng còn chưa cao. Điều này đòi hỏi việc nâng cao đổi mới tại các cơ sở đào tạo là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Bài viết phân tích và đặt ra yêu cầu đổi mới trong công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp kế toán của Việt Nam trước yêu cầu hội nhập với quốc tế.
Từ khóa: Kế toán, kiểm toán, đào tạo, cơ sở đào tạo.
1. Đặt vấn đề
Hội nhập quốc tế đem lại nhiều lợi ích những cũng đặt ra không ít những thách thức cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Việt Nam được xem là yếu thế khi gia nhập vào thị trường khu vực thế giới bởi số lượng các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán còn quá ít ỏi, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, chất lượng và nguồn lực kế toán, kiểm toán cần phải thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Không chỉ có vậy, chúng ta cũng cần có một quá trình đào tạo bài bản, liên tục cả trước và sau khi làm nghề. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực đầu vào của thị trường lao động, cần đi tắt đón đầu, thay đổi tư duy để hội nhập từ các trường đại học là điều cần thiết và nên làm.
2. Thực trạng đào tạo ngành Kế toán - Kiểm toán
Thời điểm hiện nay cả nước có khoảng 300 trường đang đào tạo ngành Kế toán và Kiểm toán ở nhiều cấp bậc khác nhau, từ trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ với đủ các hệ chính quy và không chính quy. Chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học của một số trường trong những năm gần đây có nhiều cải tiến căn bản về cả nội dung lẫn hình thức, kể cả quốc tế hóa CTĐT bằng cách lồng ghép các môn học kế toán quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc liên kết với CTĐT của các trường đại học trên thế giới.
Tuy nhiên, phần lớn nội dung các môn học kế toán trong CTĐT của các trường vẫn hoàn toàn dựa trên VAS và các Chế độ kế toán Việt Nam. Mặc dù VAS được soạn thảo trên nền tảng tham khảo IAS, nhưng VAS vẫn còn khoảng cách khá lớn để có thể hòa hợp với quốc tế. Bên cạnh đó, cách triển khai giảng dạy các môn học kế toán tại các trường đại học hiện nay nặng về mặt kỹ thuật, chủ yếu là kỹ thuật tính toán, ghi chép tỉ mỉ các nghiệp vụ kinh tế vào sổ sách kế toán và cuối cùng lập các BCTC. Vì vậy, nếu IFRS được phép áp dụng tại Việt Nam thì việc đưa IFRS vào CTĐT của các trường sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vậy nên, nếu không có những thay đổi và cách tiếp cận mới, khi Việt Nam áp dụng IFRS, sinh viên của các trường sẽ rất khó khăn để tiếp cận, từ đó sẽ chịu thiệt thòi trong môi trường cạnh tranh về nguồn lực lao động trong khu vực và thế giới.
Bộ Tài chính cũng nhận định rõ vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Đặc biệt, theo TS. Vũ Đức Chính - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, nguồn nhân lực trong nước nhìn chung chưa được đào tạo về IFRS, thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc thực hành IFRS. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về IFRS do hầu hết các trường đại học chưa giảng dạy cả về mặt nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu IFRS.
Đặc biệt các cơ sở đào tạo (các trường đại học, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và các đơn vị đào tạo trong nước) tại Việt Nam hiện chưa có chương trình đào tạo về IFRS một cách hệ thống. Hiện mới có một số tổ chức nghề nghiệp quốc tế, như: Hiệp hội Kế toán Anh quốc (ACCA), Hiệp hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) có chương trình đào tạo IFRS cho một số ít học viên. Một số công ty kiểm toán như các công ty trong nhóm Big 4 cũng mới chỉ đào tạo IFRS chủ yếu cho nhân viên trong công ty.
Tuy nhiên, đại bộ phận kế toán viên tại các doanh nghiệp Việt Nam là những người trực tiếp lập BCTC đều chưa được đào tạo và tiếp cận IFRS. Hầu như các trường đại học chưa triển khai việc đào tạo IFRS cho sinh viên dẫn đến tình trạng sinh viên sau khi ra trường không có nhiều kiến thức về IFRS. Ngoài ra, bản thân cơ quan thuế cũng như các cán bộ thuế đều chưa nắm rõ về các chuẩn mực của IFRS nên khi làm theo IFRS thì chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán sẽ ngày càng khác biệt. Do vậy, vẫn còn xảy ra những tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi các cơ quan này nhận được bộ BCTC theo IFRS từ phía các doanh nghiệp.
Qua khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam, đại bộ phận kế toán viên đều chưa được đào tạo về IFRS nên sự sẵn sàng áp dụng IFRS còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngại thay đổi. Ông Chris Fabling, Chuyên gia cao cấp quản lý tài chính Ngân hàng Thế giới cho biết thêm, Việt Nam đối mặt với một số thách thức khi áp dụng và thực hiện IFRS như xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực phụ trách về quản trị doanh nghiệp, chuẩn bị báo cáo tài chính, các kiểm toán viên, người sử dụng; nhu cầu cần phải thiết lập ngành nghề đánh giá độc lập để có thể tuân thủ với các chuẩn đánh giá cho mục đích báo cáo tài chính; cần phải nâng cấp hệ thống giáo dục tài chính kế toán; triển khai thực hiện hệ thống giám sát công mạnh mẽ.
Như vậy, khi IFRS được áp dụng, Việt Nam phải chủ động chuẩn bị các nguồn lực để triển khai thực hiện mới có hiệu quả, nhưng trong nhiều yếu tố tác động đến việc thực thi, tôi cho rằng yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Việc chuẩn bị một lực lượng lao động trẻ có kiến thức và kỹ năng vận dụng IFRS là nhiệm vụ của các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành Kế toán đang hoạt động tại Việt Nam. Từ trước đến nay, các môn học kế toán tài chính trong CTĐT ngành Kế toán của các trường đại học phần lớn chỉ giảng dạy CMKT Việt Nam. Mặc dù VAS được soạn thảo trên nền tảng của CMKT quốc tế, nhưng khả năng hòa hợp quốc tế của VAS còn nhiều hạn chế. Vậy khi IFRS được phép áp dụng tại Việt Nam, các đơn vị đào tạo sẽ tiếp cận và triển khai để giới thiệu các khái niệm, nội dung IFRS trong CTĐT của ngành Kế toán như thế nào cho hiệu quả.
Bên cạnh đó, các trường đại học (ĐH) có đào tạo kế toán ở Việt Nam hiện nay chia thành 2 khuynh hướng: cử nhân kế toán định hướng hàn lâm/nghiên cứu (ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TP.HCM,...) và cử nhân kế toán định hướng thực hành (ĐH Tài chính - Kế toán, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp,...). Việc các trường lựa chọn định hướng đào tạo sẽ chi phối mạnh đến nhận thức, chủ trương, xác định mục tiêu, phương pháp tổ chức đào tạo và đặc biệt là chương trình đào tạo ngành Kế toán. Chính điều này đã chi phối mạnh đến việc đào tạo kế toán quốc tế tại các cơ sở đào tạo trong thời gian qua.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo kế toán - kiểm toán tại các cơ sở đào tạo
Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, cần thống nhất nhận thức và có sự quan tâm thực sự của các Cơ quan quản lý Nhà nước theo tinh thần của Luật Kế toán (số 88/2015/QH 13): Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định (Điều 70).
Hai là, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ là một thị trường mở, nhu cầu lớn, nhưng cũng là một thị trường, một lĩnh vực cung cấp dịch vụ có sự cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của rất nhiều lực lượng: Các viện, trường, các trung tâm và thậm chí cả các doanh nghiệp,… trong nước và ngoài nước,… Vì vậy, để thành công và duy trì tốt công việc này, cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, đổi mới thường xuyên chương trình, nội dung, đa dạng hóa hình thức đào tạo huấn luyện, nâng cao chất lượng giảng viên, tổ chức lớp học và phương pháp giảng dạy. Cần phải thật linh hoạt, có nhiều chương trình, nhiều nội dung đào tạo, nhiều hình thức tổ chức phù hợp với các đối tượng học viên đa dạng. Cần chủ động nắm bắt nhu cầu của học viên, của xã hội để tổ chức các khóa đào tạo, kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Ba là, về nhận thức, cần coi trọng, quan tâm nhiều hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho học viên. Đây không chỉ là trách nhiệm góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho học viên, mà còn giúp họ trong tương lai có thể làm tốt chức năng kế toán, kiểm toán.
Bốn là, các chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực với các tổ chức đào tạo tầm quốc tế kết hợp hệ thống trường đại học, cao đẳng của Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Việc hợp tác giữa tổ chức học thuật với nhau như giữa các trường đại học và các tổ chức đào tạo cũng không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Tổ chức học thuật và một Tổ chức nghề nghiệp quốc tế, đưa ra chương trình đào tạo chất lượng, có tính ứng dụng cao giúp sinh viên sẵn sàng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp ngay khi ra trường lại là một bước đi còn nhiều mới mẻ và được xem là phù hợp với thực tiễn.
Năm là, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và trong lĩnh vực kế toán, tài chính, kinh doanh nói riêng không chỉ trông chờ từ phía nhà trường, mà cần sự chủ động từ nhiều phía. Trong đó, bao gồm sự chủ động từ bản thân người lao động, sự đầu tư tìm hiểu, cũng như định hướng nghề nghiệp nghiêm túc từ phía học viên. Học viên được hướng nghiệp cụ thể sẽ hiểu rõ nhu cầu, năng lực của mình. Vì vậy, học viên cần chủ động cập nhật và trang bị những kiến thức, kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để sẵn sàng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp ngay sau khi ra trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hà Thị Ngọc Hà (2016), Kế toán Việt Nam trong điều kiện hội nhập TPP và AEC, Kỷ yếu hội thảo quốc gia - Đại học Kinh tế quốc dân.
- Quốc hội (2015), Luật Kế toán Việt Nam, năm 2015.
- Trần Mạnh Dũng - Nguyễn Thúy Hồng (2015), IFRS: 10 năm áp dụng và bình luận, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 143:27-29.
- Vũ Hữu Đức (2016), Năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực kế toán - nghiên cứu so sánh Singapore và Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia - Đại học Kinh tế quốc dân.
Improving the quality of accounting training activities of Vietnam’s universities and accounting professional organizations
Master. Tran Thi Hong Van
Faculty of Accounting University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
In order to fulfil the task of training and retraining accounting human resources, universities and accounting professional organizations have made great contributions to the development of Vietnam's accounting field in recent years. However, the quality of accounting training activities is still quite low. Therefore, it is necessary for universities and accounting professional organizations to innovate their accounting training activities. In order to successfully implement International Financial Reporting Standards (IFRS) in Vietnam in coming years, it requires high-quality accountants who have profound understanding about the IFRS. The article analyzes and presents requirements for the innovation in accounting training activities of Vietnam’s universities and accounting professional organizations.
Keywords: Accounting, auditing, training, training institutions, international integration.