TÓM TẮT:
Với việc gia nhập AEC và ký kết các hiệp định thương mại, Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó, thách thức lớn về tính chuyên nghiệp và lành nghề của đội ngũ nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán không thể xem nhẹ và cần có giải pháp tháo gỡ một cách nhanh chóng để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Bài viết trao đổi một số ý kiến liên quan đến thực trạng đào tạo kế toán, kiểm toán trình độ cao hiện nay cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khóa: Kế toán, đào tạo kế toán.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, việc đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học được thực hiện ở rất nhiều ngôi trường đại học kinh tế tài chính cả công lập và ngoài công lập trên cả nước. Ở những trường đại học đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán có đủ mọi hệ đào tạo và cấp bậc đào tạo như trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy, thạc sỹ, tiến sỹ, tại chức hay là đào tạo từ xa. Đó là chưa tính hàng trăm trung tâm, các tổ chức mở lớp dạy nghề kế toán, kiểm toán. Điều đó đồng nghĩa mức độ cạnh tranh khi tuyển dụng là không hề nhỏ.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế đòi hỏi nguồn nhân lực tương ứng là rất lớn, bởi lẽ doanh nghiệp dù lớn, vừa hay là nhỏ đều tổ chức công tác kế toán hoặc sử dụng các dịch vụ kế toán. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn đó là trong số hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp có một số lượng lớn sinh viên ra trường phải làm một công việc trái ngành, hoặc không tìm được công việc kế toán phù hợp. Theo các nhà tuyển dụng, những khó khăn chung khi tuyển dụng nhân sự ngành Kế toán là chất lượng nhân sự không đáp ứng được nhu cầu công việc, đặc biệt là nguồn nhân sự mới tốt nghiệp ra trường. Với những đối tượng này, họ thiếu kỹ năng cần thiết cho công việc, chưa có cái nhìn chính xác về nội dung công việc mà họ sẽ làm, chưa nắm chắc được kiến thức cơ bản… Khi tuyển dụng đối tượng này, nhà tuyển dụng chấp nhận đào tạo lại để phù hợp với tình hình công việc thực tế tại doanh nghiệp.
Nhận thấy được thực trạng sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế, các trường cao đẳng, đại học trên cả nước đã có những hành động cụ thể và thiết thực để thay đổi như: đổi mới phương pháp đào tạo; mời giảng viên thỉnh giảng là những người có thâm niên làm công tác kế toán thực tế tại các doanh nghiệp; trang bị mô hình phòng kế toán mô phỏng theo đúng thực tế; bổ sung những môn học cần thiết như phần mềm kế toán, thuế, kế toán excel…; tích cực mời các doanh nghiệp ngành Kế toán tổ chức hội thảo chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm bổ trợ cho công việc thực tế; tổ chức các CLB kế toán, tổ chức thực tập cuối khóa cho sinh viên…
Bên cạnh những nỗ lực và hành động thiết thực trên, công tác đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục đào tạo vì những lý do chủ quan lẫn khách quan cũng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, thái độ học tập của chính bản thân sinh viên cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.
2. Những bất cập liên quan đến công tác đào tạo nói chung
Thứ nhất, do số lượng sinh viên đông, phòng kế toán mô phỏng chưa thực sự được triển khai hiệu quả, chưa mô tả hết được các công việc thực tế mà người kế toán phải làm. Việc đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học được thực hiện khá phổ biến, ở rất nhiều ngôi trường đại học kinh tế - tài chính cả công lập và ngoài công lập trên cả nước. Tuy nhiên, hầu như các trường đại học mới chỉ truyền đạt lý thuyết, chưa tạo cơ hội cho các sinh viên tiếp cận thực tế, nên số lượng sinh viên muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề này phải đi tìm đến các phòng kế toán mô phỏng để trải nghiệm. Tuy nhiên, khi đến các trung tâm, phòng kế toán mô phỏng cũng đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu nên chưa có các chính sách cũng như điều kiện để người học được cọ xát bên ngoài mà hầu như chỉ nêu ra những thứ căn bản trong ngành Kế toán.
Thứ hai, trong đào tạo, môn học kế toán thường được chia ra thành nhiều phần, chưa chú trọng việc hệ thống một cách tổng thể, xuyên suốt nội dung đào tạo, từ đó sinh viên chưa nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của kế toán cũng như chưa hiểu rõ một cách tổng thể và chi tiết các công việc phải làm của người kế toán. Trong các ngôi trường đại học, đặc biệt là các trường chuyên môn đào tạo kế toán, kiến thức chuyên ngành là khá rộng, với rất nhiều trường hợp trong thực tế khác nhau nên chia ra nhiều môn và học phần như nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, kế toán hành chính sự nghiệp,… nên có thể tạo ra tâm lý lúng túng cho các sinh viên không biết nên áp dụng trường hợp nào trong thực tế.
Thứ ba, chương trình đào tạo chỉ chú trọng đến kiến thức về kế toán, trong khi đó để làm tốt công việc trong thực tế, người kế toán phải biết những kiến thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thuế như: làm thế nào nộp tờ khai thuế, ký số là gì, thực hiện như thế nào… Ngoài ra, nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn các quy trình kế toán cơ bản của từng phần hành kế toán để giúp sinh viên hiểu rõ công việc, nhiệm vụ của từng vị trí trong phòng kế toán và trình tự cần phải thực hiện.
Thứ tư, giáo trình, tài liệu của các môn học chưa theo kịp sự thay đổi của chính sách cũng như chưa sát với thực tế công việc. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, các quy định pháp lý về luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp được bổ sung và thay đổi theo tinh thần chung của các chuẩn mực và quy định chung của các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, người làm công tác chuyên môn và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo trong việc cập nhật những kiến thức mới nhất và phù hợp với tình hình thực tế.
3. Nguyên nhân chủ quan từ sinh viên
Sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng của kiến thức nền tảng dẫn đến thái
độ học tập đa phần là để đối phó. Một lượng lớn sinh viên hiện nay chưa ý thức được những kiến thức mình dùng là để phục vụ cho tương lai sau này làm việc, mà hầu như chỉ học để cho qua môn, để tìm được học bổng, để có thể trang bị chắc chắn kiến thức cho những môn học chuyên ngành sau này… Sinh viên chỉ chú trọng các kiến thức trong sách giáo trình, những lời thầy cô dạy mà chưa có ý thức tự tìm tòi, học hỏi để lo lắng sau này trong thực tế sẽ áp dụng như thế nào. Điển hình như đa số các sinh viên ngành Kế toán có thể lập báo cáo tài chính, nhưng những báo các khác như báo cáo lưu chuyển tiền tệ,… cũng là một trong những văn bản kế toán viên cần biết làm thì họ lại chưa chắc đã làm được. Sinh viên chưa chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng có liên quan để phục vụ cho công việc như kiến thức về các ứng dụng công nghệ thông tin, tin học văn phòng… Chưa chủ động cập nhật những thay đổi có liên quan về chính sách thuế, chế độ kế toán.
Một phần quan trọng của nguyên nhân này cũng bắt nguồn từ chưa có ý thức tìm tòi, học hỏi các kiến thức thực tế, không nắm bắt các thông tin kinh tế xã hội của Việt Nam mà có liên quan đến sau này. Với tâm lý e ngại, cũng như lười cập nhật thông tin chính sách nhà nước và có thể là lấy những nguyên nhân như chờ nghị định khi nào thực thi rồi tìm hiểu cũng chưa muộn là những lý do phổ biến.
4. Giải pháp
Về phía sinh viên
Một là, tích cực tìm hiểu, trang bị và cập nhật các chính sách nhà nước, chuẩn mực kế toán để sau này khi ra trường có thể tự tin tìm kiếm các cơ hội việc làm theo đúng chuyên ngành mà mình đã được học.
Hai là, chủ động trang bị các kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ kế toán để phục vụ cho công việc tương lai. Trong thời đại công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay, không khó để sinh viên có thể tiếp cận các thông tin, kiến thức từ các khóa học online, các video do các chuyên gia trong ngành thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam để cạnh tranh với quốc tế trong thời kỳ hội nhập.
Ba là, sinh viên phải tự có ý thức học để tìm hiểu bản chất của các vấn đề, trau dồi thêm kiến thức cho chính bản thân mình và loại bỏ ngay tâm lý học đối phó, học vì thầy cô, vì bạn bè, vì cha mẹ. Sinh viên phải đặt cái tâm vào nghề mà mình đã chọn để theo học thì tương lai mới có thể rộng mở.
Về phía nhà trường
Luôn tạo điều kiện cho sinh viên không chỉ kiến thức, chương trình dạy học hợp lý mà còn phải cho sinh viên trải nghiệm thực tế, cọ xát với các tình huống thực tế để khi ra trường sinh viên không khỏi bỡ ngỡ. Nhà trường có thể tạo các khóa huấn luyện cho cả sinh viên lẫn giảng viên, hay mở các cuộc thi dành cho tất cả đối tượng trong nhà trường để nâng cao sức cạnh tranh giữa các sinh viên, mời các chuyên gia trong ngành về để truyền đạt cũng như giảng dạy cho sinh viên trong trường.
Về phía doanh nghiệp
Rất nhiều người nói rằng, ở trường được học như thế này nhưng khi làm việc thực tế thì rất khác, điều đó là chưa đúng. Kế toán là một nghề có tính logic rất cao, nếu trong quá trình học tập nắm vững kiến thức cơ bản thì khi làm việc thực tế, chỉ cần chú ý và bổ sung thêm một số kỹ năng cần thiết, sinh viên hoàn toàn có thể nắm bắt công việc thực tế một cách dễ dàng. Có chăng sự khác biệt ở đây là việc vận dụng như thế nào kiến thức đã học để phù hợp với thực tế doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kế toán - tài chính cần phải góp phần hỗ trợ sinh viên nhanh chóng hòa nhập vào môi trường thực tế bằng cách tổ chức những khóa đào tạo kế toán thực tế. Họ có điều kiện để tổ chức những lớp học ngắn hạn – nơi hoàn toàn tập trung vào các công việc thực tế mà người kế toán phải làm, các kỹ năng cần thiết mà người kế toán cần trang bị, các tình huống thực tế mà kế toán phải xử lý, các quy trình kế toán cơ bản phải biết, các mô tả công việc cụ thể của từng phần hành kế toán… làm sao để sau khi học xong, người học hiểu được mình phải làm gì và làm như thế nào để tự tin đáp ứng nhu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Đây cũng là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay để sinh viên mới tốt nghiệp nhanh chóng nắm bắt và đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trương Bá Thanh - Trần Đình Khôi Nguyên (2007), Đổi mới công tác đào tạo kế toán - kiểm toán trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng.
- Trần Ngọc Thúy (2017), Thực trạng nguồn nhân lực ngành kế toán nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp cho thời gian tới, Tạp chí Công Thương.
- Võ Văn Nhị (2016), Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Trang tin điện tử Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam.
- Vũ Hữu Đức (2011), Đào tạo kế toán Việt Nam - Tiềm năng và thách thức, Tạp chí Kiểm toán.
Training accountants to meet practical working requirements: Current situation and solutions
Master. Nguyen Anh Hong
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology for Industries
ABSTRACT:
By joining the AEC and signing trade agreements, Vietnam is facing many challenges ahead. In which, the challenge of professionalism and skills of highly qualified personnel of accounting and auditing field cannot be underestimated and it is necessary to have solutions to quickly meet the requirements of Vietnam's development and deep integration in the current period. This article exchanges some opinions related to the current situation of professional accounting and auditing training, and proposes some solutions to serve the development and international economic integration of Vietnam.
Keywords: Accounting, accounting training.