Nâng cao chất lượng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong đào tạo tại các trường đại học Việt Nam

ThS. ĐÀO THỊ THANH THÚY - ThS. BÙI PHƯƠNG NHUNG (Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Xuất phát từ nhu cầu đào tạo kết hợp lý thuyết song song với thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán, các trường đại học tại Việt Nam đã phát triển việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng vào giảng dạy một cách rộng rãi. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và triển khai kế toán mô phỏng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Chính vì vậy, bài viết thể hiện kết quả đánh giá thực trạng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong các trường đại học tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong giảng dạy ngành Kế toán.

Từ khóa: Kế toán mô phỏng, các trường đại học Việt Nam, nâng cao chất lượng.

1. Thực trạng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam

Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học công lập và dân lập chạy đua mở ngành đào tạo kế toán làm cho kế toán trở thành một trong những ngành đào tạo phổ biến nhất hiện nay. Theo số liệu thống kê đến hết tháng 4/2016, số lượng các trường đại học, học viện đào tạo ngành Kế toán tăng lên nhanh chóng. Cụ thể:

Số lượng sinh viên và các trường đại học, học viện đào tạo ngành Kế toán ngày một tăng nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo lại chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm kế toán viên có năng lực. Tình trạng này là do đội ngũ lao động vừa tốt nghiệp thường thiếu kinh nghiệm thực tế làm cho việc nắm bắt ngay công việc là khó khăn, đối tượng này thường thiếu tự tin khi mới bắt đầu công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Mặt khác, các doanh nghiệp cần phải bỏ thêm một khoản kinh phí và thời gian để đào tạo lại những lao động mới ra trường. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thường chỉ ưu tiên tuyển dụng những lao động đã có kinh nghiệm trong công việc. Đây cũng là sự thiệt thòi lớn cho những sinh viên mới ra trường và đang tìm kiếm việc làm đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới nên yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần xuất phát từ phía thực trạng đào tạo tại các trường đại học vẫn còn nặng về tính hàn lâm, số tiết phân bổ giảng dạy cho lý thuyết chiếm tỷ lệ lớn trong khi số tiết thực hành chiếm rất ít hoặc không có, giảng dạy lý thuyết chưa đi đôi với hướng dẫn thực hành. Để khắc phục được tình trạng đó, các trường đã ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong giảng dạy như một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sinh viên ngành Kế toán.

Mô hình kế toán mô phỏng là mô hình mô phỏng lại quá trình thực hiện nhiệm vụ kế toán tại các doanh nghiệp từ hoạt động thu thập thông tin kế toán từ các chứng từ kế toán, xử lý các chứng từ, vào sổ kế toán và cung cấp thông tin trên các báo cáo kế toán. Qua quá trình khảo sát thực tế việc triển khai mô hình kế toán mô phỏng tại một số các trường đại học, học viện, cho thấy các yếu tố cơ bản cần có trong mô hình bao gồm:

Yếu tố cơ sở vật chất

Đây là yếu tố đầu tiên cần phải chuẩn bị khi triển khai mô hình kế toán mô phỏng, là điều kiện cơ bản quyết định tới chất lượng đào tạo nên phải chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như chuẩn bị không gian phòng thực hành kế toán mô phỏng, bàn, ghế, tủ tài liệu, thiết bị văn phòng như máy tính có cài đặt phần mềm kế toán, máy in, văn phòng phẩm...

Yếu tố con người

Yếu tố con người trong phòng kế toán mô phỏng là các đối tượng tham gia vào phòng kế toán mô phỏng đã được xây dựng bao gồm sinh viên và giảng viên hướng dẫn.

Sinh viên tham gia thực hành trên phòng kế toán mô phỏng đóng vai trò là các kế toán viên trong phòng kế toán của doanh nghiệp; đối tượng này phải tuân thủ các quy định, trách nhiệm do kế toán trưởng phân công.

Giảng viên hướng dẫn đóng vai trò như kế toán trưởng, thực hiện phân công công việc trong phòng kế toán mô phỏng phù hợp nhất với từng sinh viên, đồng thời việc phân công trách nhiệm kế toán viên cho mỗi sinh viên phải đồng đều sao cho khi kết thúc khóa học kế toán mô phỏng mỗi sinh viên đều phải năm bắt được nội dung từng phần hành kế toán thực tế.

Mô phỏng phòng kế toán tại từng loại hình doanh nghiệp

Đây là bước quan trọng và là yếu tố quyết định đến chất lượng của phòng kế toán ảo. Trong giai đoạn này cần mô phỏng hóa toàn bộ các yêu cầu về công việc kế toán tại phòng kế toán của doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết và nêu rõ các yêu cầu của sinh viên, học viên cần phải làm những công việc gì. Mặc dù mỗi loại hình doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, tuy nhiên các bước mô phỏng phòng kế toán bao gồm:

- Mô phỏng tổng quan tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp về tên doanh nghiệp; Địa chỉ, mã số thuế; Ngành nghề lĩnh vực kinh doanh; Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và bộ máy kế toán; Các chính sách kế toán chung áp dụng; Mô phỏng hệ thống tài khoản sử dụng trong doanh nghiệp.

- Mô phỏng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ thuộc các phần hành trong mỗi loại hình doanh nghiệp bằng cách xây dựng bộ tài liệu kế toán thực hành và bộ đáp án cho mỗi loại hình doanh nghiệp.

- Đưa ra các yêu cầu thực hành lập, thu nhận hệ thống chứng từ liên quan trong các nghiệp vụ phát sinh, ghi sổ kế toán và lập báo cáo.

- Hướng dẫn chi tiết thực hành một số yêu cầu đã đặt ra bằng phương thức thủ công và thực hành trên phần mềm kế toán.

- Cung cấp và cập nhật hệ thống văn bản pháp luật tài chính kế toán mới nhất:

Việc xây dựng và đưa mô hình kế toán mô phỏng vào giảng dạy sinh viên trong các trường đại học, học viện đã mang đến những lợi ích to lớn đối với cả người học, nhà trường và cả doanh nghiệp sử dụng lao động.

* Về phía sinh viên:

Mô hình kế toán mô phỏng không những giúp người học kế toán hiểu được tổng quan công việc kế toán trên thực tế, thực hành thành thạo công việc kế toán mà còn giúp sinh viên phân biệt và nắm bắt được công việc kế toán trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Sau khi được tham gia phòng kế toán mô phỏng, sinh viên sẽ rèn luyện được tư duy, kĩ năng của kế toán viên chuyên nghiệp; Hiểu và vận dụng các quy định về kế toán của pháp luật một cách linh hoạt và kịp thời; Tổ chức công tác kế toán trong từng loại hình doanh nghiệp...

* Về phía cơ sở đào tạo:

Việc gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành giúp các trường nâng cao chất lượng sinh viên ngành Kế toán sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn đầu vào của sinh viên khi đăng kí trường đại học, ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh tại các trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học đang ngày càng áp dụng chính sách tự chủ tài chính.

* Về phía doanh nghiệp:

Nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao luôn được các doanh nghiệp chào đón và sẵn sàng trả mức lương xứng đáng. Việc ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng không chỉ trực tiếp giúp sinh viên nắm vững hơn về nội dung công tác kế toán trong các doanh nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có chuyên môn, trong lĩnh vực kế toán, giúp cho doanh nghiệp hoạt động thực hiện theo đúng chiến lược đã hoạch định và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Kế toán của xã hội và nhận thức được lợi ích to lớn đem lại khi ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng, nhiều trường đại học đã bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong giảng dạy, đặc biệt là các trường đại học dân lập. Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số lượng trường đào tạo chuyên ngành kế toán tại Việt Nam thì số lượng các trường đại học, học viện ứng dụng mô hình này còn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, quá trình ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng để giảng dạy sinh viên còn gặp nhiều vấn đề bất cập:

Thứ nhất, chương trình đào tạo ngành Kế toán tại các trường đại học và học viện chưa xem kế toán mô phỏng là một môn học bắt buộc. Mặc dù hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nghiên cứu lý thuyết và xây dựng mô hình kế toán mô phỏng để ứng dụng trong các trường đại học; mặt khác, một số trường đã chủ động hợp tác với các đơn vị chuyên nghiên cứu về mô hình kế toán mô phỏng để triển khai ứng dụng mô hình này trong quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên. Tuy nhiên, kế toán mô phỏng vẫn chỉ được dừng lại ở mức độ nghiên cứu thử nghiệm hoặc triển khai đào tạo tại các trung tâm đào tạo chứng chỉ kế toán tại các trường, mà chưa được xem là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo.

Phương pháp giảng dạy ngành Kế toán trong các trường còn nặng tính lý thuyết, mặc dù tại các trường đã có sự thay đổi phương thức đào tạo bằng việc kết hợp đào tạo lý thuyết song song với đào tạo thực hành song chưa triệt để. Cung cấp các bài tập lớn cho sinh viên thực hành và bố trí giảng viên hướng dẫn nhưng hầu hết các bài tập thực hành này còn chung chung, chưa thực sự sát với thực tế tình hình các doanh nghiệp, chưa cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp, không khoa học, không đồng bộ, khó thực hành. Đã đưa học phần kế toán máy vào giảng dạy song chỉ mới chỉ dừng ở mức độ hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán, mà chưa hướng dẫn cụ thể phương thức tổ chức công tác kế toán thực tế trong doanh nghiệp thậm chí tại một số trường đại học việc giảng dạy kế toán thực hành chỉ mới dừng ở mức độ thực hiện thủ công mà chưa ứng dụng các phần mềm kế toán.

Thứ hai, cơ sở vật chất tại các trường đại học, học viện còn lạc hậu, thiếu so với nhu cầu, chưa đáp ứng được việc ứng dụng rộng rãi mô hình kế toán mô phỏng trong giảng dạy. Với xu hướng tự chủ tài chính tại các trường đại học, học viện hiện nay, vấn đề kinh phí đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy trong kế toán mô phỏng là còn hạn chế do kinh phí đầu tư ban đầu thường cao và cần phải có chi phí duy trì nâng cấp thường xuyên, đặc biệt tại các trường mới thành lập hoặc các trường đại học mới chuyển đổi từ các trường cao đẳng, trung cấp. Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu thực hành kế toán của sinh viên rất cao tuy nhiên số lượng phòng máy tính trên sinh viên còn rất thấp nên sinh viên phải học thành nhiều ca, một ca học có qúa nhiều sinh viên tham gia.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy kế toán thực hành tại các trường đại học. Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hầu hết các giảng viên giảng dạy bậc đại học đều phải có trình độ thạc sỹ đúng chuyên ngành, tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy số lượng giảng viên có học hàm học vị và kinh nghiệm thực tế lâu năm tại các trường có thể hướng dẫn sinh viên thực hành kế toán còn chiếm tỷ lệ ít. Đội ngũ giảng viên trẻ tuy có khả năng tiếp thu nhanh nhưng lại gặp hạn chế trong vấn đề kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến việc hạn chế hướng dẫn sinh viên xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hành kế toán.

Thứ tư, tài liệu thực hành kế toán trong kế toán mô phỏng xây dựng chưa sát với thực tế của từng loại hình doanh nghiệp. Hầu hết các bộ chứng từ kế toán xây dựng sử dụng thực hành trong kế toán mô phỏng đều là các chứng từ giả định, chỉ xây dựng các chứng từ phát sinh thường xuyên trong doanh nghiệp mà chưa xây dựng được bộ chứng từ cụ thể chi tiết gắn liền với thực tế từng loại hình doanh nghiệp. Đặc biệt hầu hết các bộ chứng từ xây dựng cho kế toán mô phỏng đều mô phỏng các nghiệp vụ phát sinh trong các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, ít đề cập tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp xây dựng...

2. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng tại các trường đại học tại Việt Nam

Thứ nhất, từng bước đưa kế toán mô phỏng trở thành môn học bắt buộc cho sinh viên ngành Kế toán trong chương trình đào tạo.

Việc đưa kế toán mô phỏng trở thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo không những giúp các trường thực hiện được mục tiêu học lý thuyết đi đôi với thực hành, còn tạo hứng thú cho sinh viên do môi trường học tập sát sao với thực tế trong doanh nghiệp.

Thứ hai, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho phòng kế toán mô phỏng

Do mỗi trường có đặc điểm, quy mô, điều kiện đào tạo khác nhau nên không thể quy định chung về cơ sở vật chất cho tất cả mà để tùy vào điều kiện thực tế tại mỗi trường đại học, trước khi triển khai ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị đạt tiêu chuẩn để tạo điều kiện thực hành tốt nhất cho sinh viên. Về không gian phòng kế toán mô phỏng cần quy định diện tích tối thiểu dành cho mỗi sinh viên trong phòng thực hành kế toán. Về trang thiết bị tối thiểu phải đảm bảo các yêu cầu về bàn ghế dành cho các cấp độ giảng viên hướng dẫn, trợ giảng, kế toán viên; các thiết bị khác phục vụ trong phòng kế toán như tủ đựng tài liệu có khóa với số lượng bằng số lượng nhóm sinh viên, máy tính, máy in, máy chiếu, fax, thiết bị điện, mạng internet, điều hòa, đèn chiếu sang, văn phòng phẩm...

Thứ ba, tập huấn giảng viên hướng dẫn và trang bị kiến thức cơ bản ngành Kế toán cho sinh viên

Đối với sinh viên: Trước khi tham gia vào phòng kế toán mô phỏng cần yêu cầu sinh viên phải nắm vững kiến thức lý thuyết ngành Kế toán, các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán. Yêu cầu sinh viên cần phải có các kiến thức cơ bản về kỹ năng làm việc nơi công sở, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn xin việc, kỹ năng tin học văn phòng (Word, Excel…). Đây là các yêu cầu cơ bản mà sinh viên cần có để việc tham gia phòng kế toán mô phỏng được thuận lợi hơn.

Đối với giảng viên hướng dẫn: Giảng viên đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định giáo dục, nắm vững được bản chất và quy trình công việc kế toán, nắm vững chế độ pháp luật kế toán, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế, thường xuyên cập nhật các văn bản, thông tư mới nhất trong lĩnh vực tài chính kế toán. Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo điều kiện hỗ trợ giảng viên tham gia các đợt tập huấn về mô hình kế toán mô phỏng được tổ chức định kỳ đề nâng cao kỹ năng hướng dẫn và trình độ chuyên môn.

Sau khi sinh viên đã nắm vững những kiến thức cơ bản về kế toán, để bước vào thực hành trong phòng kế toán ảo thì công tác hướng dẫn sử dụng kế toán mô phỏng là điều không thể thiếu:

- Quy định số lượng tối đa sinh viên tham gia phòng kế toán trong mỗi buổi học, số lượng tối đa sinh viên tham gia trong mỗi nhóm nhỏ sao cho mỗi sinh viên khi tham gia phòng kế toán mô phỏng đều được đảm nhận một phần hành kế toán. Điều này giúp nâng cao chất lượng học tập của sinh viên trong mỗi giờ thực hành, mặt khác hạn chế tình trạng quá tải công việc cho các giảng viên, giúp giảng viên hướng dẫn bao quát, quản lý lớp hiệu quả hơn.

- Mỗi giờ thực hành tại phòng kế toán ảo cần có sự theo dõi và hướng dẫn của ít nhất 1 giảng viên có kinh nghiệm thực tế lâu năm. Ngoài ra có thể phân bổ thêm các trợ giảng là các giảng viên trẻ, vừa giúp giảng viên chính quản lý lớp hiệu quả, vừa giúp các giảng viên trẻ thu nhận được nhiều kinh nghiệm thực tế.

- Các học viên khi tham gia phòng kế toán ảo cần thực hiện nghiêm túc quy định về trang phục lịch sự như trong môi trường doanh nghiệp

Thứ tư, hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu thực hành kế toán trong phòng kế toán mô phỏng

Bao gồm bộ chứng từ kế toán của từng loại hình doanh nghiệp, lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp, xây dựng quy trình tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp. Để xây dựng được bộ tài liệu thực hành cụ thể hóa đối với từng loại hình doanh nghiệp, các trường đại học cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các giảng viên hướng dẫn đi thực tế từng loại hình doanh nghiệp.

3. Kết luận

Tóm lại, nâng cao ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng trong đào tạo ngành Kế toán tại Việt Nam được xem là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp từ nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên hướng dẫn có kinh nghiệm cả về số lượng và chất lượng; đồng thời xây dựng chi tiết nội dung mô phỏng kế toán tại từng loại hình doanh nghiệp. Để thực hiện được điều này, các trường cần đầu tư triển khai hơn nữa các công trình nghiên cứu khoa học với mục đích hoàn thiện nâng cấp mô hình kế toán mô phỏng, xây dựng kế hoạch triển khai hoặc nâng cấp phù hợp theo từng giai đoạn; kết hợp với các doanh nghiệp và Bộ Giáo dục và Đào tạo để được tạo điều kiện giúp đỡ nâng cao hơn nữa chất lượng ứng dụng mô hình kế toán mô phỏng tại các cơ sở đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS.TS. Mai Thị Hoàng Minh. Khoa Kế toán - Kiểm toán– Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đổi mới công tác giảng dạy kế toán ở trường đại học - Khó khăn và thách thức.

2. Trương Bá Thanh. Trần Đình Khôi Nguyên – Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đổi mới công tác đào tạo kế toán- kiểm toán trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.

3. PGS.TS. Đặng Văn Thanh. Tạp chí Kế toán - Kiểm toán số 77, Kế toán và Kiểm toán Việt Nam: Những bước tiến mạnh mẽ, vững vàng sau 20 năm đổi mới.

4. ThS. Trương Hoàng Tú Nhi. Trường Đại học Đà Nẵng, Mô hình thực hành kế toán ảo - Giải pháp đào tạo hướng đến mục tiêu phát triển kỹ năng thực hành nghề kế toán.

5. Tạ Nguyễn, Vũ Đình Trung, Trần Ngọc Phúc, Đỗ Quốc Bảo, Trần Hành - Đại học Lạc Hồng, Xây dựng hệ thống quản lý các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp.

IMPROVING THE QUALITY OF APPLYING ACCOUNTING SIMULATION  IN ACCOUNTING TRAINING AT VIETNAMESE UNIVERSITIES

Master. DAO THI THANH THUY

Department of Accounting Faculty of Environmental and Natural Resources Economics Hanoi University of Natural Resources and Environment

Master. BUI PHUONG NHUNG

Department of Auditing Faculty of Environmental and Natural Resources Economics Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Based on the need of paralleling practice and theory in training in order to improve the quality of accounting training, Vietnamese universities have researched and applied the model of accounting simulation widely. However, the processes of developing and applying the model of accounting simulation face difficulties and limitations. Therefore, this study accesses the status of implementing accounting simulation at Vietnamese universities and proposes some solutions to improve the quality of applying the model in accounting training.

Keywords: Accounting simulation, Vietnamese universities, improve quality.