TÓM TẮT:
Xuất phát từ tầm quan trọng của mỗi môn học trong chuyên ngành kế toán - kiểm toán và thực trạng phần lớn sinh viên hiện nay còn chưa biết vận dụng kết hợp mối quan hệ giữa các môn học để đạt hiệu cao trong học tập quả . Do đó, bài viết nghiên cứu "Vận dụng mối quan hệ giữa môn nguyên lý kế toán, môn kế toán, kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả việc học tập của sinh viên". để sinh viên hiểu hơn về mối quan hệ giữa các môn chuyên ngành và việc học tập kết hợp các môn sao cho hiệu quả.
Từ khóa: Nguyên lý kế toán, kiểm toán, sinh viên, hiệu quả học tập.
1. Sự cần thiết của việc vận dụng mối quan hệ giữa các môn học nguyên lý kế toán với các môn chuyên ngành kế toán kiểm toán
Thứ nhất, nguyên lý kế toán được coi là môn học cơ sở cho việc học tập các môn chuyên ngành kế toán, kiểm toán khi cung cấp những kiến thức nền tảng về kế toán, qua đó tạo cơ sở cho việc học tập và nghiên cứu các môn chuyên ngành.
Thứ hai, sinh viên có khả năng học tập và nghiên cứu tốt hơn về kế toán, kiểm toán khi đã nắm đầy đủ kiến thức môn nguyên lý kế toán. Có thể nói, môn nguyên lý kế toán cũng là một trong những môn học cơ sở của khối ngành kinh tế. Nó cung cấp kiến thức nền tảng cần thiết về kế toán, các khái niệm và nguyên tắc kế toán trên phương diện là một môn khoa học và hiểu biết tổng quát về nghề kế toán.
Thứ ba, nội dung cốt lõi của các môn chuyên ngành cũng chứa đựng phần lớn kiến thức phát triển từ các kiến thức của môn nguyên lý kế toán. Các môn chuyên ngành kế toán, kiểm toán với mục đích đi sâu hơn vào công việc kế toán, kiểm toán cụ thể do vậy cần vận dụng các kiến thức nền tảng, nguyên tắc và các khái niệm thông qua môn nguyên lý kế toán. Các môn chuyên ngành vì vậy cũng giúp cho sinh viên có cái nhìn sâu sắc và kĩ lưỡng hơn về nghề kế toán, kiểm toán trên cơ sở hiểu biết tổng quát về nền tảng, lý thuyết mà sinh viên đã tích lũy được từ môn học nguyên lý kế toán.
2. Thực trạng vận dụng kết hợp mối quan hệ giữa các môn nguyên lý kế toán, kế toán và kiểm toán của sinh viên hiện nay
Hiện nay việc học tập và nâng cao hiệu quả học tập với sinh viên luôn là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Phần lớn, sinh viên chuyên ngành kế toán – kiểm toán nói chung vẫn còn thụ động, việc vận dụng mối quan hệ giữa các môn học chưa đạt hiệu quả. Thực tế này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Một là, sinh viên không nắm vững bản chất, dẫn đến khả năng vận dụng mối quan hệ giữa các môn học thấp. Một phần nguyên nhân do hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ với mục đích là phát huy tính tự chủ tích cực của sinh viên, song phần lớn thời gian học tập dành cho các môn học lại rất ngắn. Một bộ phận không nhỏ sinh viên trong quá trình học tập không hiểu rõ bản chất, tồn tại tư tưởng học tập nhồi nhét làm cho kiến thức bị mai một dần, đến khi cần vận dụng mối quan hệ giữa các môn học bị lúng túng, khiến hiệu quả học tập không được như mong muốn.
Hai là, sinh viên học tập mang tính thụ động dẫn đến thiếu sự chủ động trong vận dụng các kiến thức liên quan. PGS.TS Nguyễn Công Khanh – Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt các con số về phong cách học tập của sinh viên. Theo thống kê: có hơn 50% sinh viên được khảo sát không thực sự tự tin vào năng lực tự học của bản thân, hơn 40% thấy mình không có năng lực tự học, gần 70% sinh viên cho thấy mình không có năng lực tự nghiên cứu và khoảng 55% sinh viên không có hứng thú với học tập. Việc học tập một cách thụ động làm cho khả năng lĩnh hội các kiến thức của sinh viên giảm sút, đặc biệt với sinh viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán khi khối lượng kiến thức học tập là rất lớn trong khi thời gian học tập trên giảng đường bị hạn chế. Nếu không chủ động nghiên cứu thêm thì sinh viên không thể nắm bắt được hết các kiến thức liên quan đến ngành nghề kế toán, kiểm toán.
Ba là, tính chủ động của sinh viên trong nghiên cứu khoa học (NCKH) còn thấp. Qua khảo sát, trong 100 sinh viên được điều tra có 60% sinh viên nói không có hứng thú với việc nghiên cứu khoa học, 25% sinh viên có chút hứng thú nhưng ngại viết, lười viết hoặc không biết phương pháp viết ra sao và chỉ có khoảng 10% còn lại coi NCKHNCKH như một phương pháp củng cố lại kiến thức đã học. Chính vì những lý do trên đã dẫn đến việc vận dụng mối quan hệ giữa các môn học nguyên lý kế toán, kế toán - kiểm toán vào quá trình học tập và nghiên cứu khoa học chưa cao, sinh viên chưa nắm bắt được sâu sắc hệ thống kiến thức có mối quan hệ chặt chẽ từ nguyên lý kế toán, kế toán đến kiểm toán, dẫn đến kết quả học tập không thực sự cao.
3. Biện pháp giúp sinh viên vận dụng tốt mối quan hệ giữa các môn nguyên lý kế toán và các môn học kế toán, kiểm toán:
Một là, nâng cao tính tự giác của sinh viên trong quá trình tự học tập.
Bất kì kiến thức nào được giảng dạy trên giảng đường đại học đều là những kiến thức căn bản, có liên quan đến quá trình thực hành nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên trong nội dung giảng dạy của trường còn có nhiều bài học, môn học chỉ mang tính chất lý luận chung, chưa gắn với thực tiễn và chưa giải quyết vấn đề thực tiễn đề ra. Chính vì vậy, việc nâng cao tính tự giác của sinh viên trong quá trình học tập để làm sao việc nghe giảng trên lớp phải thực sự trở thành nhu cầu bức thiết của người học chứ không phải vì sợ điểm danh hay sợ bị cấm thi mới có mặt trên lớp.
Muốn làm được như vậy, trước hết, nội dung giảng dạy phải phù hợp với tính đặc thù của đối tượng giảng dạy, mang tính khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của người học, tránh những bài giảng khiến người học cảm thấy có nhiều vấn đề không thiết thực, dẫn đến hình thành tâm lý học cũng vậy mà không học cũng vậy, học để thi chứ không có ích gì cho công việc, do đó dẫn đến ý thức học không tích cực hoặc học chỉ để đối phó kỳ thi và những quy chế nhà trường đặt ra. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chất lượng học tập của sinh viên chưa được như mong muốn.
Để khắc phục được điều này, trước hết giảng viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có phương pháp giảng dạy hiện đại, cuốn hút và am hiểu sâu sắc thực tiễn, bài giảng gợi niềm say mê, hứng thú cho người học, cung cấp những kiến thức có thể ứng dụng được vào quá trình làm việc trong tương lai, nâng cao được ý thức cầu thị, say mê học hỏi, nắm bắt cái mới để nâng cao tính tự giác trong học tập, nâng cao hiệu quả học tập.
Hai là, cần đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phương pháp giảng dạy đang được sử dụng phổ biến hiện nay mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị thì thực chất người học vẫn ở thế bị động trong nhận thức và
tiếp nhận thông tin khiến hiệu quả của việc học tập chưa cao. Chính vì vậy, phương
pháp giảng dạy cần được đổi mới theo hướng sinh động gắn kiến thức lý luận với kiến thức thực tiễn, kích thích được tính chủ động của người học, biến giờ học trên lớp thành môi trường thuận lợi cho người học để họ có điều kiện tham gia ý kiến, trình bày tham luận, thuyết trình những vấn đề nhận thức mà mình được nghiên cứu, điều ấy gợi lên niềm say mê hứng thú đối với người học, làm cho người học tự nguyện, tự giác đến với lớp học.
Để làm được điều đó, cần phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau trong dạy học như diễn giảng, kết hợp với nêu vấn đề, sử dụng tình huống và các phương
tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Không tuyệt đối hoá phương pháp nào để tránh giảng dạy đơn điệu một phương pháp, nhất là chỉ sử dụng phương pháp diễn dịch, giải thích hoặc lạm dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật một cách thái quá dẫn đến sự nhàm chán.
Việc sử dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin là cần thiết trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên cần phải hiểu rằng không phải cứ sử dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin trong dạy học là đổi mới phương pháp giảng dạy. Cần khai thác triệt để các phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ giảng dạy như sử dụng máy tính để mô hình hóa giáo án, xây dựng biểu đồ, sơ đồ; minh họa bằng hình ảnh; làm video clip các tình huống nghiệp vụ, tình huống có vấn đề, cũng như sưu tầm, biên tập phim minh họa cho bài giảng... điều cơ bản là làm tăng khả năng tư duy, sáng tạo của sinh viên mới là mục tiêu của đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phương pháp giảng dạy hiện đại cũng cần chú trọng giảng dạy theo tình huống, vấn đề, buộc sinh viên phải động não tìm ra phương án để giải quyết các tình huống đó. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tự học và chú ý kiểm tra sự chuẩn bị của sinh viên. Hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giảng viên và sinh viên cũng cần được tăng cường trong giảng dạy theo phương pháp mới nhằm khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học của sinh viên.
Ba là, chuyển hình thức kiểm tra đánh giá sinh viên theo hình thức học hiểu, nắm bản chất vấn đề.
Hiện nay, phần lớn các môn học đều thực hiện đánh giá sinh viên dưới hình thức kiểm tra việc học lý thuyết. Việc này giúp đánh giá đúng nhất khả năng học tập lý luận môn học song việc tập trung lý thuyết mà không gắn liền với thực hành dễ khiến sinh viên không hiểu bản chất, dễ quên kiến thức, không có sự liên kết học tập giữa các môn. Điều ấy giúp sinh viên có điều kiện thể hiện được trình độ nhận thức và buộc sinh viên phải tự giác trong nghiên cứu, buộc phải hiểu biết sự liên quan giữa các môn học, nâng cao chất lượng học tập. Đây chính là cơ sở giúp giảng viên đánh giá đúng năng lực, trình độ của sinh viên và cũng giúp nhà trường đánh giá đúng chất lượng của quá trình dạy và học.
Bốn là, kết hợp học tập với rèn luyện ý thức nghiên cứu khoa học.
Thực tiễn đã cho thấy thông qua nghiên cứu khoa học, cách liên kết các kĩ năng, kiến thức đã học giúp sinh viên nắm vững kiến thức một cách tốt hơn. Để có thể kết hợp chặt chẽ học tập với NCKH một cách đầy đủ cần:
Tạo phong trào NCKH cho sinh viên bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút sinh viên tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức.
Thành lập và duy trì hiệu quả các câu lạc bộ học thuật dành cho sinh viên, phối hợp Ðoàn Thanh niên, các phòng ban chức năng phát huy vai trò của giảng viên trẻ trong việc hướng dẫn sinh viên tham gia các hoạt động NCKH.
Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu, trang bị cho sinh viên những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn.
Kết hợp với việc giao lưu giữa sinh viên với những người thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong sinh viên. Cần tìm hiểu nguyện vọng của sinh viên trong từng khóa để tập hợp những vướng mắc và cùng giải quyết.
Các hoạt động tuyên truyền về thông tin NCKH cần được tăng cường đến gần với sinh viên hơn, làm cho mỗi sinh viên đều tự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động NCKH và NCKH là một hoạt động thiết thực với bản thân sinh viên. Hội Sinh viên cần là cầu nối giữa sinh viên và nhà trường, các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Ðây là một kênh thông tin chính thức, có thể bảo đảm tính chính xác trong thông tin giữa các bên. Từ đó phần nào nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài NCKH trong sinh viên.
Bản thân mỗi sinh viên cũng cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc lên kế hoạch học tập và nghiên cứu, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu và lựa chọn cho mình một phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả, phù hợp. Nâng cao khả năng tự học, ngoài thời gian nghe giảng trên lớp thì sinh viên cần tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu ở nhà, ở thư viện để mở rộng và đào sâu tri thức, trong đó kỹ năng tự đọc tài liệu rất quan trọng. Tăng cường thảo luận, tích cực trình bày quan điểm và tranh luận.
Như vậy, chất lượng học tập sẽ được nâng cao khi và chỉ khi tạo ra được năng lực sáng tạo cho người học, khi biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, đặc biệt nắm vững được kiến thức các môn học và vận dụng được mối quan hệ giữa
các môn học nguyên lý kế toán và kế toán, kiểm toán để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Giáo trình Nguyên lý kế toán - Học viện Tài chính.
- TS Nguyễn Công Khanh - Nghiên cứu phong cách học tập sinh viên .
- Kết quả lấy phiếu khảo sát sinh viên tại lớp đang giảng dạy.
Applying the relationship between principles of accounting and auditing to help students improve their study results
Master. Nguyen Thi Thu Ha
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology for Industries
ABSTRACT:
As many students still do not know how to integrate knowledge of different subjects in the accounting – auditing program to achieve high study results. Based on the importance of each subject of the accounting - auditing program, this study was carried out to present the relationship between the principles of accounting and auditing to help students understand more these two subjects, improving their study results.
Keywords: Principles of accounting, auditing, students, study performance.