Hoạt động kết nối giao thương là giải pháp thiết thực
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.
Các nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí rơi vào suy thoái, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động nhất định và gặp nhiều khó khăn.
Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, các chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã được tổ chức.
Thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội trợ triển lãm trực tiếp và trực tuyến đã kết nối hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh sau đại dịch.
Đánh giá về hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là một giải pháp thiết thực, thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, giới thiệu những mặt hàng tiêu biểu, có tiềm năng của địa phương đến với các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu cả trong và ngoài nước.
“Đây là nền tảng kết nối đa dạng giữa các bên quan trọng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng tiếp cận đến thị trường và những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài, giúp cho hàng hoá sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế và từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu." - Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Cung xích lại gần cầu nhờ kết nối giao thương
Trong những năm qua, Tập đoàn Central Retail đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nghiên cứu và khảo sát mở rộng hệ thống phân phối siêu thị tại các khu vực, phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail cho biết, với thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, thời gian qua, Tập đoàn Central Retail đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp và các hợp tác xã trong việc đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là trái cây, nông sản, các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.
Tới đây, Tập đoàn Central Retail sẽ tập trung tham gia vào hai sự kiện tâm điểm, đó là chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tổ chức vào tháng 9 tại TP. Hồ Chí Minh và Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan trong tháng 8 năm nay.
Trong nỗ lực đưa sản phẩm hàng hoá Việt Nam vào hệ thống siêu thị trên thế giới, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Cổ phần DH Foods cho biết, doanh nghiệp đã dành nhiều nguồn lực trong xây dựng thương hiệu và công tác xúc tiến thương mại. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước như Vietfood, Food Expo,… qua đó, các nhà mua hàng nước ngoài đã đến tìm hiểu và từng bước sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra thế giới.
Khi doanh nghiệp phát triển hơn, đơn vị bắt đầu tham gia các triển lãm quốc tế tại Thái Lan, Đức, Nhật Bản…. Từ đầu năm 2023 đến nay, Dh Foods ít nhất đã tham gia 3 hội chợ - triển lãm lớn tại Nhật Bản, Mỹ và mới đât nhất là Trung Quốc. Thông qua các hội chợ này, nhiều khách hàng của Mỹ, Trung Quốc đã qua tận công ty để đàm phán đơn hàng.
Hay đối với Tập đoàn Minh Trung, ông Nguyễn Đắc Trung, Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Minh Trung Việt Nam cho biết, ngoài việc phân phối sản phẩm ổn định tại các siêu thị, đại lý phân phối trong nước, doanh nghiệp cũng cần hướng tới phát triển sản phẩm tại thị trường quốc tế, cần chú trọng đến các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường trường này, đặc biệt là tại châu Âu và Nhật Bản.
Đối với sản phẩm của Minh Trung, để vào được thị trường châu Âu, đặc biệt là chuỗi phân phối hàng thực phẩm hàng đầu của châu Âu, Minh Trung cũng phải chứng minh đủ tiêu chí nhập khẩu sản phẩm vào các thị trường này, đặc biệt là tiêu chí xanh, giảm thiểu sử dụng nhựa. Trước khi sản xuất ra sản phẩm đầu tiên phải xây dựng nhà máy đủ điều kiện, được đơn vị kiểm nghiệm quốc tế chấp nhận.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, sản xuất hữu cơ với nông nghiệp. Hiện nay, các nước nhập khẩu đều yêu cầu các sản phẩm xanh, sạch, an toàn, vì vậy, để thâm nhập được vào các thị trường khó tính này, sản phẩm của Việt Nam phải có sự khác biệt với các nước khác.
“Điển hình như mặt hàng dệt may, trước đây xuất khẩu dệt may mỗi năm đạt khoảng hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu dệt may của Việt Nam sụt giảm mạnh. Trong khi đó, đơn hàng của doanh nghiệp Bangladesh vẫn dồi dào. Đây là ví dụ cho thấy, doanh nghiệp chuyển đổi xanh sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Mặc dù khó khăn nhưng vẫn còn nhiều thị trường ngách giàu tiềm năng mà doanh nghiệp vẫn chưa khai thác đến. Có thể kể đến các thị trường mới tiềm năng như New Zealand, Australia hay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các thị trường Ấn Độ, châu Phi, khối thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA với Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA, đa dạng hoá thị trường trường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua đoàn giao thương, hội chợ triển lãm, hội nghị quốc tế, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.
Đồng thời, trực tiếp triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; Hội nghị giao ban với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; Hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng đầu tư, thương mại với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài...