TÓM TẮT:
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Việt Nam bắt đầu phát triển xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ. Từ xuất phát điểm là con số không đáng kể năm 1995, Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ năm 2003. Mặt khác, dù chỉ chiếm 1,94% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ nhưng Việt Nam lại có mức xuất siêu lên đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này và cơ cấu xuất khẩu có mức tập trung cao với 5 ngành hàng chủ lực chiếm đến 80%, trong đó bao gồm một số ngành hàng có thuế suất nhập khẩu cao ở thị trường Hoa Kỳ như may mặc và da giày (ITC 2017). Vì vậy, giải pháp đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vừa giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu bền vững vừa giúp đối phó với chính sách bảo hộ mới của thị trường Hoa Kỳ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Xuất khẩu Việt Nam, thị trường Hoa Kỳ, chính sách bảo hộ, kịch bản FTA.
1. Đặt vấn đề
Hoa Kỳ là nền kinh tế số 1 của thế giới với GDP là 18,56 ngàn tỷ USD, là thị trường mở có sức mua cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 57,28 ngàn USD/người/năm (CIA 2017) và là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới với thị phần xấp xỉ 14% tổng giá trị nhập khẩu của thế giới (ITC 2017). Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2003, hiện chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016. Dù tiềm năng lớn và Việt Nam mới chỉ chiếm 1,94% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ (ITC 2017) nhưng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với những nhân tố bất ổn của thị trường Hoa Kỳ xuất phát từ các yếu tố nội tại của thị trường này (cán cân thương mại thâm hụt nghiêm trọng 798,5 tỷ USD hay tỷ lệ thất nghiệp cao 4,7% năm 2016) (CIA 2017) và chính sách Trumponomics - chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump với phương châm “Nước Mỹ trên hết” (America First). Vì vậy, việc nghiên cứu tổng thể hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh môi trường bất định và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam năm 2017 càng có ý nghĩa thực tiễn và tính cấp thiết đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.
2. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
2.1. Giai đoạn trước BTA Việt - Mỹ
Kể từ năm 1994, sau khi lệnh cấm vận
được dỡ bỏ, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này và hoạt
động thương mại song phương đã bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ và liên
tục cả về mặt quy mô và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp
và chưa được hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) của Hoa Kỳ nên
quy mô kim ngạch xuất khẩu thời kỳ này chưa tương xứng với tiềm năng của thị
trường hai nước, đến năm 2001 mới đạt mức 1 tỷ USD dù tốc độ tăng trưởng cao
(bình quân trên 70%/năm giai đoạn 1994 - 2001).
Tính đến năm 2001, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ gấp hơn 20 lần mức kim ngạch của năm đầu tiên xuất khẩu và gấp 5,2 lần mức kim ngạch của năm 1995. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ này chủ yếu về số lượng hơn là chất lượng do dung lượng của thị trường Hoa Kỳ quá lớn so với khả năng sản xuất của Việt Nam.
2.2. Giai đoạn sau BTA Việt - Mỹ
BTA Việt - Mỹ đã giúp Việt Nam được hưởng quy chế NTR của thị trường Hoa Kỳ, giảm đáng kể về hàng rào thuế quan và phi thuế quan, mở ra cơ hội phát triển xuất khẩu mạnh mẽ cho hàng Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ cả về mặt lượng và chất.
* Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu
Năm 2002 được gọi là năm đầu tiên BTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ có mức tăng trưởng cao 127,04% và tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng hai chữ số trong toàn thời kỳ (ngoại trừ năm 2009 chịu tác động của khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ). Giai đoạn 2001 - 2016, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 31,14%/năm, đưa kim ngạch cuối kỳ lên 43,77 tỷ USD.
Thời hoàng kim của BTA Việt - Mỹ chủ yếu là hiện tượng chuyển hướng thương mại hơn là tạo lập thương mại. Phía Hoa Kỳ lập tức có các chính sách để ngăn chặn hiện tượng chuyển hướng thương mại và thậm chí là hiện tượng chệch hướng thương mại có thể phát sinh. Do vậy, ngay cuối năm 2003, giao thương giữa hai nước bắt đầu phát sinh một số vấn đề. Sang năm 2004, xuất khẩu hàng hóa Hoa Kỳ sang Việt Nam bị sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ lần đầu đối mặt với các vụ kiện về tên thương mại của sản phẩm rồi đến bán phá giá và các rào cản kỹ thuật khác ở thị trường Hoa Kỳ.
* Cơ cấu xuất khẩu
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã chuyển biến rõ rệt trong giai đoạn 2001 - 2016 với sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng có giá trị cao như nhóm hàng điện tử, điện thoại và linh kiện (mã hàng 85) với kim ngạch cuối kỳ đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rõ nét tác động tạo lập thương mại, là một tín hiệu tích cực cho lĩnh vực xuất khẩu không chỉ gia tăng về số lượng mà ngày càng tăng hàm lượng công nghệ và chế biến. Nhiều tập đoàn lớn về công nghệ, điện tử như Intel, Microsoft, IBM, Samsung… đã chuyển hướng sang Việt Nam, biến nước ta trở thành điểm sản xuất trong mạng lưới toàn cầu của các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới.
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ là may mặc (gồm mã hàng 61 và 62) giành được vị trí thứ 2 ở thị trường này (sau Trung Quốc) và da giày (mã hàng 64) đã có lịch sử phát triển lâu dài và tạo được vị thế đáng kể nhờ vào lợi thế gia công do lao động dồi dào, khéo tay và chi phí nhân công thấp. Hơn thế nữa, những năm gần đây, doanh nghiệp may mặc, da giày Việt Nam đã vượt qua được các tiêu chuẩn kỹ thuật và trách nhiệm xã hội dày đặc của Hoa Kỳ. Ngành hàng đồ gỗ (mã hàng 94) hiện đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đã bắt đầu tăng trưởng mạnh từ năm 2003, sau khi BTA có hiệu lực và khi các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan bị đánh thuế chống bán phá giá khá cao (55% - 120%). Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam cần lưu ý để tránh bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.
Thủy sản (mã hàng 03) là ngành hàng xuất khẩu phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ của Hoa Kỳ, dù đây là một mặt hàng nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế so sánh để bổ sung cho thị trường tiêu dùng Hoa Kỳ. Khi BTA có hiệu lực chưa được bao lâu thì ngành hàng này bắt đầu vướng vào hàng loạt các vụ kiện từ tên gọi của sản phẩm cá basa, cho đến bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với tôm và cá. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản trong những năm gần đây chính là các rào cản kỹ thuật và pháp luật Hoa Kỳ đưa ra ngày càng dày đặc. Các đạo luật Farm Bill (đạo luật về lĩnh vực nông nghiệp) liên tục được chỉnh sửa, bổ sung mà một trong những mục đích của đạo luật là nhắm đến ngành Thủy sản Việt Nam.
3. Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
* Tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô xuất khẩu còn nhỏ và mức độ xuất siêu quá cao
Giai đoạn 2001 - 2016, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng bình quân 31,14%/năm và tỷ lệ xuất siêu lên đến 3/4. Nếu xét ở mức độ xuất siêu thì thật đáng quan ngại nhưng khi nhìn ở bức tranh tổng thể lớn hơn thì Việt Nam mới chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ (1,94% trong tổng số 2.251,61 tỷ USD năm 2016). Ở chiều ngược lại, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Quan hệ thương mại mất cân đối và cán cân thương mại quá nghiêng về Việt Nam đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt chính sách. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm một chính sách thương mại có lợi hơn cho Hoa Kỳ, dù điều đó có thể đi ngược lại xu hướng tự do hóa thương mại và các quy định trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
* Cơ cấu xuất khẩu có mức độ tập trung cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn 2001 - 2016 có sự chuyển dịch tích cực nhưng có mức độ tập trung quá cao. Chỉ tính riêng 5 ngành hàng chủ lực đã chiếm đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực là sản phẩm sơ chế, gia công, lắp ráp có mức thâm dụng lao động lớn, hàm lượng công nghệ chưa cao nên giá trị gia tăng thấp và càng dễ bị tổn thương trong các tranh chấp thương mại.
Mức thuế quan áp dụng (applied tariff rate) khá cao
Mức thuế suất NTR hiện nay mà Hoa Kỳ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước này so với các nước được hưởng thuế suất ưu đãi GSP hoặc thuế suất FTA của Hoa Kỳ. Hơn nữa, mức thuế quan áp dụng của Hoa Kỳ cũng cao hơn so với mức thuế quan danh nghĩa do cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào những ngành hàng có thuế suất cao như may mặc và da giày.
* Các rào cản phi thuế quan đa dạng và ngày càng nhiều
Những rào cản về pháp luật và yêu cầu kỹ thuật khắt khe trong thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các báo cáo rà soát chính sách thương mại Hoa Kỳ trong khuôn khổ của WTO đã cho thấy số liệu thống kê gia tăng về việc áp dụng ngày càng gia tăng các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời, các vụ việc khiếu nại về các rào cản kỹ thuật có tác động hạn chế định lượng và các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trung bình mỗi năm Hoa Kỳ có thêm 30 phán quyết đánh thuế chống bán phá giá và/hoặc thuế chống trợ cấp, trong khi hàng trăm phán quyết đánh thuế trước đó vẫn duy trì hiệu lực thông qua các đợt rà soát 5 năm/lần của điều khoản Hoàng hôn (Sunset Clause). Ví dụ: Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng phi lê cá basa đông lạnh từ năm 2002 đến nay vẫn còn tiếp diễn. Đạo luật Nông nghiệp sửa đổi cũng là nội dung phát sinh tranh cãi, khiếu nại giữa Hoa Kỳ với các nước đối tác. Ngoài ra, mỗi ngành hàng phải đối mặt với những khó khăn đặc thù từ những chính sách phi thuế quan đa dạng, phức tạp và thay đổi của Hoa Kỳ.
* Chính sách Trumponomics tạo rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này
Chính sách Trumponomics đề cao mục tiêu bảo hộ và lợi ích của nước Mỹ nên các đối tác thương mại của Mỹ luôn phải dè chừng. Trung Quốc bị đe dọa đánh thuế trừng phạt và Canada cũng vừa bị đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên mặt hàng gỗ mềm. Mỹ còn yêu cầu đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kí kết như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vậy nên, nguy cơ đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ không hề nhỏ trước nguy cơ xuất hiện thêm các biện pháp bảo hộ mới. Nếu quốc hội Hoa Kỳ thông qua chính sách thuế điều chỉnh biên giới (BAT) 20% (Andrew Soergel 2017) trong thời gian tới, sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Do BAT dự kiến được áp dụng đồng loạt với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ và hàng nội địa nên các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ chỉ chịu tác động tiêu cực khi hàng sản xuất tại Hoa Kỳ có mức giá rẻ hơn trong khi điều đó lại không hoàn toàn đúng với thực tế các ngành hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Hoa Kỳ. Đối với ngành May mặc, da giày, thậm chí là các sản phẩm điện tử, chi phí sản xuất nội địa khá cao khó có thể giúp nhà sản xuất Hoa Kỳ đảo ngược tình hình. Điều này có nghĩa rằng trong dài hạn, chính sách BAT thực chất gây tác động chuyển nhượng thu nhập từ túi người tiêu dùng nội địa sang nhà sản xuất và ngân khố Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vẫn có những phản ứng nhất định với BAT, giá tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng bị cắt giảm, kéo theo thị trường bị trì trệ.
4. Kịch bản đàm phán hiệp định FTA song phương với Hoa Kỳ
Chính quyền Tổng thổng Trump đã rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước APEC mà Tổng thống tiền nhiệm đã kí. Điều đó để lại khoảng trống về mặt chính sách trong quan hệ song phương Việt - Mỹ. Những nội dung của TPP thể hiện sự nỗ lực và đồng thuận cao giữa hai nước trong các vấn đề có liên quan đến thương mại và các vấn đề khác. Để tranh thủ những cơ hội từ một hiệp định FTA mới cũng như tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng xúc tiến đàm phán song phương một hiệp định FTA thay thế Hiệp định TPP. Có hai khả năng lớn có thể xảy ra khi Việt Nam đàm phán FTA mới thay thế TPP với Chính quyền Tổng thống Trump:
(i) Kịch bản kỳ vọng TPP+ (một hiệp định tự do hóa thương mại toàn diện dựa trên nền tảng TPP)
Kịch bản TPP+ thực chất là đàm phán song phương với việc giữ lại các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn như trong TPP hiện nay, có thể điều chỉnh theo yêu cầu phía Hoa Kỳ và kết quả đàm phán. Hiệp định này chắc chắn cao hơn mức quy định trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhằm đón đầu xu hướng một FTA thế kỷ, một FTA thời đại mới với mong muốn các điều khoản của TPP+ sẽ tạo cơ hội cho đất nước cải cách toàn diện về thương mại - kinh tế, cũng như phát triển bền vững. TPP+ là đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nên loại bỏ được các ảnh hưởng từ bên thứ 3 và tập trung hơn vào những nội dung mà đôi bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ có tác động lớn đến Việt Nam, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
(ii) Kịch bản FTA phổ thông
Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký BTA từ năm 2000 và đây là hiệp định quan trọng điều tiết các vấn đề thương mại giữa hai nước với nhau. Ngoài ra, còn có các thỏa thuận như việc gia nhập WTO của Việt Nam và cấp PNTR cho Việt Nam năm 2006, hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) năm 2006. Tuy nhiên, mức độ mở cửa thương mại trong các hiệp định kể trên chưa phải là mức FTA.
Nhằm khai thác lợi thế từ nước đối tác đồng thời giúp Hoa Kỳ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, một FTA song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ là một lựa chọn sáng suốt thay thế cho TPP. Quá trình đàm phán TPP trước đây kéo dài và căng thẳng là do các nước đều luôn nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia và bởi vì có một số vấn đề trong TPP xung đột với lợi ích của một nước thành viên. Ngay cả với Hoa Kỳ, một số mục tiêu và tiêu chuẩn về một FTA thế hệ mới cũng không phù hợp với quan điểm của chính quyền Trump. Vì vậy, chính quyền Trump có thể bác bỏ một số khía cạnh đầy tham vọng của TPP và sẽ quay về một FTA truyền thống, loại bỏ hoặc nới lỏng các vấn đề mới và nhạy cảm, chỉ còn bao gồm các nội dung cơ bản về thương mại với mức độ mở cửa thị trường mà hai bên mong muốn.
5. Kết luận
Quan hệ giao thương Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển toàn diện và vượt bậc trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, lợi thế đó không còn mãi trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khu vực như Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan,... đáng lưu ý nhất là Trung Quốc. Hơn nữa, vì muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước nên Hoa Kỳ đã áp dụng các chính sách thương mại kiểu mới và tinh vi. Hoa Kỳ đặt ra những tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, lao động, môi trường, quy định về thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, thuế biên giới… đối với hàng nhập khẩu. Vì vậy, việc đàm phán và kí kết một FTA song phương với Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam vươn lên trở thành nguồn cung thay thế Trung Quốc (Michael Martin 2016) và tạo đòn bẩy cho các nhà quản lý Việt Nam tiến tới một sự cải cách triệt để nền kinh tế từ bên trong. Kịch bản TPP+ hay quay về một FTA truyền thống đều tạo ra những cơ hội nhất định và cũng tạo sức ép để Việt Nam thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng về các vấn đề thương mại và phi thương, thay đổi từ hệ thống pháp luật, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ đến bảo vệ người lao động, môi trường và phát triển bền vững. Cho nên, sự vận động và đổi mới của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là chìa khóa quan trọng để hàng Việt thành công ở thị trường Hoa Kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Michael F. Martin (2016), U.S.-Vietnam Economic and Trade Relations: Issues for the 114th Congress, Congressional Research Services, ngày 20/05/2016.
2. Andrew Soergel (2017), Trump Signals Support for Border-Adjustment Tax, U.S. News ngày 24/02/2017
https://www.usnews.com/news/articles/2017-02-24/trump-signals-support-for-border-adjustment-tax-plan-pushed-by-house-republicans
3. Ankit Panda (2017), Straight from the U.S. State Department: The pivot to Asia is over, bản tin của The Diplopmat ngày 14/03/2017
http://thediplomat.com/2017/03/straight-from-the-us-state-department-the-pivot-to-asia-is-over/
4. Central Intelligence Agency (2017), The world Factbook,
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html
5. International Trade Center (2017), Trade Map,http://www.trademap.org/
6. Reuters (2017), Trump to attend three Asian summits in November: Pence, Reuters News ngày 20/04/2017
http://www.reuters.com/article/us-pence-asia-indonesia-trump-idUSKBN17M1BZ
VIETNAMS GOODS EXPORTS TO U.S. MARKET: ISSUES AND MEASURES
● TRAN NGUYEN CHAT
Division of Profession, Foreign Trade University, Ho Chi Minh City campus
● VU THI HIEN
Faculty of Economics and International Business, Foreign Trade University
ABSTRACT:
Since official normalization in 1995, Vietnam has exported to U.S. market. From the zero point in 1995, the bilateral trade agreement (BTA) has made the U.S. become Vietnams biggest export market since 2003. Although Vietnams share was 1.94% in U.S. market, it gained tremendous surplus with the proportion around ¾ its goods exports to this market and its highly-concentrated export structure where 5 key export items accounted for 80%, including some heavily tax levied items such as apparel and footwear (ITC 2017). Therefore, negotiation of a bilateral free trade agreement (FTA) shall be under consideration to help Vietnam gain sustainable export development and fight against U.S. trade protectionism.
Keywords: Vietnams exports, U.S. market, protectionist policy, FTA scenario.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây