Hơn 8.900 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1)

Theo phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 8.981 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.680 tỷ đồng; vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng.

Thông tin mới nhất cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định số 954/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án có chiều dài 60,24 km thuộc địa phận các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm đầu (Km0+000) của tuyến cao tốc tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, trên địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng), trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Dầu Giây
Điểm đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 1, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h. 

Tổng diện tích chiếm dụng đất khoảng 378ha, trong đó huyện Thống Nhất khoảng 95 ha; huyện Định Quán khoảng 156 ha; huyện Xuân Lộc khoảng 5 ha; huyện Tân Phú khoảng 122 ha.

Trong phạm vi Dự án sẽ bố trí 5 nút giao liên thông, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 4 nút giao và hoạch định 1 nút giao. Cụ thể, nút giao Dầu Giây (Km0+000) kết nối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 1; nút giao ĐT.763 (khoảng Km16+500) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, Quốc lộ 1 thông qua ĐT.763; nút giao Cao Cang (khoảng Km38+000) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Định Quán và huyện Đức Linh, Bình Thuận; nút giao Tân Phú (Km57+700) kết nối cao tốc với Quốc lộ 20, trung tâm huyện Tân Phú. Riêng tại vị trí giao cắt với ĐT.770B (khoảng Km10+400) trước mắt đầu tư cầu vượt trực thông trên đường cao tốc, việc đầu tư hoàn thiện nút giao liên thông thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Dự án sẽ xây dựng 26 cầu vượt đường ngang; 4 cầu trên nhánh nút giao vượt cao tốc; 24 hầm chui dân sinh kết hợp một số vị trí chui dưới cầu trên chính tuyến; khoảng 31 km đường gom kết hợp với hệ thống hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống đường hiện hữu đảm bảo kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống cư dân. Dự kiến trên tuyến cũng bố trí trạm dừng nghỉ tại Km 40, quy mô khoảng 3 ha/1 bên; chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ tính trong tổng mức đầu tư Dự án.

Theo phê duyệt, Dự án có tổng mức đầu tư là 8.981 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 7.681,539 tỷ đồng; vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021.

Dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 62%, năm 2026 khoảng 38%. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án được tính toán là 18 năm 2 tháng 11 ngày.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải cho Quốc lộ 20; đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. HCM - Dầu Giây - Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Thanh Hà