Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục gặt hái được những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Công tác cải thiện môi trường, thu hút đầu tư được quan tâm đẩy mạnh.
Gần đây nhất, đầu tháng 7/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn để triển khai 2 dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 551 triệu USD; nâng tổng số dự án mà Tập đoàn này đã đầu tư trên địa bàn tỉnh lên con số 5 với tổng vốn đạt gần 1 tỷ USD.
Hai dự án mới của Tập đoàn Foxconn là Dự án Sản phẩm giải trí thông minh được đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata), thị xã Quảng Yên có diện tích 21,5ha, tổng vốn 263,7 triệu USD, công suất thiết kế 4,18 triệu sản phẩm/năm và Dự án Hệ thống thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong (Deep C), thị xã Quảng Yên được đầu tư trên diện tích 12,4ha, tổng vốn 287,2 triệu USD, công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.
Đây là những dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn mới, là các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh thu hút đầu tư FDI đạt 1.559,24 triệu USD, đứng thứ 2 trên cả nước (chỉ sau tỉnh Bắc Ninh).
Lũy kế đến nay tổng số dự án FDI được cấp giấy phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 196 dự án đến từ 20 quốc gia với tổng vốn đăng ký trên 15,2 tỷ USD. Trong đó, thị xã Quảng Yên có 69 dự án với số vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD; TP. Cẩm Phả có 8 dự án với số vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD; huyện Hải Hà có 29 dự án với số vốn đăng ký là trên 3 tỷ USD; TP. Hạ Long có 56 dự án với số vốn đăng ký là trên 1,8 tỷ USD.
Theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành, tỉnh định hướng các hoạt động xúc tiến đầu tư phải gắn với quá trình xây đựng và trở thành công cụ hiệu quả thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng và cả nước.
Theo đó, Tỉnh tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, kết nối lao động, quy trình đầu tư nhanh chóng, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu (trong nhóm Forbes 500), có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên kết quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiên Phong...
Tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, chuyên đổi hộ cá nhân thành doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới (các nhà đầu tư động lực) có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu; các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Đối với thị trường ưu tiên thu hút đầu tư, Tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống, các quốc gia có công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...) như Hoa Kỳ, Singapore, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu...
Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp ưu tiên, mới, công nghiệp xanh, công nghệ cao như: Công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử viễn thông; sản phẩm số, ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp môi trường, công, nghiệp thời trang... ;
Phát triển công nghiệp phụ trợ, phục vụ công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo; đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (ưu tiên phát triển các loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ), khu đô thị, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; Du lịch, dịch vụ, tải chính, thương mại...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án vào các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái... Tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại để đảm bảo đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp để tạo quỹ đất sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư.