Hiện nay kết quả sản xuất, kinh doanh của mô hình hợp tác xã (HTX) ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 57 HTX. Trong đó, HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui huyện Ba Tơ đã khẳng định được vai trò và sự đóng góp của mình cho sự phát triển kinh tế ở địa phương với mô hình du lịch nông nghiệp.
Thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở độ cao 628m so với mực nước biển. Nơi đây có đồng cỏ rộng lớn và đồi sim bạt ngàn rộng 20ha, là một trong những thảo nguyên đẹp nhất ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 50km về hướng Tây Nam.
Nắm bắt được lợi thế địa lý đó, HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui được thành lập, khai thác những thế mạnh du lịch tại địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp song song với làm du lịch.
Xác định du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui tận dụng lợi thế ngành nghề truyền thống để nâng thu nhập của người dân trên cùng đơn vị diện tích.
Được thành lập vào tháng 7/2023 với 16 xã viên, HTX hiện đang xây dựng cơ sở vật chất để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Với cánh đồng sim bạt ngàn, người dân không chỉ khoanh vùng bảo vệ để chăm sóc, thu hoạch sim mà đây còn là điểm đến du lịch lý tưởng với du khách thập phương.
Ngoài ra, đến với Bùi Hui, du khách còn được xăng mây trải nghiệm trái và hoa sim, các hoạt động văn hóa của cộng đồng người H’re với hoạt động trình diễn chiêng ba đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; có chiêng 5 và tham quan và trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống; giao lưu múa, hát H’chôi (Ka choi) và Tă têu (Ka lêu), đàn Brooc…
Bên cạnh đó các sản phẩm nông nghiệp được HTX chú trọng sản xuất là ớt, sim, mật ong, hoa trà. HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui kì vọng các sản phẩm từ ớt, nước sim, mật sim sẽ sớm hoàn thành các tiêu chuẩn đánh giá đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Hiện tại các sản phẩm đã được biết đến và tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh, thời gian tới sẽ mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu ra các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Có thể thấy hoạt động của HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi; góp phần làm đa dạng các điểm du lịch của tỉnh; tạo động lực thu hút đầu tư dịch vụ du lịch, phát triển thương mại, khai thác các lợi thế của huyện miền núi Ba Tơ để phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững...
Từ hoạt động du lịch đã tạo động lực cho các ngành nghề nông thôn có thêm cơ hội để phát triển, mở rộng cánh cửa đón du khách đến với từng cộng đồng, địa phương, chia sẻ giá trị kinh tế, văn hóa, tinh thần một cách bền vững và hiệu quả. Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong vùng dự án, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn tại các vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế; đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay, mô hình du lịch miệt vườn, du lịch gắn với nghề nông nghiệp.
Đây chính là những điều kiện căn bản nền tảng để những đơn vị như HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui phát triển, giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo và vươn lên làm giàu.