Quê tôi, vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi, có đầm Lâm Bình hoang sơ và thơ mộng. Cửa đầm nối với sông Trường và sông Lò Bó trước khi hòa vào dòng nước sông Thoa đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Nơi hợp lưu những dòng nước lãng du, lượng tôm cá phong phú, và sản vật được nhiều người “ưu ái” là tôm đất với hình dáng giống tép đồng, thân lớn hơn đầu đũa ăn cơm.
Những lúc rỗi rãi, người dân quê mang nhủi ra ven đầm để bắt những con cá nhỏ, tôm đất, tép. Nhủi là dụng cụ đánh bắt với những thanh tre chẻ nhỏ bện cùng mây rừng gắn với miếng gỗ phía trước và hai đoạn tre phần ngọn làm tay đẩy.
Người dân quê đặt nhủi xuống nước rồi còng lưng đẩy về phía trước. Lát sau, dừng lại nhặt rong, rác rồi nhấc cao đầu nhủi phía trước cho tôm, tép, cá con rơi vào chiếc giỏ tre đeo bên hông.
Sau cả buổi lội bì bõm trong nước kiếm được mớ cá nhỏ cùng tép và tôm đất. Tôm mang về nhà vẫn còn búng tí tách, sẵn sàng cho món tôm rang “tẩm” hương chanh.
Rửa sạch tôm rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Dạo quanh vườn nhà ngắt mớ lá chanh non, rửa sạch, dùng dao bén xắt sợi nhỏ. Đun sôi dầu phộng trên bếp cùng dăm tép tỏi đập dập đến khi tỏa hương thơm thì cho tôm vào nồi. Dùng đũa đảo đều rồi nêm gia vị cùng vài lát ớt xắt mỏng. Khi tôm chín chuyển sang màu đỏ gạch, thêm ít tiêu xay nhuyễn rồi nhấc xuống khỏi bếp. Dùng vá múc tôm ra đĩa rồi rắc lá chanh xắt sợi lên trên là đã có món ăn dân dã, đậm đà hương vị làng quê.
Màu xanh của những sợi lá chanh xắt nhỏ điểm thêm nét chấm phá trên đĩa tôm rang màu đỏ gạch, trông thật bắt mắt. Vị ngọt từ tôm lẫn với vị cay của tiêu, ớt hòa cùng hương thơm nồng và vị the từ lá chanh non, ngon khó diễn tả thành lời. Người con xa xứ mỗi lần thèm tôm đất quyện hương chanh là lại nhớ bóng dáng người quê còng lưng nhủi tôm tép. Nơi đô thành, khóe mắt chợt cay.