Khác với cây trà, thuở đầu họ bắp (ngô) không “hít thở” cùng nền văn minh lúa nước. Thế nhưng, khi được du nhập vào nước ta nó vẫn mang tên là lúa ngô. Dần dà, bị rụng mất từ lúa, còn trụi lủi một chữ: bắp/ngô.
Và câu răn dạy của ông bà ta qua kho tàng ca dao thật chí lý: “Được mùa thóc lúa, chớ phụ ngô khoai…”
Chưa kể, cây bắp luôn chịu hạn giỏi và ít kén chọn đất hơn lúa.
Đó là chuyện cũ về cây cỏ bắp, được các thổ dân châu Mỹ thuần dưỡng thành công. Và tiền nhân đã dày công di thực nó về nước ta, nhằm gây giống. Còn chuyện đáng quan tâm khác: thị trường đã có sản phẩm bún bắp khô tiện lợi cho khâu bảo quản với chế biến được nhiều món lạ miệng, từ ướt đến khô. Tại TP.HCM, thấy bán ở cửa hàng Bakafood trên đường Trần Khắc Chân, quận 1.
Một xế oi bức, bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn quận 1, anh em chúng tôi cùng ru lại câu hò với dĩa bún bắp khô xào hải sản thập cẩm.
Gương mặt sạm nắng của ông anh, vừa phờ phạc xen lẫn bực dọc, do mới đi dạy chụp ảnh, mà đám sinh viên không chịu mở miệng hỏi câu nào. Chợt gặp lại sợi bún bắp vàng tươi, mắt anh bỗng sáng hơn. Bởi, chúng tôi từng rong ruổi ra gần đầm Ô Loan của Phú Yên (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An), tìm hiểu về lò sản xuất bún bắp tươi hiếm hoi của anh Quân.
Bún lần này, dẻo dai hơn sợi bún tươi cùng loại. Mặc dù, mùi thơm đặc trưng của bắp không còn nấn ná nhiều. Với lại, sắc màu vàng son quí phái cũng phôi phai đôi phần, so với cọng bún tươi cùng loại. Bù lại, phẩm vị ngòn ngọt - bùi mà lâu ớt ngán, cùng sự tiện lợi đã chiếm trọn cảm tình thực khách.
Và điểm độc đáo của dòng bún này, người ăn đang no bụng vẫn khoái hoạt không dễ lim dim, uể oải như khi no xôi hoặc cơm chiên.
Càng khó hiểu hơn về chén thức chấm hỗ trợ. Bún xào vốn là món khô, đi kèm một thức chấm khô lại cuốn hút lạ thường mới nghịch lý chứ!
Đó là, những con mắm cái cá cơm Phú Yên, đầy đặn thịt da, thơm phức. Mắm rất mặn nhưng bọc lót hậu vị ngọt thanh, nhờ được ủ bằng muối hột hầm.
Và chúng tôi cũng thật bất ngờ, khi nhận ra dòng bún bắp lại “ưa thích” nước mắm “rin” (mắm nhỉ) hơn một số thức chấm thông dụng khác, như: nước tương, muối ớt xanh.
Cũng có lần, người viết đã phối kết thành công mẹt bún bắp, bún gạo khô nhuộm màu lá cẩm với nồi lẩu gà “thanh xuân”. Trong đó, nhóm gia vị bí mật thoảng thơm hương mắm và thanh thoát vị chua thanh dịu. Gồm ít nước mắm cá đồng kho quẹt với mấy trái khế hườm cùng mớ lá giang dày dày (không non quá cũng chẳng già quá).
Riêng nồi nước lẩu tỏa khói vương mùi vị chua thơm quyến rũ đã chịu không nổi rồi. Còn thêm mẹt bún thập cẩm bừng sáng sắc màu tươi nguyên, tràn đầy nhựa sống của mẹ thiên nhiên. Từ trắng tinh (bún tươi) đến vàng son (bún bắp) và tím thơ ngây (bún nhuộm màu lá cẩm).
Thử hỏi, thực khách sao nỡ ngoảnh mặt làm ngơ?!
Chưa kể, tinh bột một số loại bắp (trừ bắp ngọt) nhất là, dạng bắp nguyên hạt rất có lợi cho người bệnh tiểu đường. Và một chế độ ăn uống đa dạng sẽ không gây nhàm chán, giúp cơ thể dung nạp nhiều dưỡng chất có lợi hơn.
Khi nắng - mưa càng thất thường, với giá lúa eo sèo như hiện nay (5.000 - 5.500 đồng/kg lúa thơm tại ruộng, vụ Đông -Xuân vừa qua) cây bắp sẽ càng có cơ hội tỏa sáng. Và điểm nhấn rất có thể là, dòng bún bắp khô - ướt tùy sở thích vừa nêu.