Huyện Dầu Tiếng: Tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ

Với vị trí nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, huyện Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy những lợi thế sẵn có, huyện đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó chú trọng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Cơ cấu kinh tế huyện Dầu Tiếng chuyển dịch đúng định hướng

Năm 2024 là năm thứ tư huyện Dầu Tiếng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ V với nhiều thuận lợi và thách thức đang xen. Trên tinh thần phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, UBND huyện Dầu Tiếng quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong nông thôn.

Qua đó, cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn huyện chiếm 52,57%; Thương mại - dịch vụ chiếm 29,57%; Nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 17,86%.

Dầu Tiếng
Trung tâm hành chính huyện Dầu Tiếng

Đến hết năm 2024, huyện cơ bản hoàn thành 38/39 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có 19/39 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2024, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 29.968 tỷ 292 triệu đồng, tăng 15,32% so cùng kỳ, đạt 100,41% so kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 15.753 tỷ 576 triệu đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ, đạt 100,42% so kế hoạch; giá trị thương mại - dịch vụ đạt 8.860 tỷ 328 triệu đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ, đạt 100,09% so kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.354 tỷ 386 triệu đồng, tăng 6% so cùng kỳ, đạt 100,95% so kế hoạch.

Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2024 của huyện Dầu Tiếng vượt chỉ tiêu kế hoạch, đạt 87 triệu đồng (kế hoạch:85 triệu đồng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.418 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra là 2.261 tỷ đồng.

Năm qua, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 38 doanh nghiệp và 04 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với tổng vốn 81 tỷ 400 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có 637 doanh nghiệp và 38 tiểu thủ công nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh 4.527,6 tỷ đồng, số lượng lao động thường xuyên 7.300 người.

Cùng với đó, huyện đã phối hợp với Sở Công Thương, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện điều chỉnh, bổ sung vào Phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó quy hoạch phát triển 03 KCN  (tổng diện tích: 2.095,77ha) và 12 Cụm công nghiệp  (với tổng diện tích 875 ha). Hiện các khu, cụm công nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng và Quy hoạch tỉnh Bình Dương.

Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư

Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, huyện Dầu Tiếng tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; kêu gọi thu hút đầu tư. Huyện chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn  gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm 2024, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện đã giải ngân 526,051 tỷ  đồng, đạt 100% so kế hoạch điều chỉnh.

Hiện nay, huyện đang đôn đốc các nhà thầu lập hồ sơ thanh, quyết toán công trình hoàn thành trong năm 2024. Với dự kiến tổng mức vốn đầu tư công năm 2025 là 673,915 tỷ đồng, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu để sớm triển khai thi công công trình ngay từ những tháng đầu năm 2025.

Dầu Tiếng
Huyện Dầu Tiếng tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, huyện tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các công trình; khuyến khích xã hội hóa thực hiện dự án trong các lĩnh vực dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, chợ.

Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Ông Nguyễn Phương Linh cho biết: Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên các dự án đầu tư được khuyến khích phát triển, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng khoa học công nghệ hiện đại, đi vào chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Dầu Tiếng
Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Huyện chú trọng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp An Lập, Long Tân, tiếp tục lập thủ tục đưa các cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh; triển khai kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện đầu tư mới các chợ theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, huyện kêu gọi đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Đặc biệt, huyện đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung các xã, quy hoạch khu chức năng, xây dựng đề án để thực hiện, nhanh chóng đưa các quy hoạch vào cuộc sống, góp phần xây dựng Dầu Tiếng ngày càng giàu đẹp./.

Cảnh Hưng