Khuyến công Bình Dương: Đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ sở CNNT tháo gỡ khó khăn

Thời gian qua, chính sách khuyến công tại tỉnh Bình Dương đã đóng góp quan trọng trong việc giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các cơ sở CNNT nhận được nhiều hỗ trợ từ chương trình khuyến công

Cụ thể, các cơ sở CNNT tại Bình Dương đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chương trình khuyến công, đặc biệt là trong việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Năm 2023 và 9 tháng năm 2024 đã hỗ trợ được 10 cơ sở CNNT với tổng kinh phí 2,675 tỷ đồng, thu hút 5,7 tỷ vốn đối ứng. Các đơn vị sau khi được hỗ trợ đều cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sơ chế mật ong” tại Cơ sở mật ong KT Honey Bee
Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sơ chế mật ong tại Cơ sở mật ong KT Honey Bee

Bên cạnh đó, nhờ chương trình khuyến công, các sản phẩm CNNT tiêu biểu của Bình Dương đã tham gia và đạt giải trong các cuộc bình chọn cấp khu vực và quốc gia. Điển hình là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, thực phẩm chế biến đã có mặt tại nhiều hội chợ quốc tế, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương. Trong năm 2023, Bình Dương có 7 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, năm 2024 toàn tỉnh có 41 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ngoài việc hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ triển lãm, Bình Dương đã xây dựng được Phòng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Nhìn chung hoạt động khuyến công đã giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là trong ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến thực phẩm, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

Bên cạnh kết quả trên, hoạt động khuyến công tỉnh Bình Dương vẫn còn những khó khăn thách thức như: Một số cơ sở CNNT vẫn chưa nắm bắt và tận dụng đầy đủ các cơ hội từ chính sách khuyến công do thông tin chưa được truyền đạt rộng rãi, các cơ sở CNNT tập trung vào sản xuất kinh doanh là chính, tâm lý ngại quan hệ với cơ quan Nhà nước, ngại làm hồ sơ thủ tục để được hỗ trợ vẫn còn phổ biến.  Công tác tuyên truyền chính sách ở cấp xã đến các cơ sở sản xuất CNNT vẫn chưa được chú trọng và hiệu quả.

Ngoài ra, cán bộ phụ trách khuyến công thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách. Cụ thể, cán bộ phụ trách xét duyệt đề án thay đổi, chưa qua tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về chính sách chưa cao, làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu cho hội đồng xét duyệt đề án, từ đó gây khó khăn, kéo dài ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đơn vị thụ hưởng.

Các cơ sở sản xuất tại Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, bao bì, và mẫu mã sản phẩm. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Mặt khác, Bình Dương quy định mỗi cơ sở CNNT chỉ được thụ hưởng chính sách khuyến công 1 lần nên không thực hiện được đề án điểm, làm mất tính lan tỏa, cũng như ý nghĩa của hoạt động khuyến công trong việc xây dựng các thương hiệu mạnh, tiêu biểu phát triển từ hỗ trợ của chính sách khuyến công.

Mặc dù hàng năm UBND, Phòng Kinh tế của các thành phố và huyện đã đăng ký chương trình kế hoạch thực hiện chính sách khuyến công hàng năm, nhưng thực tế vẫn còn nhiều địa phương không thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký, dẫn đến hoạt động khuyến công tại cơ sở chưa phát huy được vai trò và nhiệm vụ của mình.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở CNNT

Để tháo giỡ khó khăn cho các cở sở CNNT. Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương sẽ sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như mạng xã hội, hội thảo, và các buổi đào tạo để truyền đạt thông tin về chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT. Trong đó khuyến công cấp huyện cần giao chỉ tiêu cụ thể, ứng với tình hình thực tế số lượng cơ sở CNNT có trên địa bàn các xã, phường. Đồng thời đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm.

khuyến công
Đề án Khuyến công địa phương năm 2024 về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí cho Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ

Bên cạnh đó, nâng cao tính ổn định và năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách khuyến công: Cử các cán bộ phụ trách khuyến công tham gia các khóa đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách khuyến công để nâng cao hiểu biết và kỹ năng trong việc thực hiện chính sách. Đảm bảo cán bộ phụ trách khuyến công có kinh nghiệm và kiến thức cần thiết.

Tăng cường liên kết và phát triển thương hiệu: Cung cấp hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trong việc xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, và mẫu mã sản phẩm. Xây dựng các chương trình hợp tác giữa các cơ sở CNNT để tạo ra sức mạnh tập thể trong việc phát triển và quảng bá sản phẩm.

Thực hiện kiểm tra định kỳ và đánh giá thực hiện chính sách khuyến công của các tuyến huyện, thành phố, xã, phường… để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đã đăng ký. Thay đổi quy định về thụ hưởng chính sách: Rà soát và điều chỉnh quy định hiện tại để cho phép các cơ sở CNNT có thể tham gia vào nhiều lần hỗ trợ, giúp gia tăng tính lan tỏa và hiệu quả của chính sách khuyến công.

Bảo Khánh