Thu hút vốn đối ứng từ đơn vị thụ hưởng
Hoạt động khuyến công tỉnh Lâm Đồng với hình thức hỗ trợ có thu hồi kinh phí (cho vay không tính lãi) đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đầu tư phát triển sản xuất như hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị với số kinh phí hỗ trợ thực hiện năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 gần 11 tỷ đồng, nhưng đã thu hút được trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn khác của các cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia thực hiện các đề án khuyến công, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động vùng nông thôn của tỉnh.
Chương trình khuyến công đã hướng vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm của hoạt động khuyến công, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất thuộc các ngành công nghiệp chế biến nông sản chủ lực của địa phương như: Chế biến chè, cà phê, rau củ quả, ươm tơ dệt lụa v.v. đồng thời hỗ trợ để phát triển sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất sản phẩm phụ tùng và sửa chữa máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, sản xuất vật liệu xây dựng không nung và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ - thiết bị, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động của địa phương.
Đồng thời, hoạt động khuyến công mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, thể hiện ở kinh phí phân bổ cho hoạt động khuyến công hằng năm tăng đều qua các năm nhưng ngân sách cấp của tỉnh không tăng. Điều này được thể hiện ở, tổng kinh phí khuyến công địa phương giai đoạn 2012-2023 là 96 tỷ 373 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp hàng năm là 39 tỷ 690 triệu đồng (chiếm 41%), kinh phí thu hồi từ các đề án hỗ trợ có thu hồi là: 56 tỷ 683 triệu đồng (59%).
Các cơ sở chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện phát triển các vùng nguyên liệu giúp cho nông dân có thu nhập ổn định. Việc đầu tư đã đi vào chiều sâu, nếu trước đây chủ yếu chỉ sơ chế hoặc sản xuất nguyên liệu thô thì dần dần đã chuyển sang chế biến sâu để cho ra các sản phẩm có chất lượng như sản phẩm trà xanh viên, trà olong, cà phê rang xay, cà phê bột, tơ lụa, các loại nước uống trái cây đóng chai, gỗ tinh chế, chế biến các mặt hàng nông đặc sản của địa phương v.v.. góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều doanh nghiệp được sự hỗ trợ của Chương trình khuyến công đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, từ đó đã nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh và tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động.
Đa dạng nội dung khuyến công, phù hợp với nhu cầu
Nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, nhiều hoạt động mới được triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện, quản lý đề án của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng và các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đề án khuyến công ngày càng tốt hơn; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh có kinh nghiệm khi thực hiện các đề án từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của chương trình khuyến công.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạn chế như cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng vì không có đơn hàng. Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí ít doanh nghiệp (không có doanh nghiệp mới) nên khó khăn trong việc khảo sát tìm kiếm doanh nghiệp mới để hỗ trợ. Một vài cơ sở thực hiện đề án nhưng kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị giảm, do đó giải ngân không hết kinh phí.. Một vài doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên việc thu hồi kinh phí khuyến công hỗ trợ có thu hồi còn chậm trễ và kéo dài….
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh hoạt động tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tỉnh; thực hiện tốt việc phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề, tổ chức đoàn thể - xã hội, các tổ chức hỗ trợ phát triển khác v.v. để hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tăng cường, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các đề án được hỗ trợ để kịp thời tham mưu tháo gỡ giúp doanh nghiệp hoàn thành và giải ngân kinh phí theo đúng quy định; tập trung giúp các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục của đề án khuyến công theo quy định, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện để sớm hoàn thành các đề án khuyến công được phê duyệt; tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán kinh phí kịp thời đối với các đề án khuyến công cho các doanh nghiệp khi đã thực hiện hoàn thành; theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí khuyến công có thu hồi hoàn trả theo đúng tiến độ và thời gian theo cam kết.