Với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Vẫn còn vướng mắc khó khăn
Hằng năm, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tham mưu thực hiện các đề án, nhiệm vụ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương với kinh phí hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng. Thông qua các nội dung hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất, định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, mạnh dạng đầu tư ứng dụng thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố thị trường trong nước đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường nước ngoài.
Ông Chung Chí Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: Bên cạnh hiệu quả của chính sách khuyến công mang lại, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách khuyến công tại địa phương vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, kinh phí khuyến công hàng năm chậm được phê duyệt, từ đó làm ảnh hưởng việc triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công, cũng như chưa phát huy tốt hiệu quả hỗ trợ từ chương trình khuyến công nhằm kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT để tận dụng tốt cơ đầu tư phát triển sản xuất. Nguyên nhân hạn chế: thời gian xây dựng kế hoạch đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao kinh triển khai thực hiện như hiện nay khá lâu (hơn 10 tháng) dẫn đến một số nội dung thay đổi làm ảnh hưởng quá trình triển khai thực hiện như: thông số máy móc thiết bị (model, xuất sứ, công suất, giá thánh) thay đổi so với đăng ký ban đầu, khả năng tài chính, nhu cầu đầu tư …
Đồng thời, trong những năm qua hoạt động khuyến công của tỉnh chưa thực hiện được nội dung hỗ trợ cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu. Lý do: thời gian quy định cho việc đăng ký nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ là 13-14 tháng, tính từ thời điểm nộp đơn nên không đảm bảo niên độ tài chính để thực hiện theo quy định trong khi đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công phải quyết toán trong năm, vì vậy các cơ CNNT có nhu cầu đăng ký hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, Trung tâm khuyến công chỉ dừng ở bước hỗ trợ, hướng dẫn liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ.
Các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tuy nhiều về số lượng nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, phân tán, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề truyền thống nên việc đầu tư sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Năng lực quản trị doanh nghiệp của cơ sở thấp, thiếu vốn, do đó, khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn đối ứng theo quy định của chương trình khuyến công còn nhiều hạn chế.
Trong khi ở chiều ngược lại, nguồn vốn khuyến công quốc gia thường ưu tiên cho đề án nhóm, đề án điểm và các đề án đầu tư có quy mô tương đối lớn, vì vậy, các cơ sở quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh thường gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn.
Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện được đề án KCQG điểm do qua rà soát nhu cầu xin hỗ trợ của các cơ sở chỉ tập trung nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong khi đó theo quy định xây dựng đề án KCQG điểm phải có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công trở lên và các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Giải pháp nâng cao chất lượng khuyến công
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ông Chung Chí Trường cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công trong thời gian tới, cụ thể như:
Thứ nhất, thường xuyên rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khuyến công đồng thời chủ động tham mưu xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn, kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, tình hình mới, điều kiện mới của địa phương và gắn liền với điều kiện phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đặc biệt tập trung thực hiện hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị về hoạt động khuyến công.
Thứ ba, tăng cường khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp; Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực làm công tác khuyến công cho cán bộ tại các xã, phường, thị trấn.
Thứ năm, đảm bảo cân đối bố trí nguồn kinh phí khuyến công hằng năm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công đề triển khai một các hiệu quả nhất.
Thứ sáu, kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Tỉnh.