Việc mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến vào trong sản xuất đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất tăng cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, mở rộng thị trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế theo mô hình công nghiệp bền vững
Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đi vào hoạt động từ năm 2013. Trải qua thời gian hoạt động và phát triển, cơ sở kinh doanh này đã có được chỗ đứng trên thị trường trong huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với thương hiệu Nhà máy tôn Trung Lệ gồm các mặt hàng sản phẩm chủ yếu: sắt thép, tôn các loại và phụ kiện ngành nghề xây dựng. Với mong muốn phát triển hơn, ngày càng đi lên trong hoạt động sản xuất tôn thép xây dựng, hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đã nhận thức và đánh giá cao tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc tiên tiến vào sản xuất của đơn vị.
Từ thực tế trên, nhằm tạo điều kiện cho Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững. Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đã triển khai đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” cho Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ, tại ấp Hòa Cường, xã minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Với tổng kinh phí thực hiện đề án là 655 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 300 triệu đồng.
Sau khi nhận được nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ, Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy cán tôn 02 tầng, 9 sóng vuông - la phong - đầu vòm - xẽ (công suất 10 HP vận tốc cán 13m/ phút; xuất xứ: Việt Nam; máy mới: 100%) vào trong sản gia công cơ khí.
Anh Điền Đắc Trung - Chủ hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ chia sẻ: Máy móc đầu tư mới đi vào hoạt động đã giúp hộ kinh doanh đổi mới được phương thức gia công các sản phẩm cán tôn từ máy móc thiết bị cũ, lạc hậu sang máy móc thiết bị mới, tự động hóa giúp các sản phẩm gia công luôn được đều, đẹp tránh được những sản phẩm hỏng. Từ đó, tạo điều kiện cho đơn vị thúc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian, giúp cơ sở kinh doanh tăng doanh thu, lợi nhuận khoảng 30%. Với việc tăng năng suất và sản lượng, dự kiến cơ sở sẽ thu hồi vốn sau 24 tháng đầu tư.
Theo ông Trương Thanh Hương - Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng: Việc thực hiện đề án đã tạo điều kiện và động lực khuyến khích Hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ tích cực đổi mới thiết bị, công cụ sản xuất, nhằm tự động hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Chi phí giảm, chất lượng tăng, từ đó doanh thu, lợi nhuận của cơ sở sẽ tăng theo. Đồng thời, việc tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng nguồn thuế nộp vào ngân sách nhà nước, cơ sở cũng sẽ đóng góp cho xã hội, cộng đồng nhiều hơn, tạo việc làm, ổn định đời sống lao động nông thôn.
Ông Trương Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết: Hoạt động khuyến công tỉnh Bình Dương đã được triển khai có hiệu quả, nội dung hỗ trợ gắn với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững. Các nội dung như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuận, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất đã góp phần khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ các hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, …vv mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tích cực hỗ trợ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các cơ sở tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng và phát triển thị trường. Qua đó, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.