Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện Phú Bình quan tâm đến việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các chương trình hỗ trợ con giống, cây trồng và xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo.
Huyện chỉ đạo các địa phương xác định và phân loại đặc điểm của từng hộ dân làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp đầu tư cho hộ nghèo với mục đích cuối cùng là giúp họ vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững trong thời gian ngắn, qua đó hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, năm 2024, huyện Phú Bình triển khai mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” với 88 hộ tham gia tại các xã Tân Thành, Tân Đức, Dương Thành, Lương Phú.
Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi từ 100 – 350 gà giống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng hộ. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai mô hình nuôi bò sinh sản với mỗi hộ được nhận 01 con bò cái lai Sind, có độ tuổi từ 12 - 15 tháng với trọng lượng từ 185 -220 kg/con.
Bò giống do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cung cấp, đã được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng và viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, các hộ được hỗ trợ một phần thức ăn, thuốc thú y, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết chăn nuôi bò ít nhất trong 02 năm.
Tại xã Tân Thành (huyện Phú Bình), nơi có 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo và cận nghèo ở những năm 2014, 2015 chiếm đến 40% tổng số hộ trong toàn xã. Với sự quyết tâm của cả bộ máy cấp ủy, chính quyền, cùng việc tiếp nhận một số dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay số hộ nghèo của xã chỉ còn 50 hộ và cận nghèo còn 59 hộ.
Tính đến nay, xã đã được nhận hỗ trợ Mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học với 7.000 con gà, cấp cho 20 hộ nghèo, cận nghèo và 16 con bò nái sinh sản cấp cho 16 hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh các tiêu chí của huyện, xã rà soát các điều kiện cơ sở chăn nuôi của từng hộ dân trước khi đưa vào dự án.
Theo đó, các hộ dân phải có nguồn nhân lực, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của dự án, có chuồng trại phù hợp quy mô chăn nuôi, có diện tích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Nhờ đó mà hiệu quả của dự án được nâng cao, phấn đấu đến hết năm 2024, xã Tân Thành sẽ có 13 hộ từ nghèo lên cận nghèo và 8 hộ từ cận nghèo lên thoát nghèo bền vững.
Thông qua việc triển khai các mô hình giảm nghèo, hằng năm trên địa bàn huyện Phú Bình có từ 20 - 30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo. Qua đó, diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được tăng lên rõ rệt.
Chương trình MTQG đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động.