Giám đốc điều hành IEA ông Fatih Birol cho biết: “Quá trình dịch chuyển sang việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch trên toàn cầu đang tăng tốc và mức đỉnh của nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ xuất hiện trước năm 2030”.
Người đứng đầu IEA cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm ngoái đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển từ các nguồn năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Đồng thời, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô ngày càng suy yếu hơn khi các tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu dần được nâng cao; xe điện trở nên phổ biến hơn; cũng như sự thay đổi về cơ cấu của các nền kinh tế trên toàn cầu.
Theo đó, IEA dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ đạt đỉnh 106 triệu thùng/ngày vào năm 2028. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm dần từ nay đến năm 2028, từ mức 2,4 triệu thùng/ngày như hiện nay xuống chỉ còn 0,4 triệu thùng/ngày vào năm 2028.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, IEA cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phải đến giữa thập niên 2030 mới đạt đỉnh. Tại thời điểm đó, cơ quan này đánh giá cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine là nhân tố xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các dạng năng lượng sạch hơn.
Dưới tác động của cuộc xung đột quân sự này, giá dầu thô thế giới đã có lúc tăng vọt lên mức gần 130 USD/thùng vào tháng 3/2022 và đạt mức trung bình 100 USD/thùng trong cả năm 2022. Đồng thời, giá khí đốt tại châu Âu cũng chạm mức cao nhất lịch sử.
Theo dõi diễn biến mới nhất về thị trường dầu thô thế giới, cập nhật hàng ngày tại đây.
IEA dự báo đầu tư vào các loại năng lượng ít carbon trên toàn cầu sẽ tăng thêm 2.000 tỷ USD/năm từ nay cho đến cuối năm 2030, tăng 50% so với mức hiện nay.
Tuy nhiên, sau một năm giá năng lượng hoá thạch tăng vọt và đem lại khoản lợi nhuận lớn, nhiều hãng khai thác dầu và khí đốt lớn trên thế giới đang lên kế hoạch gia tăng đầu tư để nâng cao sản lượng. Theo IEA, mức đầu tư vào hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí trên toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 528 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2015 và tăng 11% so với mức đầu tư trong năm 2022.
Trong tuần trước, tập đoàn dầu khí Shell cho biết sẽ giữ sản lượng khai thác dầu ở mức ổn định như hiện nay cho đến năm 2030, thay vì giảm sản lượng từ 1% - 2% như kế hoạch trước đây. Trong năm ngoái, Shell đã ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục, đạt 40 tỷ USD.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí BP đã hạ thấp mục tiêu giảm sản lượng khai thác. Cụ thể, tập đoàn này lên kế hoạch sản lượng khai thác vào năm 2030 sẽ chỉ giảm 25% so với mức khai thác của năm 2019, thay vì giảm 40% như kế hoạch ban đầu. Trong năm 2022, tập đoàn BP cũng ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 28 tỷ USD.
Dù vậy, cả Shell và BP vẫn tuyên bố duy trì mục tiêu trở thành doanh nghiệp không phát thải ròng vào năm 2050. Giám đốc điều hành IEA ông Fatih Birol nhấn mạnh các hãng khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu cần “hết sức chú ý” đối với các dự báo của IEA về triển vọng cung - cầu dầu, nhằm hiệu chỉnh các quyết định đầu tư, giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn của thế giới diễn ra “trật tự”.