Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm các nước Bắc Âu) thông tin, Tập đoàn Ingka của Thuỵ Điển - chủ sở hữu phần lớn chuỗi cửa hàng nội thất IKEA trên toàn cầu đã thành công trong việc tách lượng khí thải ra khỏi tăng trưởng tài chính của mình, giảm được 24,3% lượng phát thải về mức cơ sở năm 2016, đồng thời đạt được mức tăng doanh thu 30,9% trong tháng 01/2024.
Việc giảm phát thải của Tập đoàn Ingka chủ yếu do áp dụng các sáng kiến tiết kiệm carbon, sử dụng xe điện, sử dụng điện tái tạo và tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Đây là một phần của quá trình chuyển đổi phương thức kinh doanh, với việc Tập đoàn này đã tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo thêm 700 triệu euro kể từ năm 2016, với tổng chi tiêu là 3,8 tỷ euro kể từ năm 2009.
Năm 2023, Tập đoàn Ingka sử dụng 79,2% điện năng từ năng lượng tái tạo trong hoạt động của mình (so với 74,6% vào năm 2022), đạt mức tiêu thụ điện tái tạo 100% tại các cửa hàng IKEA ở 28 quốc gia trong năm 2023. Đáng chú ý, Tập đoàn Ingka đã công bố cắt giảm khí thải trong chuỗi cung ứng và các hoạt động của mình, ghi nhận mức phát thải giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm qua, Ingka đã tiếp tục chuyển đổi hoạt động và mở rộng cung cấp sản phẩm, dịch vụ và giải pháp để giúp khách hàng dễ dàng áp dụng các thói quen tiêu dùng bền vững hơn. Năm 2023 đánh dấu năm đầu tiên Tập đoàn Ingka tách tăng trưởng khỏi khí thải.
IKEA có kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm ít nhất 90% lượng phát thải tuyệt đối mà không sử dụng biện pháp bù đắp carbon. Vào tháng 11/2023, Tập đoàn Ingka đã củng cố các mục tiêu về khí hậu của mình, phù hợp với tiêu chuẩn Net-Zero dành cho doanh nghiệp của Sáng kiến mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi). Các mục tiêu sửa đổi nêu rõ cam kết của công ty trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tuyệt đối từ chuỗi giá trị ít nhất 50% vào năm 2030, so với mức cơ sở năm 2016.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Ingka cho biết, các dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Ingka tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Số lượng khách hàng trên toàn cầu sử dụng dịch vụ mua lại và bán lại vào năm 2023 nhiều gấp đôi so với năm 2022. Dịch vụ này đã thu hút hơn 211.000 khách hàng vào năm ngoái. Ngoài ra, khách hàng đã sửa chữa cho 45,1 triệu sản phẩm vào năm 2023 so với 42,6 triệu vào năm 2022.
IKEA đặc biệt đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tuần hoàn vào năm 2030 và đã hợp tác với Quỹ Ellen MacArthur để hỗ trợ thực hiện mục tiêu quan trọng này.
IKEA hiện vẫn là công ty cung ứng đồ nội thất lớn nhất thế giới cả về thị phần và doanh số bán hàng. Tại Việt Nam, IKEA đã có mặt từ năm 1993 thông qua hoạt động thu mua, cung ứng và liên tục mở rộng hợp tác với các đối tác cung ứng khác nhau.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA; đặc biệt là nơi cung cấp lượng lớn gỗ keo (gỗ Acacia) - loại gỗ sẫm màu có nguồn gốc được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng (FSC), phù hợp với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời của IKEA.
Chia sẻ tại Hội thảo về chủ đề đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, là một nguồn cung nhiều ưu thế trong chuỗi cung ứng của IKEA. Với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, các chính sách thương mại thuận lợi, những hướng đi mới trong phát triển bền vững của Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển trong chuỗi cung ứng của IKEA. Trong thời gian tới, IKEA sẽ nghiên cứu thu mua gỗ cao su tại Việt Nam với nhiều ứng dụng trong việc sản xuất đồ nội thất.