ISO nâng dự báo mức dư thừa đường toàn cầu trong niên vụ 2013/14

Theo Tổ chức đường quốc tế (ISO), mức dư thừa đường trên toàn cầu có thể tăng 5,1% so với mức dự báo được đưa ra trước đây do lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ tăng lên. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn

Theo một báo cáo của ISO vào ngày 15/11, sản lượng đường trên toàn cầu sẽ vượt nhu cầu sử dụng 4,73 triệu tấn trong niên vụ 2013/14 (từ 1/10/2013 – 1/10/2014). Con số này tăng 5,1% so với mức dự báo 4,5 triệu tấn được ISO đưa ra vào hồi tháng 8/2013. Theo ông Leonardo Bichara Rocha, nhà kinh tế học cấp cao tại ISO, sản lượng đường của Ấn Độ sẽ tăng 1,5 triệu tấn lên mức 26,5 triệu tấn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi trong mùa mưa.

Ông Leonardo Bichara Rocha đã cho biết: “Chúng tôi (ISO) đã nâng mức dự báo sản lượng đường của Ấn Độ và Thái Lan, giảm dự báo sản lượng đường của Brazil và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng đường của Ấn Độ đã được nâng lên đang kể. Sản lượng đường của Ấn Độ sẽ tăng cao hơn do mùa mưa thuận lợi”.

Theo ISO, sản lượng đường toàn cầu sẽ đạt 181,5 triệu tấn, tăng cao hơn so với mức 180,8 triệu tấn được dự báo vào hồi tháng 8/2013 và thấp hơn 1,2% so với mức sản lượng của năm trước. Đây là lần đầu tiên sản lượng đường toàn cầu giảm xuống kể từ niên vụ 2008/09. Báo cáo của ISO cũng cho biết, mức tiêu thụ đường trên toàn cầu sẽ đạt 176,75 triệu tấn, tăng 0,2% so với mức dự báo được đưa ra trong tháng 8/2013 và cao hơn 2,2% so với mức tiêu thụ trong năm ngoái.

ISO dự báo sản lượng đường tại khu vực Liên minh Châu Âu sẽ giảm 5,3% so với mức dự báo hồi tháng 8/2013 xuống mức 16,19 triệu tấn; trong khi đó, sản lượng đường của Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng lên mức kỷ lục 11 triệu tấn, cao hơn 2,8% so với mức dự báo trước đó. Sản lượng đường của Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, sẽ đạt 41,1 triệu tấn so với mức 41,4 triệu tấn được dự báo trước đây.

Theo ISO, mức dư thừa đường trên toàn cầu trong niên vụ 2013/14 đang giảm xuống từ mức kỷ lục 10,6 triệu tấn trong niên vụ 2012/13. Niên vụ 2013/14 sẽ là niên vụ thứ 4 liên tiếp xảy ra tình trạng dư thừa đường trên toàn cầu và có các dấu hiệu cho thấy tình trạng này sẽ kết thúc vào niên vụ 2014/15. Sau khi sụt giảm trong 5 quý liên tiếp tính đến tháng 6/2013, giá đường đã phục hồi tăng trở lại được 7,2% trong quý III/2013.

ISO cho biết: “Sản lượng đường trên toàn cầu trong niên vụ 2014/15 có thể giảm xuống lần nữa từ 2 đến 3 triệu tấn, qua đó, báo trước sự kết thúc giai đoạn dự thừa đường trên thế giới. Hiện tại, ba yếu tố chính của tình trạng dư thừa đường vẫn xuất hiện: dự báo sản lượng đường cao hơn mức tiêu thụ; lượng đường có khả năng xuất khẩu cao hơn như cầu nhập khẩu và tỷ lệ dự trữ/tiêu thụ ở mức cao”.

Thái Lan

Vào tháng 10/2013, Tổng thư ký Văn phòng Hội đồng Mía đường Thái Lan (OCSB), ông Somsak Suwatiga, đã cho biết sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt mức cao nhất từng được ghi nhân với 11 triệu tấn. Kéo theo đó, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan cũng được dự báo tăng từ mức dự kiến 7,4 triệu tấn trong năm 2013 lên 8,5 triệu tấn trong năm 2014. Các chuyên gia nhận định điều này sẽ khiến tình trạng dư thừa đường trên toàn cầu thêm trầm trọng và có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của giá đường.

Nguyên nhân chủ yếu đẫn dến việc sản lượng đường của Thái Lan tăng do nông dân trồng gạo Thái Lan đang chuyển sang trồng mía đường. Chính phủ Thái Lan cũng đang khuyến khích nông dân chuyển từ canh tác lúa gạo sang trồng mía đường do mức lợi nhuận cao hơn. Các nhà máy ép mía đường tại Thái Lan cũng đang lên kế hoạch nâng diện tích trồng mía đường của nước này thêm 1,14 triệu ha trong vòng 3 tới theo kế hoạch của Chính phủ Thái Lan. Thái Lan hiện có gần 1,5 triệu ha trồng mía.

Đặng Quang (Theo Bloomberg)