Tới dự Hội nghị có đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025; thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Tiếp nối cho giai đoạn 2015-2020, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, triển khai Quyết định 1162/QĐ-TTg Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” hôm nay là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Chương trình năm 2023 với mục tiêu kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo.
Đây sẽ là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.
Theo đánh giá tại Hội nghị, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025 triển khai 15 đề án, nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu.
Từ đó, đã bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Hướng tới mục tiêu tổng thể của Chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 là đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua.
Một là, hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Hai là, lồng ghép các Chương trình và Đề án quốc gia như Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vào thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Ba là, đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con dân tộc thiểu số, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận:
- Chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, do Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương trình bày;
- Hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương, do Sở Công Thương Hải Phòng trình bày;
- Các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế biển gắn với Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày;
- Giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày;
- Giải pháp hỗ trợ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy hải sản, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trình bày.
Trong khuôn khổ Chương trình, Hội nghị tập trung thảo luận về “Giải pháp gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, với các diễn giả đại diện cho diện doanh nghiệp phân phối; đại diện kênh bán hàng thương mại điện tử các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo.
Hội nghị kết thúc trong không khí phấn khởi, tin tưởng, với sự chứng kiến của đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, Thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được ký kết giữa các đơn vị.