Kết quả hoạt động kinh doanh và những yếu tố chi phối: Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ tại tỉnh Trà Vinh

TỪ VĂN BÌNH (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và CFVG) và PHẠM MINH VŨ (Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG))

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu xác định các mức tác động từ các yếu tố nội sinh và ngoại sinh lên hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN). Với số mẫu khảo sát trực tiếp 300 DNSN và sử dụng mô hình kinh tế lượng, kết quả cho thấy trình độ học vấn, số năm hoạt động, dân tộc học và nơi kinh doanh của chủ doanh nghiệp cùng các yếu tố như quan hệ xã hội, sự trợ giúp của các tổ chức có tính chi phối ý nghĩa đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả là một tham khảo hữu hiệu cho các nhà làm chính sách địa phương để có hướng giải pháp thiết thực trong tương lai.

Từ khóa: Doanh nghiệp siêu nhỏ, tỉnh Trà Vinh, yếu tố nội sinh và ngoại sinh, hiệu quả kinh doanh.

I. Giới thiệu

DNSN được xem là có qui mô nhỏ về vốn, lao động. Theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới cũng như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ở những địa phương kinh tế kém phát triển, thu nhập thấp, đời sống người dân còn khó khăn thì DNSN chính là nhà cung cấp những sản phẩm dịch vụ với mức giá rẻ, hợp lý và từng bước góp phần ổn định giá cả cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, các DNSN thường gặp khó khăn về vốn, trình độ quản lý, tìm kiếm đối tác và thị trường. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển DNSN là việc làm cần thiết đối với chính quyền địa phương.

Trà Vinh có 1 thành phố và 7 huyện với hơn 1 triệu dân sinh sống, là tỉnh có số lượng doanh nghiệp còn hạn chế, quy mô nhỏ và hiệu suất của lao động chưa cao. Nếu số lượng lao động trung bình trên mỗi doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL là 22 người/doanh nghiệp, thì số này ở Trà Vinh là 15, thấp nhất trong khu vực. Tài sản của các doanh nghiệp trong tỉnh thấp, so với các địa phương trong khu vực thì chỉ cao hơn Bạc Liêu và thấp hơn rất nhiều so với Cần Thơ. Các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh còn chưa mạnh dạn mở rộng qui mô đầu tư. Xét về hiệu quả, mức lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong tỉnh là thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 625 triệu, thấp hơn nhiều so với trung bình các doanh nghiệp đạt lợi nhuận trong khu vực là 1.315 triệu (GSO).

Những số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Trà Vinh có qui mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả và sử dụng nguồn vốn tự có là chủ yếu. Do vậy, rất cần có những tìm hiểu, nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Trà Vinh, nhất là những DNSN.

Xuất phát từ những quan điểm nêu trên, nghiên cứu này sẽ hướng đến hai mục tiêu chính là: (1) Phân tích thực trạng sản xuất kinh doanh của các DNSN ở Trà Vinh và (2) Đo lường những thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị chi phối bởi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Kết quả này tạo góp phần thêm luận điểm vào chủ đề nghiên cứu DNSN và phát triển các giải pháp phát triển trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

II. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu phục vụ nghiên cứu dựa vào số liệu khảo sát trực tiếp 300 DNSN được thực hiện ở 7 huyện và thành phố Trà Vinh. DNSN được khảo sát dựa vào danh sách sẵn có của Cục Thống kê tỉnh, đây là những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và có thời gian hoạt động từ một năm trở lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Trà Vinh là địa phương có số lượng DNSN chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tính theo tiêu chí số lượng lao động, Trà Vinh có 923 DNSN, có số lao động dưới 10 người, trong tổng số 1.134 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 81%. Thời gian thực hiện khảo sát được tiến hành từ những tháng đầu năm 2016.

Các yếu tố nội sinh được quan tâm, bao hàm bởi lao động và vốn của doanh nghiệp. Yếu tố ngoại sinh bao gồm các yếu tố liên quan đến những biến đổi bên ngoài, điển hình về rào cản từ thị trường, rào cản về thủ tục hành chính, những hỗ trợ từ các tổ chức tài chính/tín dụng, chính quyền địa phương thông qua hệ thống nối kết (networking) của doanh nghiệp.

III. Cơ sở lý luận

Mối quan hệ giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra (sản phẩm/doanh thu) của quá trình sản xuất được biểu diễn bằng hàm sản xuất Y = f (K,L,Mi) (Begg, 2005). Hàm cho biết số lượng sản phẩm (ký hiệu là Y) được sản xuất bằng cách sử dụng các phối hợp khác nhau của vốn (K), lao động (L) và một số yếu tố khác (Mi) thông qua trình độ công nghệ nhất định.

Tùy theo mô hình sản xuất, kinh doanh mà hàm sản xuất có thể tồn tại ở các dạng khác nhau. Hàm sản xuất tuyến tính có dạng Y = aK+bL, hàm cho biết một tỷ lệ năng suất biên theo vốn và theo lao động là một hằng số và hàm cũng cho thấy có thể sẽ xuất hiện những thay thế giữa các yếu tố đầu vào lẫn nhau, điển hình thay thế giữa vốn và lao động hoặc ngược lại. Hàm sản xuất theo tỷ lệ kết hợp có dạng Y = min (aK, bL) cho biết số lượng sản xuất ra bằng với giá trị nhỏ nhất của hai yếu tố đầu vào. Hàm Cobb-Douglas có dạng Y = A.KαLβ, trong đó α, β là độ co giãn của sản lượng theo vốn và lao động. Hàm sản xuất Translog được Christensen và cộng sự (1973) sử dụng để đo lường những thay đổi của yếu tố đầu vào tác động lên đầu ra. Đây là một dạng hàm linh hoạt nhất khi nó cho phép chuyển đổi từ mối quan hệ tuyến tính giữa đầu vào, đầu ra sang mối quan hệ phi tuyến. Mối quan hệ phi tuyến này giải thích được hiện tượng của qui luật năng suất biên giảm dần trong các mô hình sản xuất cũng như sự thay thế giữa các yếu tố đầu vào/đầu ra không phải là tuyệt đối. Chẳng hạn, trong một mô hình sản xuất, cho dù yếu tố vốn, máy móc có nhiều, có hiện đại đến đâu thì cũng vẫn cần yếu tố con người.

Bên cạnh việc những yếu tố nội sinh về vốn và lao động ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNSN, những yếu tố ngoại sinh cũng cần quan tâm. Trong đó, các yếu tố liên quan đến rào cản về thị trường, rào cản về thủ tục hành chính, những hỗ trợ từ mạng networking của DNSN cũng được bài viết quan tâm và nghiên cứu. Thật vậy, đã có một số nghiên cứu về kết quả kinh doanh của các DNSN. Khi trình độ học vấn càng cao, các chủ doanh nghiệp càng có khả năng tiếp cận các phương thức khoa học quản lý hiện đại giúp công ty phát triển hơn và có nhiều cơ hội hơn để duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của tác giả cũng cho biết, một khi doanh nghiệp có tuổi thọ nhiều hơn sẽ cho kết quả tốt hơn. Đặc biệt là, các yếu tố ngoại sinh như sự hỗ trợ của nhà nước, vốn xã hội (các mối quan hệ xã hội) của doanh nghiệp có ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của đơn vị.

Một số nghiên cứu ở nước ngoài, cũng đã có những cuộc thảo luận liên quan đến vai trò của DNSN, Kibria và cộng sự (2003) cho rằng chương trình phát triển DNSN đóng một vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo và tạo ra việc làm cho địa phương. Để phát triển DNSN, Munoz và cộng sự (2014) đã nghiên cứu ở 151 DNSN tại Malaysia và cho thấy kết quả kinh doanh của DNSN bị tác động nhiều bởi sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài và những hỗ trợ từ phía chính phủ. Tác giả cho rằng, cần có các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho DNSN để đủ sức cạnh tranh và phát triển. Tương tự, Goldmark (2001), Dumas (2001) cho rằng, cần có những chương trình hỗ trợ để làm nền tảng cho DNSN phát triển. Các tác giả đề xuất những chương trình tập huấn như quản lý, marketing, kỹ thuật thông tin và hỗ trợ hệ thống nối kết (networking), nghiên cứu và khác từ các tổ chức công và tư nhằm nâng cao năng lực cho các DNSN.

Như vậy, từ hàm sản xuất ban đầu Y = f (K,L,Mi), dựa vào cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, để đạt mục tiêu của chuyên đề nghiên cứu này, ngoài việc thống kê mô tả, bài viết sẽ sử dụng mô hình sản xuất Translog để đo lường sự ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả kinh doanh của DNSN. Mô hình hồi qui Translog với 2 yếu tố đầu vào có dạng:

lnY= β0 + β1*lnL + β2*lnK+ 1/2* β3*ln2K + 1/2* β4*ln2L + β5* lnL*lnK                (1)

Trong đó: Y là doanh thu trong năm của DNSN (đồng), bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Các biến K và L lần lượt là vốn (đồng) và lao động (người).

Để đánh giá hiệu quả theo qui mô của mô hình sản xuất, dựa vào hàm hồi qui (1) chúng ta có thể tính giá trị RTS (Returns to scale) được tạm dịch hiệu suất thay đổi theo qui mô như sau:

Trong đó: xki là các yếu tố đầu vào, βjk là các hệ số tương ứng của hệ số. Có 3 giá RTS được nhóm thành: RTS > 1, RTS <1 và Nếu RTS =1.

Ngoài mô hình sản xuất hàm translog (1) được sử dụng, bài viết cũng tìm hiểu đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố khác. Các yếu tố này được nêu cụ thể trong Bảng 1.

Theo trên, mô hình hồi qui tương ở (3) được sử dụng. Phương trình tổng quát như sau:.

Y= α1 + α2*T_DO + α3*TT_NT + α4*TUOI_DN + α5*KETNOI + α6*HOTRO + α7*RAOCAN_TT + α8*RAOCAN_HC + α9*BIENDOI_TT                               (3)

Trong đó: Y là doanh thu (đồng) của DN trong thời điểm khảo sát và các biến độc lập được mô tả trong Bảng 2.

IV. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Trong số DNSN thuộc lĩnh vực sản xuất chiếm một tỷ lệ 16%, còn lại, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại dịch vụ. Tỷ lệ này cũng phù hợp với tình hình chung của tỉnh, vì phần lớn các DNSN hoạt động dưới dạng gia đình, nên lĩnh vực tập trung nhiều vào kinh doanh thương mại dịch vụ.

Theo kết quả thống kê mô tả từ số liệu khảo sát, doanh thu trung bình của các DNSN khoảng 2.543 triệu đồng/năm, trong đó, doanh thu lớn nhất 56.000 triệu đồng/năm và nhỏ nhất 20 triệu đồng/năm. Số lao động trung bình của các DNSN là 4,6 người/DN, bao gồm cả lao động tự có và lao động thuê mướn. Thời gian tuổi thọ bình quân của các doanh nghiệp là 10,5 năm. Tỷ lệ chủ doanh nghiệp của hai nhóm giới tính nam và nữ đều có trình độ tốt nghiệp cấp 3, đạt tỷ lệ cao nhất lần lượt là 50,7% và 53,1 (Xem Bảng 2).

Kết quả thống kê được tóm tắt ở đây cho biết rằng, sự kết nối giữa DNSN với các tổ chức chính quyền đoàn thể, dịch vụ tài chính và các hiệp hội ở Trà Vinh là chưa chặt chẽ, không thường xuyên. Có 24% doanh nghiệp trong tổng khảo sát hoàn toàn không kết nối với ngân hàng. Chỉ 43,6% là hướng đến kết nối nhưng không thường xuyên. Có 25% doanh nghiệp trong tổng số hoàn toàn không nhận được trợ giúp từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và đó là lý do mà có tới 80% DNSN trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng nguồn vốn tự có, không huy động thêm nguồn vốn của các tổ chức hoặc ở bên ngoài để mở rộng sản xuất. Tương tự, sự kết nối với các đoàn thể địa phương cũng rất lỏng lẻo. Số liệu thống kê cho thấy có tới 57% doanh nghiệp không kết nối với các đoàn thể địa phương, 65% không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Thậm chí, kết quả thống kê còn cho thấy các DNSN gặp phải những rào cản từ chính quyền địa phương.

Thị trường được nhận định 25% doanh nghiệp có quá nhiều sản phẩm và dịch vụ tương tự tức có hiện tượng cạnh tranh nội vùng lớn. Môi trường hoạt động cũng chưa thật sự tốt khi có 11% DNSN cho rằng hiện đang tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các DNSN cũng còn thiếu tự tin và gặp khó khăn khi đi tìm thị trường tiêu thụ. Có 16% DNSN gặp khó khăn về thị trường đầu ra, 9% không tiếp cận được đối tác và đặc biệt 10% chủ DNSN cho rằng họ thiếu tự tin về kiến thức và năng lực sáng tạo để điều hành DN của mình.

Kết quả từ mô hình định lượng từ hàm sản xuất Translog

Kết quả hàm sản xuất Translog (1) được chỉ Bảng 3 cho thấy, sự tương tác của hai yếu tố đầu vào là lao động và vốn ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của DNSN. Do hệ số ước lượng của lao động (LnL = 1.197) và vốn (LnK = 0.748) có giá trị dương và đạt mức ý nghĩa 1%. Điều này cho kết luận, có tồn tại sự tác động của yếu tố vốn và lao động lên hiệu quả kinh doanh của DNSN, trong đó, yếu tố lao động được xem là tác động nhiều hơn. Điều này cho thấy một sự phù hợp, vì phần lớn DNSN tận dụng lao động gia đình. Yếu tố vốn được đo lường dưới dạng máy móc, thiết bị, công nghệ còn ở dạng thô sơ, nên yếu tố này cũng mang tính chi phối nhiều đối với DNSN. Kết quả đã phần nào thông tin rằng, nếu lao động tăng lên 1% thì doanh thu tăng 1,197%, khi yếu tố vốn giữ nguyên không đổi. Tương tự, nếu vốn, thể hiện qua máy móc, thiết bị, tăng 1% thì doanh thu sẽ tăng 0,748%. Tuy nhiên hệ số hợp thành tương quan giữa các yếu tố lao động với lao động, vốn với vốn và lao động với vốn là không có ý nghĩa về mặt thống kê. Điều này không có đủ cơ sở để thảo luận sâu hơn về độ co giãn giữa vốn và lao động.

Dựa vào phương trình (1) và (2), giá trị RTS sẽ được truy xuất. Thật vậy, RTS của tổng thể các DNSN trong khảo sát có giá trị RTS = 1,1687 (> 1). Trong đó, nhóm DNSN thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, RTS = 1,1896; trong khi đó DNSN thuộc lĩnh vực sản xuất có RTS = 1,0563. Kết quả này cho kết luận RTS của DNSN thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ cao hơn RTS của DNSN thuộc lĩnh vực sản xuất. Tức là, một khi DNSN tăng mức đầu tư các yếu tố đầu vào liên quan đến lao động và vốn, sẽ cho tỷ lệ đầu ra tăng cao hơn, trong đó DNSN thuộc thương mại dịch vụ sẽ tăng nhiều hơn DNSN thuộc lĩnh vực sản xuất.

Kết quả mô hình định lượng hồi qui

Kết quả mô hình 3 như nêu ở Bảng 4, cho thấy, thông tin cá nhân, trình độ của chủ doanh nghiệp có tác động tích cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một điều cũng cần lưu ý, các yếu tố ngoại sinh, như sự nối kết với với các tổ chức bên ngoài và nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ địa phương, tổ chức tín dụng có một tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của các DNSN. Kết quả này giống với kết quả của Munoz và cộng sự (2014), Goldmark (2001) và Dumas (2001). Một phát hiện thú vị của nghiên cứu là những DNSN hoạt động tại các huyện, sẽ có doanh thu cao hơn so với các DNSN hoạt động thành phố Trà Vinh. Theo đó, các DNSN tại thành phố có thu nhập thấp hơn 1.368 triệu đồng/năm so với các DNSN tại các huyện. Điều này được giải thích rằng các DNSN ở thành phố hoạt động có qui mô nhỏ hơn so với các DNSN ở các huyện. Hơn nửa DNSN tại huyện có khai thác tài nguyên tốt hơn.

V. Kết luận

DNSN là một mô hình hoạt động phổ biến ở các địa phương và có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế dân doanh. Đối với Trà Vinh, một địa phương có qui mô kinh tế nhỏ và sự đa dạng về dân tộc học thì sự phát triển và vai trò của DNSN lại càng quan trọng hơn. Tuy có chỗ đứng quan trọng trong nền kinh tế địa phương nhưng hoạt động của DNSN còn nhiều hạn chế. Kết quả dựa vào phân tích định lượng như được trình bày cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh của DNSN ở Trà Vinh bị chi phối lớn về lao động, điều này do bởi lao động gia đình là chủ lực. Tuy nhiên tiềm năng để mở rộng qui mô cho tăng trưởng đầu ra là đủ bằng chứng, vì hiệu suất thay đổi qui mô (RST) >1, trong đó đầu tư mở rộng các DNSN thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ cho kết quả đầu ra hiệu quả hơn DNSN thuộc lĩnh vực sản xuất. Thêm vào đó, kết quả cũng đã cho thấy rằng, các DNSN ở qui mô nhỏ, chưa thật sự linh hoạt, thiếu kết nối với các tổ chức và chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía các ban ngành đoàn thể địa phương. Tuy nhiên kết quả đã cho một thông điệp về tính tác động tích cực của các yếu tố ngoại sinh. Một khi kết quả này được khai thác sẽ tạo sức bật tích cực cho kết quả kinh doanh.

Dựa theo kết quả như được nêu trên, việc phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNSN, một số đề xuất tham khảo được thể hiện như sau:

- Tạo nối kết giữa DNSN và các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng.

- Tạo động lực và giúp các DNSN địa phương tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

- Giảm đến mức thấp nhất những rào cản thông qua cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận.

- Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin thông suốt về chính sách pháp luật, thông tin về qui hoạch, thông tin về định hướng phát triển của địa phương và đặc biệt là thông tin về thị trường, thông tin xúc tiến thương mại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt

1. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về việc Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tài liệu tiếng Anh

1. Begg, D. (2005). “Microeconomics”. Published by McGraw-Hill Education.

2. Christensen, L.R, Jorgenson, D.W., and Lau, L.J. (1973). Transcendental logarithmic production frontiers. Review of Economics and Statistics, 55(1), 28 - 45.

3. Dumas, C. (2001). Evaluating the outcomes of microenterprise training for low income women: a case study. Journal of Developmental Entrepreneurship, 6(2), 97 - 128.

4. Goldmark, L. (2001). Microenterprise development in Latin America: towards a new flexibility. Journal of Socio-Economics, 30(2), 145 - 149.

5. Kibria, N., Susan, L. and Ramona, O. (2003). Peer lending groups and success: a case study of working capital. Journal of Developmental Entrepreneurship. 8(1), 41 - 58.

6. Munoz, J.M., Welsh, D.H.B., Chan, S.H., and Raven, P.V. (2014). Microenterprises in Malaysia: A preliminary study of the factors for management success. International Entrepreneurship and Management Journal, 11, 1 - 24.

BUSINESS PERFORMANCE AND DOMINANT FACTORS:

CASE OF MICROENTERPRISES IN TRA VINH PROVINCE

● TU VAN BINH

University of Economics Ho Chi Minh City

● PHAM MINH VU

Centre Franco-Vietnamien de formation à la Gestion

ABSTRACT:

The study identifies impact levels from internal and external factors on the business performance of microenterprises. With the samples of 300 microenterprises and using the econometric model, the results showed the level of education, years of activity, ethnography, the business location of the owners and factors such as the support of organizations that have meaningful influence on the results of production and business activities of enterprises. The result is an effective reference for local policymakers to have practical solutions in the future.

Keywords: Microenterprise, Tra Vinh province, endogenous and exogenous factors, business efficiency.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây