Khai thác lợi thế của Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang

Theo tính toán, tuyến vận chuyển từ Tứ Xuyên - Trùng Khánh - Thành Đô - Bách Sắc của Trung Quốc qua Trà Lĩnh xuống cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách gần 1.100 km so vận chuyển hàng hóa từ các đô thị nói trên của Trung Quốc ra cảng biển gần nhất của nước này để sang các nước Asean.

khai thac loi the

Khu hợp tác kinh tế qua biên giới (KHTKTQBG) Trà Lĩnh của Việt Nam và Long Bang (Trung Quốc) là một trong những khu kinh tế xuyên biên giới trọng điểm, góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt - Trung, thông qua tạo ra một tuyến hành lang nông sản từ Cao Bằng đi Bắc Kinh hàng ngày, và rút ngắn gần 1.100 tuyến đường trung chuyển hàng hóa, dịch vụ quốc tế từ một số TP. của Trung Quốc qua cảng Hải Phòng sang các nước Asean.

Trà Lĩnh của Cao Bằng giáp với Long Bang, thuộc thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây là một trong những trung tâm cung cấp 30% hàng hóa nông sản quan trọng của thị trường Trung Quốc. Bách Sắc còn là điểm nối của tuyến cao tốc Tứ Xuyên - Trùng Khánh. Lựa chọn Trà Lĩnh sẽ thông thương một tuyến đường bộ gần nhất, khoảng  1.200km từ TP. Tứ Xuyên qua Trùng Khánh, ra cảng Hải Phòng. Theo tính toán, tuyến vận chuyển từ Tứ Xuyên - Trùng Khánh - Thành Đô - Bách Sắc của Trung Quốc qua Trà Lĩnh xuống cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn khoảng cách gần 1.100 km so vận chuyển hàng hóa từ các đô thị nói trên của Trung Quốc ra cảng biển gần nhất của nước này để sang các nước Asean.

Hơn nữa, hàng ngày từ thành phố Bách Sắc đi Bắc Kinh có chuyến tàu chuyên chở hàng nông sản. Tận dụng lợi thế này, hai bên Cao Bằng và Quảng Tây có thể xây dựng chiến lược hợp tác đưa hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông qua tuyến đường này, Trà Lĩnh của Cao Bằng là điểm đầu cung ứng nông sản của Việt Nam  vượt hơn 2000 km tới Bắc Kinh mỗi ngày.

Trà Lĩnh
Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Trà Lĩnh

Chẳng hạn như thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc một năm xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là thực phẩm. Chỉ cần 20% lượng hàng hóa xuất khẩu này đi qua Trà Lĩnh, Cao Bằng về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), thì không chỉ kinh tế Cao Bằng có những bước chuyển đáng kể, mà cảng Lạch Huyện cũng phát huy được vai trò của cảng quốc tế. Vì vậy về phía Trung quốc, chính quyền TP. Bách Sắc cũng  rất ủng hộ việc xây dựng đề án khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang. Đến nay, đường cao tốc đã được Trung Quốc kéo dài, còn cách Long Bang khoảng 4 km, các đường tỏa, đường nhánh cũng đã hoàn thành.

Trà Lĩnh được đánh giá là đắc địa trong bối cảnh Trung Quốc là bạn hàng lớn về hàng hóa nông sản của Việt Nam. Từ trước đến nay, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tập trung chủ yếu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh nhưng hạ tầng cơ sở như: Hệ thống kho bãi, giao thông tại các cửa khẩu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có kho trung chuyển hàng hóa phục vụ cho việc kiểm tra thông quan; không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản tại cửa khẩu, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân, doanh nghiệp.

Xác định lợi thế của Trà Lĩnh, Cao Bằng đã phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng diện tích 177 ha. Sau khi phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch, việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã khởi sắc, bởi những tiềm năng, thế mạnh được đánh thức bằng những hoạch định đúng hướng. Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã được đầu tư bài bản, hiện đại với các công trình Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu, nơi làm việc của các lực lượng chuyên ngành như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch, Ban Quản lý khu kinh tế với các khu vực: quá cảnh, kiểm tra, kiểm soát..., phục vụ hoạt động quản lý, giao lưu phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch; đầu tư.

Để khắc phục bất lợi của các cửa khẩu Lạng Sơn, trong KHTKTQBG Trà Lĩnh đã đầu tư Khu trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản có quy mô 100 ha. Hiện có một số doanh nghiệp đang đầu tư kho tàng bến bãi gồm: kho bãi lưu chuyển xuất nhập khẩu hàng; kho bãi xuất nhập hàng, sân bãi chờ xuất nhập hàng hóa; trung tâm điều hành; khu văn phòng đại diện các doanh nghiệp; khu dịch vụ vận tải; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm... sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ nông sản tại biên giới 2 nước.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Trà Lĩnh
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Trà Lĩnh

 

Đồng thời, Cao Bằng đã triển khai thành công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được coi là một trong 3 điểm nghẽn được tỉnh xác định có vai trò then chốt. Vì Cao Bằng xa sân bay, xa cảng biển, chỉ có duy nhất đường bộ là kết nối giao thông đến các địa phương khác và thị trường lớn Trung Quốc. Đường cao tốc là đường chiến lược kết nối với các hành lang kinh tế.

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 144 km, quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 47.520 tỷ đồng (tương đương 2,16 tỷ USD) được đưa vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo tỉnh đề xuất phương án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Báo cáo của tỉnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 175% so với giai đoạn 2011 - 2015. Nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Cao Bằng là phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế. Để làm được điều này, Cao Bằng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa…

Gần 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, song tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra tương đối ổn định. Từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Cao Bằng đạt trên 405 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái; đạt 83% chỉ tiêu kế hoạch năm nay; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 307 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; kim ngạch xuất nhập khẩu có tăng nhưng chưa ổn định; một số hàng hóa nông sản không xuất khẩu được do phía Trung Quốc có sự chỉ định phân luồng hàng hóa nhập khẩu qua từng cửa khẩu.

Vì vậy, Cao Bằng đề nghị các bộ ngành Trung ương xem xét đưa danh mục Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam)-Long Bang (Trung Quốc) và danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật; nghiên cứu khả thi chung về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam để chuẩn bị nghiên cứu các hạng mục đầu tư, các tiểu dự án thành phần trong khu hợp tác kinh tế qua biên giới; xem xét, bố trí nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng để triển khai Dự án Khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện.

Cao Bằng cũng tiếp tục đề nghị các bộ ngành trung ương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung thêm quy hoạch trung tâm logistics hạng 2 của tỉnh Cao Bằng tại cửa khẩu Trà Lĩnh; hỗ trợ, phối hợp với tỉnh trong việc rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu…

Vũ Trung và nhóm tác giả