Ngôi làng Mawsynram của bang Meghalaya (Ấn Độ) là nơi hứng chịu những trận mưa nhiều nhất và được coi là vùng đất ẩm ướt nhất thế giới
Do địa thế nằm trên một sườn núi ở phía đông bắc Khasi nơi có độ cao khoảng 1.490 m so với mực nước biển, làng Mawsynram gần như hứng chịu những trận mưa quanh năm, với lượng mưa trung bình mỗi năm lên tới 11.872 mm.
Sở dĩ xảy ra hiện tượng này do các luồng không khí quét qua vùng đồng bằng lũ lụt ở Bangladesh mang theo hơi ẩm về phía bắc. Khi qua vùng đồi Mawsynram, những đám mây gây mưa liên tục vì nhiệt độ giảm. Trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa mưa là tháng 6 và tháng 7, lượng nước trút xuống ngôi làng này đo được khoảng 7.000mm.
Để thích nghi với cuộc sống ở nơi ẩm ướt như vậy, cư dân trong vùng quanh năm suốt tháng gắn bó với chiếc ô lớn đan bằng ống tre còn gọi là "knups". Vật dụng này khá hữu ích, giúp họ chống lại những cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống, thay vì phải mặc áo mưa.
Để thuận tiện hơn cho việc đi lại hàng ngày, người dân ở đây đã nghĩ ra giải pháp tình thế. Đó là buộc những rễ cây Đa, cây Sĩ và nhiều loại cây cổ thụ khác lại với nhau tạo thành hình và trải qua hàng thế kỷ nó đã lớ thành những cây cầu có cấu trúc bền vững, đủ sức chống chọi với kiểu tiết trời ẩm ướt.
Cuộc sống ở Làng Meghalaya vẫn còn khá lạc hậu, họ còn có những phiên chợ dưới mưa. Những phiên chợ này là nguồn cung cấp lương thực chính cho người dân nơi đây. Tuy rằng mưa kéo dài gần như quanh năm nhưng cuộc sống vẫn luôn tiếp tục với họ.