Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 45 km, đây là nơi vẫn giữ được nét đẹp của làng quê Việt Nam với hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình”.
Dù có địa thế ở đồng bằng ven sông, nhưng thổ nhưỡng ở đây không trồng được lúa, Thổ Hà nổi tiếng với nghề thủ công, trước kia là với nghề làm gốm. Tuy vậy, nghề gốm đã dần mai một và nhường chỗ cho nghề làm bánh đa.
Chỉ mất từ 3 ngàn đồng nếu đi bộ và 5 ngàn đồng nếu đi xe máy là bạn đã có thể qua sông bằng phà và không phải chờ đợi lâu. Điều đầu tiên cảm nhận được khi bước vào làng là những phên bánh đa được xếp đầy những con ngõ nhỏ, sân đình, mái nhà và kèm theo đó là thoang thoảng mùi của bánh đa nướng.
Tại đây, người dân chủ yếu sản xuất 2 loại bánh đa gồm: bánh đa dừa và bánh đa nem. Nguyên liệu chính để làm bánh đa là gạo tẻ được xay bằng cối đá để tạo nên độ kết dính vừa đủ để làm bánh.
Việc làm bánh đa phải bắt đầu từ lúc sáng sớm, tráng bánh sau đó mang đi phơi và điều đặc biệt ở đây là phơi gió, để bánh mềm, dẻo dễ cuốn. Nếu nắng to thì bánh đa sẽ dễ bị phồng, giòn, ảnh hưởng tới chất lượng bánh.
Khi bánh đã khô, người ta bóc ra khỏi phên để cắt. Bánh được chia thành từng khúc bằng nhau sao cho vừa với máy cắt, thông thường với loại phên to thì cắt thành 7 khúc, phên bé thì cắt thành 9 khúc. Sau đó, bánh được buộc thành từng chục hay từng trăm tùy theo đơn hàng.
Ngày nay, việc tráng bánh đã chuyển sang làm bằng máy, giải phóng sức lao động nhiều hơn cho người thợ cũng như giúp chất lượng bánh tốt hơn.
Bánh đa nem Thổ Hà có màu trắng ngần, mùi thơm nhẹ, dẻo dai ngon miệng, nên vừa có tiếng với thị trường trong nước vừa được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mùa làm bánh bận rộn nhất ở đây kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau.
Ngoài ra, bánh đa dừa cũng là một đặc sản hay được người tới đây mua làm quà mang về làm quà. Bánh đa dừa Thổ Hà ăn giòn tan, có hương của gạo, vị bùi của lạc, vừng, vị ngọt của dừa, đường phèn.