30 năm trước, Khóa họp Ðại Hội đồng UNESCO lần thứ 24 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Bác Hồ với tư cách là”Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết có đoạn viết: “Tư tưởng của Người là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kết nối giữa các dân tộc”.
Tháng 4 năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” nhằm xây dựng “tiếng nói chung của nhân dân các nước thuộc địa”.
Hệ thống chính quyền Pháp vô cùng lo sợ, vì trong các bài báo, Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, gắn bó giữa các dân tộc bằng một điểm chung cùng lên án chủ nghĩa thực dân.
Khi nước nhà giành được độc lập, Bác đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế.
Trong hai năm 1945 - 1946, Bác gửi 8 thư và điện cho Tổng thống Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao James Byrnes.
Trong những bức thư này, Người luôn tìm ra điểm chung giữa 2 nước: Hoa Kỳ chống thực dân Anh để giành độc lập thì Việt Nam cũng không cam chịu ách đô hộ của thực dân Pháp; 2 nước cùng đứng về phe Đồng Minh chống lại khối trục phát xít; 2 nước cùng chung một giấc mơ thịnh vượng…
Ngay với đối thủ của mình, tướng Leclerc, người đứng đầu lực lượng quân sự Pháp, Bác cũng khéo léo nêu điểm tương đồng: “Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp và Việt Nam nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng, bằng cách liên hiệp và hiểu biết lẫn nhau, cùng mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc”.
Khai thác những điểm tích cực, Bác đã trì hoãn được cuộc chiến mà giới diều hâu Pháp nóng lòng, còn nước Việt Nam DCCH non trẻ có thêm 10 tháng để chuẩn bị nguồn lực.
Khi buộc lòng phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Người vẫn cố gắng tìm tiếng nói chung là sự phồn thịnh của mỗi dân tộc, Người tuyên bố: “Việt Nam có nhiều tài nguyên, chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”.
Sau năm 1954, bên cạnh quan hệ chặt chẽ với hệ thống các nước XHCN, Người chỉ đạo mở rộng chiến lược ngoại giao kinh tế, ngoại nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của lực lượng dân chủ toàn thế giới.
Người khẳng định “Chúng tôi cần nhiều dụng cụ, máy móc và hàng hóa của các nước, kể cả các nước tư bản. Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực và khoáng sản”.
Bằng cách khai thác những điểm chung phổ quát trong nhân loại là yêu chuộng hòa bình, chống áp bức, bất công, khát khao dựng xây đất nước phồn vinh, Hồ Chí Minh đã làm cho thế giới hiểu Việt Nam hơn và đưa Việt Nam vào dòng chảy chung của thế giới.