Khi FDI vào Việt Nam chuyển hướng tích cực

Dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn đang dần được cải thiện về chất lượng. Số dự án siêu nhỏ giảm dần, ngày càng nhiều dự án công nghệ cao, dự án “xanh” với quy mô tỷ USD vào Việt Nam.
LG
Công ty TNHH LG Display Việt Nam đã có 4 lần tăng vốn đầu tư tại Việt Nam

Năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Sang tháng đầu tiên của năm 2022, vốn FDI vào Việt Nam, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ tăng về số lượng, năm 2021 đánh dấu sự chuyển mình của dòng vốn FDI khi chất lượng vốn đầu tư tăng dần. Số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD và dưới 5 USD đều giảm hơn 33% so năm 2020. Dự án trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, năng lượng vươn lên dẫn đầu, thay thế dự án dệt nhuộm trước kia.

“Sự suy giảm dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

“Sự suy giảm dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng” - Cục Đầu tư nước ngoài

Tỷ lệ vốn FDI vào ngành nghề nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu như dệt nhuộm đã giảm dần. Trong tổng số quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Singapore vươn lên dẫn đầu với vốn đăng ký 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là những quốc gia được đánh giá có dự án công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nền kinh tế.

Đón sóng FDI

Không chỉ tăng về số lượng, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn xuất hiện dự án chất lượng cao, xu hướng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Tiêu biểu như, tháng 12/2021, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44 ha, thuộc tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024.

Theo kế hoạch, đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ cố gắng mời gọi những dự án xanh như thế này đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư của dự án tương tự.

Không chỉ tăng vốn đầu tư dự án mới, nhiều tập đoàn lớn đã và đang mở rộng dự án tại Việt Nam sau khi đạt được nhiều thành công về kinh doanh. Công ty TNHH LG Display Việt Nam đến nay đã có tới 4 lần tăng vốn đầu tư.

Vào tháng 8/2021, công ty này tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD cho tổ hợp dự án trong Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Đây là lần tăng vốn thứ 4 của LG tại Hải Phòng và là lần tăng vốn thứ 2 trong năm 2021, nâng quy mô vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng lên 4,6 tỷ USD.

Công ty LG Display kỳ vọng, đợt tăng vốn này giúp tăng sản lượng màn hình OLED nhựa cho sản phẩm di động từ 9,6 đến 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 đến 14 triệu sản phẩm/tháng; tăng doanh thu xuất khẩu thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; tăng nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm và tạo thêm 10 nghìn việc làm.

[Quảng cáo]