Khuyến công Bến Tre hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre những hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Hoạt động khuyến công từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy CNNT phát triển, tăng cường công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội

Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bến Tre những hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Hoạt động khuyến công từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tăng cường công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội.

Khuyến công Bến Tre

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bến Tre kiểm tra tình hình đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp công nghiệp nông thôn thực hiện đề án khuyến công quốc gia năm 2023 (Nguồn: TT.KC&XTTM Bến Tre)

Đa dạng các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn 

Sau thời gian phục hồi dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, giai đoạn đầu năm 2022 đến nay nền kinh tế Việt Nam phát triển khá toàn diện, hoạt động doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2023 tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước với quy mô theo giá hiện hành là 32.456,52 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 641,4 triệu USD, giảm 16,85% so với cùng kỳ và đạt 37,73% kế hoạch.

Bên cạnh những mặt đạt được, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn. Một số cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa (kẹo dừa, thạch dừa, chỉ xơ dừa,…), dệt may, sản xuất sản phẩm da,… bị ảnh hưởng do giá dừa giảm sâu, số lượng đơn đặt hàng giảm đáng kể, sức tiêu thụ trên thị trường chậm.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bến Tre đã triển khai đa dạng các chương trình, đề án khuyến công nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đầu tư, phát triển sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Năm 2022, hoạt động khuyến công quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt 94,05% kế hoạch năm, tạo việc làm cho gần 250 lao động tại địa phương; khuyến công địa phương đạt 90.38% kế hoạch năm, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương. Năm 2023, kinh phí khuyến công quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt là 2.598 triệu đồng; kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt là 4.959 triệu đồng.

Đến nay, Trung tâm đã triển khai 06 đề án về ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với kinh phí hỗ trợ là 1.346 triệu đồng, thu hút 2.643,5 triệu đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ kinh phí khuyến công tuy không lớn nhưng đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua những khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển sản xuất. Nhờ đó các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phát triển sản phẩm mới, cải thiện mẫu mã để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tình phát triển bền vững, phù hợp với xu thế của thị trường.

Khuyến Công Bến tre

(Nguồn: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre)

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua hoạt động khuyến công

Trong nhiều năm qua hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu và kế hoạch đề ra, các chương trình hỗ trợ phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng. Để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả, kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cần tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án nhằm huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, nội dung để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.

Hỗ trợ các ngành nghề và sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương nhằm gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu và lao động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung để tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ của dân, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tệ nạn xã hội.

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và đã lan tỏa rộng khắp các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Do vậy, cần tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thônthuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thônđể thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, cần tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh ở các cơ sở công nghiệp nông thôn, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp để tạo môi trường phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên website và sàn thương mại điện tử bentretrade.vn của Sở Công Thương; tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia tìm hiểu công nghệ, kỹ thuật mới,… từ đó trao đổi, phổ biến, nghiên cứu áp dụng vào quy trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về khuyến công nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp; triển khai tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp, maketing cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm hỗ trợ cho họ tiếp cận với hệ thống kiến thức tiên tiến mới để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được tốt hơn.

Bên cạnh đó, bổ sung đa dạng hơn các nội dung hỗ trợ của hoạt động khuyến công nhằm đẩy mạnh khuyến khích phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người, giảm thiểu phát thải, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Để nắm bắt kịp thời những khó khăn và nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thônđể tìm ra giải pháp xử lý, tháo gỡ hiệu quả nhất cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa những cơ quan, đơn vị làm công tác khuyến công ở các cấp. Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khuyến công để vừa thực hiện tốt công tác phục vụ quản lý nhà nước vừa đủ năng lực tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.

Đội ngũ khuyến công tỉnh cũng cần phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông để phổ biến và tuyên tuyền về các chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, cũng như các chương trình hỗ trợ của nhà nước về những hoạt động này để các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin một cách hiệu quả.

Chung Thắng