Khuyến công Gia Lai phát huy tác dụng rõ nét đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn

Hoạt động Khuyến công tỉnh Gia Lai đã phát huy tác dụng rõ nét đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2024 là 4.068 triệu đồng cho 04 nội dung bao gồm 14 đề án; trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 2.178 triệu đồng, vốn đối ứng của các đơn vị thụ hưởng 1.890 triệu đồng.

Đối với nội dung “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp” thực hiện 11 đề án của 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với tổng kinh phí hỗ trợ 1.890 triệu đồng (đến nay: đã nghiệm thu 04 đề án, với KPKC hỗ trợ 710 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai cho biết: Hoạt động Khuyến công tỉnh Gia Lai đã phát huy tác dụng rõ nét đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Được sự quan tâm của UBND tỉnh Gia Lai các cơ sở công nghiệp nông thôn đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nội dung hỗ trợ được tập trung vào việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

nghiệm thu đề án
Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” cho Hộ kinh doanh Nguyễn Thành Phúc, tại xã Diên Phú, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai

Điển hình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai đã phối hợp hỗ trợ Hộ kinh doanh Nguyễn Thành Phúc thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” với tổng kinh phí thực hiện đề án là 594 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công hỗ trợ 270 triệu, còn lại là vốn đối ứng của Hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh Nguyễn Thành Phúc đã đầu tư máy móc mới 100% thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm gồm máy: Máy chiết rót 5 lít tự động, công suất 900 – 2500 chai/giờ; Máy cấp và siết nắp tự động, công suất 900 – 2500 chai/giờ; Máy dán nhãn một mặt tự động, công suất 900 – 2500 chai/giờ;

Đại diện Hộ kinh doanh Nguyễn Thành Phúc cho biết: Máy móc đi vào sản xuất chế biến thực phẩm đã góp phần tạo ra sản phẩm tương ớt chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu, nguồn lao động sẵn có tại địa phương, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập trực tiếp cho người lao động. Qua đó, sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước qua các khoản thuế và các khoản đóng góp khác. Đây là bước đầu để đơn vị áp dụng máy móc tiên tiến, hiện đại hóa công nghiệp vào sản xuất.

nghiệm thu đề án
Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản” cho Hợp tác xã DV-SX-KD nông lâm nghiệp Long Hưng, tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai

Hay từ nguồn vốn khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ, Hợp tác xã DV-SX-KD nông lâm nghiệp Long Hưng đã đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản với tổng kinh phí là 360.396.000 đồng. Trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 180 triệu đồng, máy móc được đầu tư gồm: Máy sấy thăng hoa 10kg, công suất: 10kg/mẻ; Máy cắt nắp tách dịch chanh dây, công suất: 70-90kg/H; Máy tách hạt chanh dây, công suất: 200-300kg/H; Máy rửa chanh dây, công suất: 900-1200kg/H. Máy móc được đầu tư hiện đại, tiên tiến, sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao và giá thành phù hợp với thị trường, đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Khuyến công địa phương năm 2024.

Máy móc được đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo ra sản phẩm viên chanh dây chất lượng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu, nguồn lao động sẵn có tại địa phương, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập trực tiếp cho người lao động. Qua đó, sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước qua các khoản thuế và các khoản đóng góp khác. Đây là bước đầu để đơn vị áp dụng máy móc tiên tiến, hiện đại hóa công nghiệp vào sản xuất.

Có thể thấy, việc từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ đã thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm... Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Những tháng cuối năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai sẽ tiếp tục Triển khai, theo dõi và kiểm tra tiến độ thực hiện các đề án Khuyến công địa phương của các đơn vị thụ hưởng, tổ chức nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán cho các đề án còn lại, bà Nguyễn Thị Bích Thu cho biết.

Tâm Tâm