Năm 2023, hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt được kết quả đáng ghi nhận với 19 đề án, nhiệm vụ khuyến công (05 đề án khuyến công quốc gia và 14 khuyến công địa phương) được thực hiện. Tổng kinh phí cho hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương là 6.497 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT là 3.4 tỷ đồng đã thu hút gần 8 tỷ đồng vốn đối ứng của các sơ sở CNNT, chiếm 29.8% tổng nguồn vốn đầu tư của các cơ sở CNNT từ nguồn kinh phí chương trình khuyến công quốc gia và địa phương.
Các đề án tập trung vào hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, từ đó các cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh… Trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được khoảng 2,5 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT, tạo việc làm cho gần 240 lao động tại địa phương. Các cơ sở CNNT sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ chính sách cũng như quy định về hoạt động khuyến công, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh.
Năm 2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị nhận được mức hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia. Chia sẻ về hiệu quả của việc ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết: Sau khi nhận được hỗ trợ Công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm máy sấy thăng hoa vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt các khâu sản xuất so với trước đây. Đồng thời, máy móc đi vào sản xuất giúp tối ưu được chi phí nhân công, tăng năng suất sấy và giảm thời gian sấy khô, nhưng vẫn giữ được hình dáng tự nhiên, chất dinh dưỡng sẵn có của hoa và lá của cây trà hoa vàng. Thành phẩm sau khi sấy cũng có độ thẩm mỹ cao hơn, được người tiêu dùng đánh giá tốt. Điều này cũng đã khiến cho doanh nghiệp chúng tôi tự tin khẳng định thương hiệu hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nhưng công tác vận động tham gia đạt nhiều kết quả, thể hiện bằng số lượng 41 sản phẩm của 25 cơ sở đăng ký tham gia. Trong đó 33 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, từ kết quả bình chọn làm cơ sở để tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Đặc biệt, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Bắc tại thành phố Hạ Long. Trong đó Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh thành phố khu vực phía bắc lần thứ IX năm 2023 với quy mô trên 300 đại biểu tham dự; Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII năm 2023 với trên 250 đại biểu tham dự; Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc với quy mô 400 gian hàng tiêu chuẩn. Qua đó đã hỗ trợ cho 160 cơ sở CNNT khu vực phía Bắc tham gia bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hội chợ đã thu hút được 48.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Tổng doanh thu bán hàng tại Hội chợ đạt gần 14 tỷ đồng.
Qua thực tiễn hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy các đề án, nhiệm vụ được triển khai phù hợp với nhu cầu của cơ sở CNNT và điều kiện thực tế của địa phương, góp phần tạo sự liên kết, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển CNNT theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo chủ trương phát triển của hoạt động khuyến công.
Để thực hiện tốt kế hoạch khuyến công tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và những nhiệm vụ khuyến công những năm tới đạt hiệu quả. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Thông qua các kênh thông tin đại chúng, các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở, tập huấn khuyến công để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy phạm pháp luật về khuyến công bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và tại cơ sở CNNT, tạo điều kiện cho các địa phương và cơ sở CNNT tiếp cận chính sách khuyến công để chủ động tham gia.
Tiếp tục ẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận. Phối hợp chặt chẽ với Cục Công Thương địa phương và các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả; kinh phí hỗ trợ sử dụng đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cũng như các quy định khác về hoạt động khuyến công.
Đồng thời, thực hiện đúng quy định về việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án, nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quy định.