Dù chỉ mới nhận nhiệm vụ là cộng tác viên khuyến công phụ trách địa bàn phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ tháng 03/2022, nhưng với sự năng động, sáng tạo và tận tâm trong công việc, chị Nguyễn Thị Hằng Nga đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận gần hơn các chính sách khuyến công, kịp thời nhận các chương trình hỗ trợ, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tích cực triển khai hỗ trợ hoạt động khuyến công
Chị Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết, phường Xuân An nằm ở Trung tâm của thành phố Long Khánh vì vậy việc phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) gặp nhiều hạn chế do một số ngành nghề buộc phải di dời ra khỏi nội ô thành phố, từ đó chỉ còn phát triển một số cơ sở ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và gia công sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Số cơ sở còn lại khoảng hơn 60 cơ sở bao gồm: 3 Công ty và 60 hộ kinh doanh cá thể.
Là cán bộ phụ trách quản lý các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Xuân An nên việc trực tiếp xuống tiếp cận, gặp gỡ các cơ sở CNNT trên địa bàn để thực hiện khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế và tuyên truyền về các chính sách khuyến công của chị Nga gặp nhiều thuận lợi. Từ năm 2022 - 2023 chị Nga đã giúp 2 cơ sở biết đến chính sách khuyến công và được hỗ trợ bởi nguồn kinh phí khuyến công trong ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 268 triệu đồng, Công ty TNHH TMDV MTV SXTM Da Việt Cường đã mạnh dạn đầu tư 06 máy may lập trình vi tính vào sản xuất. Máy móc đi vào hoạt động đã giúp Công ty nâng cao được chất lượng sản phẩm, tăng năng suất sản xuất. Ông Vũ Kiên Cường, Giám đốc Công ty không giấu được sự vui mừng chia sẻ: Nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ cộng tác viên khuyến công, hộ kinh doanh của ông mới biết đến chính sách hỗ trợ khuyến công và được thụ hưởng. Nếu không có sự hỗ trợ này, cơ sở chưa dám mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.
Cùng với đó là cơ sở sản xuất Phương Linh, từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 264.600.000 đồng đầu tư mua 1 máy sấy thăng hoa. Cơ sở Phương Linh đã không còn phải mang hàng đi sấy gia công mà tiến hành sấy tại cơ sở giúp giảm được chi phí và tạo thuận lợi cho cơ sở ngày càng sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn. Qua đó giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cũng theo chị Nga, đến tại thời điểm này các máy móc thiết bị mà 2 cơ sở được thụ hưởng từ chính sách khuyến công vẫn đang hoạt động ổn định, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở phát triển.
Bên cạnh đó, bản thân chị Nga cũng đã hỗ trợ các cơ sở lập hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp thành phố và cấp tỉnh, đã có 2 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp thành phố và cấp tỉnh (là sản phẩm Nấm Đông trùng hạ thảo sấy khô của Cơ sở Minh Đức và Cơ sở Phương Linh); hỗ trợ Cơ sở Minh Đức và Cơ sở Phương Linh tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại, lễ hội nhằm quảng bá sản phẩm tìm kiếm thị trường. Đồng thời, hỗ trợ Công ty TNHH SXTMDV Da Việt Cương lập hồ sơ xét chọn danh sách đề nghị tặng danh hiệu Thợ gỏi, kết quả có 10 lao động của Công ty được UBND tỉnh Đồng Nai tặng danh hiệu Thợ giỏi năm 2022 và 2023; hỗ trợ các cơ sở tuyên truyền trên Đài truyền hình tỉnh, bản tin khuyến công.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, chị Nga đã làm tốt vai trò cộng tác viên khuyến công, nhiệt tình trong công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ khuyến công trên địa bàn phụ trách. Nhờ có cộng tác viên thường xuyên khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình địa bàn, nên Trung tâm Khuyến công và Sở Công Thương đã kịp thời nắm bắt thông tin, số liệu về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở CNNT trên địa bàn để có dữ liệu xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời sớm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không ngại khó, không ngại đi lại nhiều lần
Bên cạnh những kết quả đạt được, chia sẻ về những khó khăn trong công việc, chị Nga cho biết, một số cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới trong sản xuất mặc dù đã tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn về chính sách khuyến công; do bận việc sản xuất mà một số cơ sở không có thời gian để lo các thủ tục giấy tờ tham gia các chương trình như: Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu hay tham gia xét tặng thợ giỏi… ; chủ cơ sở còn e ngại trong việc cung cấp thông tin trong quá trình khảo sát; việc tiếp cận với chủ cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc cộng tác viên phải đi lại nhiều lần.
Để khắc phục khó khăn trên giúp hoạt động khuyến công của tỉnh ngày một thiết thực và hiệu quả, theo chị Nga cộng tác viên khuyến công cần trực tiếp xuống các địa bàn khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở CNNT để tiếp cận và tuyên truyền chính sách khuyến công đến các cơ sở CNNT; phối hợp với ban khu phố rà soát cập nhật thường xuyên số cơ sở CNNT mới; thực hiện khảo sát nhu cầu khuyến công theo mẫu số 2 để nắm được nhu cầu đăng ký hỗ trợ khuyến công của cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, phát thanh, trang công nghệ thông tin phường để các cơ sở CNNT hiểu nắm bắt.
Bằng sự nhiệt huyết với công việc, với năng lực của bản thân, sự đóng góp thiết thực và hiệu quả trong công tác khuyến công tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Hằng Nga được lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai đánh giá cao, được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm.