Mạnh dạn đầu tư máy móc khai thác thế mạnh từ rừng
Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là huyện có nhiều tiềm năng về rừng, sản vật và khoáng sản. Công nghiệp và thủ công nghiệp đã có nền tảng để tạo đà cho sự phát triển. Lâm nghiệp được tập trung đầu tư vào việc khoanh nuôi bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên tại khu vực các núi: Cao Biền, Chàng Rể, Thái Bảo, Ngàng, Yến, núi Voi. Toàn huyện có khoảng 35000 ha đất rừng, chủ yếu trồng keo, bạch đàn, quế và một số loài cây bản địa nông nghiệp là thế mạnh, thu hút tới 90% cư dân trên địa bàn của huyện. Những kết quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đã giải quyết nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Cùng với xu thế chung đó, để tận dụng lợi thế ngành chế biến gỗ rừng trồng tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Thịnh Phát Vũ Linh và Công ty TNHH Việt Phát Plywood đã xây dựng kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị mới hiện đại để sản xuất ván bóc từ gỗ rừng trồng nhằm phát triển hơn nữa nền kinh tế từ gỗ rừng trồng, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Nhận thấy nhu cầu trên của Công ty TNHH Thịnh Phát Vũ Linh và Công ty TNHH Việt Phát Plywood là phù hợp với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ Công ty TNHH Thịnh Phát Vũ Linh và Công ty TNHH Việt Phát Plywood thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất ván bóc” nhằm nâng cao năng lực sản xuất ván bóc, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.
Máy móc tiên tiến đi vào sản xuất giúp tăng lợi nhuận
Cụ thể, đối với đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất ván bóc” tại Công ty TNHH Thịnh Phát Vũ Linh với tổng kinh phí thực hiện đề án là 431.180.000 đồng. Trong đó: Kinh phí của cơ sở 231.500.000 đồng; Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 199.680.000 đồng.
Công ty đã đầu tư 01 Máy bóc gỗ vào sản xuất sản phẩm ván bóc. Máy được tích hợp thêm 2 tính năng tự động là chặt ván và loại bỏ lõi gỗ sau khi bóc. Đây là 2 tính năng mà máy bóc thế hệ cũ cần đầu tư thêm máy chặt ván, đồng thời người vận hành phải có thêm thao tác loại bỏ lõi gỗ sau khi bóc. Ngoài ra, so với máy bóc cũ hiện tại cơ sở đang sử dụng thì máy bóc mới có một số ưu điểm hơn như: tốc độ ra ván nhanh hơn từ 50m/phút lên 56m/phút, chất lượng sản phẩm đẹp hơn, đồng đều hơn.
Bà Hoàng Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát Vũ Linh chia sẻ: Máy bóc gỗ mới đi vào sản xuất đã giúp sản lượng của Công ty đạt khoảng 2.500 m3 sản phẩm/năm, doanh thu đạt khoảng 8.250 triệu đồng/năm, nộp thuế khoảng trên 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm. Tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, giúp Công ty tiết kiệm được nguyên liệu, giảm thiểu phát thải ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Hay tại Công ty TNHH Việt Phát Plywood, với tổng kinh phí thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất ván bóc” là 412.680.000 đồng. Trong đó: Kinh phí của cơ sở 213.000.000 đồng; Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 199.680.000 đồng. Công ty đã mạnh dạn đầu tư 01 Máy bóc gỗ: Model YH1500; Máy mới 100%.
Máy mới được cải tiến về công nghệ với tính năng tinh chỉnh điện tử giúp cho sản phẩm đầu ra dễ dàng đạt được và duy trì độ dày, mỏng theo yêu cầu. Đây là cải tiến mang tính đột phá so với các thế hệ máy bóc điều chỉnh cơ học thuần túy. Ngoài ra, nhờ có các cải tiến về kỹ thuật và công nghệ mà máy hoạt động êm ái, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiếng ồn công nghiệp, có kích thước phù hợp, an toàn hơn cho người sử dụng, giảm thiểu thao tác thủ công cho người vận hành.
Ông Vũ Văn Việt - Giám đốc Công ty TNHH Việt Phát Plywood vui vẻ cho biết: Đề án đi vào sản xuất ổn định sẽ có hiệu quả hàng năm như: Sản lượng đạt khoảng 5.000 m3 sản phẩm/năm (tăng 500 m3), doanh thu đạt khoảng 15.000 triệu đồng/năm (tăng 1.500 triệu đồng), nộp thuế 650 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm (tăng 100 triệu đồng). Tiếp tục tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập bình quân 7.500.000 đồng/người/tháng. Sản phẩm ván bóc được sản xuất bởi máy móc, thiết bị tiên tiến đã đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cho các nhà máy sản xuất ván ép xuất khẩu ở trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất ván bóc” tại 2 Công ty đi vào hoạt động đã góp phần khuyến khích phát triển bền vững vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn huyện phát triển sản xuất một cách bền vững. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm của thanh niên trong độ tuổi lao động tại địa phương, hạn chế được các tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, cho thấy việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công địa phương năm 2024 để triển khai thực hiện đề án là phù hợp với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn của Đảng, Nhà nước và quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh và của địa phương.