PV: Công tác khuyến công được đánh giá là “Bà đỡ” giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn, miền núi nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ thực tế địa phương ông nhận định ra sao về ý kiến này?
Ông Đoàn Lê Khoa:
Đối với tỉnh Yên Bái, hoạt động khuyến công được triển khai liên tục trong 17 năm vừa qua (từ năm 2006). Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công (Nghị đinh 45). Qua rà soát, đánh giá cho thấy, công tác khuyến công đã và đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong giai đoạn 2012 - 2022, Yên Bái đã triển khai thực hiện 272 đề án hỗ chợ cho 280 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với tổng kinh phí hỗ trợ 33,3 tỷ đồng, qua đó thu hút được trên 400 tỷ đồng vốn đầu tư từ các cơ sở CNNT vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thông qua việc triển khai các đề án này đã tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến để đầu tư ứng dụng vào sản xuất. Qua đó, nâng cao được năng xuất, chất lượng sản phẩm; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
PV: Để hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng, những năm qua Yên Bái đã có những ưu tiên gì cho việc triển khai công tác khuyến công, thưa ông?
Ông Đoàn Lê Khoa:
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược và là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát các quy định của trung ương, để tham mưu, xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, các hộ kinh doanh nói chung và các cơ sở CNNT nói riêng phát triển sản xuất - kinh doanh.
Trong đó, đối với hoạt động khuyến công. Ngay sau khi Nghị định 45 về khuyến công được Chính phủ ban hành, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, kịp thời ban hành các cơ chế chính sách, chương trình cụ thể về hoạt động khuyến công, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.
Với trách nhiệm của ngành Công Thương, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái ban hành Chương trình khuyến công các giai đoạn (2016-2020, 2021-2025) và xây dựng quy chế quản lý, triển khai hoạt động khuyến công với mức hỗ trợ cho các cơ sở CNNT được nâng lên theo từng giai đoạn; đơn giản hóa các thủ tục với mục tiêu là hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho địa phương.
Việc ban hành các chương trình khuyến công giai đoạn 5 năm cho thấy, tỉnh đã rất quan tâm tới hoạt động khuyến công tại địa phương. Qua đó, đều đặn, kịp thời bố trí từ nguồn ngân sách địa phương bình quân gần 3 tỷ đồng/năm để hỗ trợ triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương, các cơ sở CNNT khảo sát xây dựng triển khai các đề án khuyến công quốc gia, qua đó bình quân hằng năm đã triển khai hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên 1,5 tỷ đồng.
PV: Thưa ông, tỉnh Yên Bái có định hướng gì nhằm giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công, nhất là ở vùng sâu, vùng xa?
Ông Đoàn Lê Khoa:
Từ thực tế triển khai cho thấy, nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở rất nhiều, tuy nhiên nguồn lực từ nguồn ngân sách của địa phương còn có hạn. Do đó, trước mắt chúng tôi xác định triển khai tốt các nội dung hỗ trợ công tác khuyến công theo quy định hiện hành.
Trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công hằng năm, chúng tôi luôn ưu tiên lựa chọn các cơ sở CNNT tại địa bàn vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ.
Ngoài ra, hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nhằm triển khai đồng bộ tất cả các nội dung hỗ trợ của hoạt động khuyến công (do các cơ sở mới chỉ đề nghị hỗ trợ một số nội dung nhất định như: hỗ trợ máy móc thiết bị; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, ...). Qua đó, giúp cho nhiều cơ sở CNNT được tiếp cận chính sách khuyến công hơn để tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhiều cơ sở được hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, góp phần phát triển nông thôn ngày càng bền vững, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Xin chân thành cảm ơn Ông!