Xuất khẩu tăng trưởng bất chấp đại dịch
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt đông thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8/2021, dịch Covid-19 lần thứ tư vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, đối với hoạt động xuất khẩu, tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước; và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.
Trong 8 tháng qua, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%.
Trong tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 1,996 tỷ USD, giảm 11,2%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu USD, giảm 33,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ USD, giảm 3,3%.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu 8 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,1 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,6%.
Thị trường EU đạt 25,98 tỷ USD, tăng 14,1%. Thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD, tăng 22,4%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,7%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,5%.
Về nhập khẩu hàng hóa, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước,và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỷ USD, tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 107,56 tỷ USD, tăng 41,6%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24%.
Về thị trường nhập khẩu, 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 28 tỷ USD, tăng 46,7%. Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 13,5%. Thị trường EU đạt 10,9 tỷ USD, tăng 16,8%. Hoa Kỳ đạt 10,3 tỷ USD, tăng 11,8%.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% .
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Cán cân thương mại sẽ dần được cải thiện
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"…
Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử…
Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Do đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Đối với vấn đề nhập siêu, Bộ Công Thương cho rằng, cán cân thương mại sẽ cải thiện dần trong thời gian tới. Bởi, hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.
Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản…