TÓM TẮT:
Bên cạnh phương thức truyền thống là tịch thu tài sản phạm tội sau khi có bản án kết tội của tòa án, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đem lại hiệu quả cao trong thu hồi tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. Thực tiễn Việt Nam cho thấy, quá trình tịch thu, thu hồi tài sản vi phạm pháp luật trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, bất cập cả về thể chế, lẫn thực tiễn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong số đó có việc chúng ta mới chỉ tập trung hoàn thiện cơ chế tịch thu tài sản truyền thống mà chưa chú ý đến tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia trên thế giới có ý nghĩa quan trọng nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm, những giá trị tham khảo cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện cơ chế tịch thu tài sản vi phạm pháp luật.
Từ khóa: tịch thu tài sản, không qua thủ tục kết tội, thu hồi tài sản.
1. Kinh nghiệm tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội ở một số nước trên thế giới
1.1. Kinh nghiệm của Australia
Tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội được Australia thực hiện một cách có hiệu quả; các hình thức, biện pháp nhằm theo dõi, hạn chế và tịch thu, thu hồi tài sản từ hành vi liên quan đến tội phạm được quy định rất rõ trong Đạo luật Tài sản phạm tội năm 2002 (Proceeds of Crime Act 2002). Theo đó, có 2 hình thức thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, đó là: tịch thu dân sự và tịch thu tài sản không giải thích được.
Tịch thu dân sự là biện pháp do tòa án quyết định sau khi xem xét các bằng chứng, có dấu hiệu nghi ngờ về tài sản hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm do cán bộ khởi kiện thuộc cảnh sát Liên bang Australia đệ trình mà không nhất thiết phải truy tố hoặc không thể truy tố một tộ phạm. Tòa án sẽ ban hành lệnh hạn chế nếu những dấu hiệu nghi ngờ có liên quan đến tội phạm được cho là hợp lý. Những người có liên quan đến tài sản bị hạn chế có thể nộp đơn giải trình, chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Nếu chứng minh được tài sản là hợp pháp, họ có thể giữ lại tài sản; ví dụ như chủ tài sản không biết tài sản mình mua có nguồn gốc từ tội phạm và không có bất kỳ căn cứ hợp lý nào để nghi ngờ điều này. Để xác minh tính chính xác, cơ quan có thẩm quyền có thể ra lệnh kiểm tra chéo kỹ lưỡng đối với chủ tài sản. Họ bắt buộc phải trung thực và không thể từ chối trả lời câu hỏi, ngay cả khi thông tin được bảo vệ bởi đặc quyền không đưa ra lời khai chống lại mình. Việc nói dối sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chủ tài sản không chứng minh được hoặc tòa án nhận thấy khả năng cao tồn tại mối quan hệ giữa tài sản với tội phạm hoặc trong 06 tháng không có ai tuyên bố lợi ích liên quan đến tài sản, tòa án sẽ ban hành quyết định tịch thu tài sản. Tài sản sẽ bị tịch thu trong trường hợp: (i) Việc tịch thu, thu hồi tài sản dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa cá nhân với tội phạm, tức là, trên thực tế cá nhân đã có hành vi cấu thành một hoặc nhiều tội phạm[1]; (ii) Dựa vào mối liên hệ của tài sản với tội phạm, nghĩa là tài sản được sử dụng hoặc dự định sẽ được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội hoặc có nguồn gốc từ một hành vi phạm tội, mà không cần phải biết danh tính của người phạm tội hoặc tội phạm cụ thể dẫn đến mối liên hệ này[2]. Trong việc tịch thu dựa vào mối liên hệ với tài sản, hành động được thực hiện nhằm vào khối tài sản chứ không phải là một người cụ thể.
Tịch thu tài sản không giải thích được là cơ chế yêu cầu một người phải chứng minh biến động tài chính của bản thân là hợp pháp; được áp dụng để xử lý trường hợp người sở hữu hoặc chiếm giữ tài sản không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Sau phiên điều trần, tòa án sẽ quyết định việc ra lệnh tịch thu tài sản chênh lệch giữa tổng tài sản và tài sản hợp pháp (số tiền, tài sản không giải thích được). Tịch thu tài sản không giải thích được thường được áp dụng khi có lý do hợp lý để nghi ngờ rằng tổng tài sản của một người vượt quá giá trị tài sản của người đó có được một cách hợp pháp, cơ quan chức năng có thể yêu cầu cá nhân đó giải thích về nguồn gốc tài sản mà thành viên này có được, dựa trên sự cân bằng của xác suất (nguyên tắc chứng minh trong dân sự - khả năng cao trên 50%), rằng sự giàu có của họ không bắt nguồn từ các hành vi phạm tội có liên quan đến Liên bang. Nếu một người không thể chứng minh điều này, tòa án phải yêu cầu họ trả cho Liên bang số tiền chênh lệch giữa tổng tài sản và tài sản hợp pháp của họ (số tiền tài sản không giải thích được).[3] Trong biện pháp tịch thu tài sản không giải thích được, Nhà nước sẽ không phải chứng minh tài sản của người bị yêu cầu giải thích sở hữu, chiếm hữu là có nguồn từ tội phạm, nghĩa vụ sẽ chuyển sang cho người bị yêu cầu giải thích để chứng minh rằng tài sản là hợp pháp.
1.2. Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan cũng là nước thiết lập và duy trì một số cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết án từ rất sớm thông qua Luật Chống rửa tiền năm 1999 và Luật Chống tham nhũng năm 1999 với các biện pháp tịch thu tài sản dân sự và lệnh về giàu có bất thường.
Theo Đạo luật Chống rửa tiền năm 1999, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thái Lan, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp tài chính và tín dụng, công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm tai nạn (bao gồm cả văn phòng đất đai) có nghĩa vụ pháp lý báo cáo tất cả các giao dịch tiền mặt 2.000.000 bath trở lên hoặc tất cả giao dịch tài sản trị giá 5.000.000 bath hoặc bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào, thậm chí dưới 2.000.000 bath phải được báo cáo cho Văn phòng chống rửa tiền. Nếu có bằng chứng cho rằng giao dịch đó có thể liên quan đến bất kỳ hành vi phạm tội nào, Văn phòng chống rửa tiền sẽ báo cáo vấn đề với Ủy ban giao dịch để áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc Tổng Thư ký Văn phòng chống rửa tiền sẽ quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn trước khi báo cáo Ủy ban. Nếu có đủ bằng chứng chứng minh tài sản có liên quan đến hành vi phạm tội thì Tổng thư ký của Văn phòng Phòng, chống rửa tiền sẽ chuyển hồ sơ cho công tố viên để xem xét việc nộp đơn khởi kiện đến tòa án để tịch thu.[4] Nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản, thẩm phán phải ban hành ngay lệnh thu giữ tạm thời hoặc hạn chế tài sản khi xét thấy đơn khởi kiện có căn cứ tin cậy. Tòa án sẽ áp dụng tiêu chuẩn chứng minh cân bằng về xác suất[5] để quyết định xem tài sản có liên quan đến một hành vi phạm tội hay không. Chủ sở hữu tài sản có quyền tham gia tố tụng và chứng minh rằng bản thân là chủ sở hữu thực sự và tài sản không liên quan đến hành vi phạm tội hoặc việc mua lại với mục đích tốt đẹp và phù hợp đạo đức hoặc từ thiện công khai thì tòa án sẽ không ra lệnh tịch thu[6]. Nếu tòa án xác định rằng tài sản có mối liên hệ với hành vi phạm tội, tòa án sẽ tịch thu tài sản bằng cách đưa ra lệnh rằng tài sản phải được giao nộp cho nhà nước.[7]
Luật Chống tham nhũng quy định Lệnh giàu có bất thường được áp dụng đối với cán bộ nhà nước hoặc đã nghỉ việc nhà nước không quá 2 năm và có tài sản thu về hoặc tích lũy một lượng tài sản bất thường hoặc tăng lên rõ rệt hoặc có được tài sản không chính đáng do thực hiện nhiệm vụ, quyền lực. Cáo buộc đối với trường hợp này được đệ trình lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia để xem xét, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Công tố viên. Căn cứ vị trí, chức vụ của cán bộ bị cáo buộc, Công tố viên sẽ đệ trình hồ sơ yêu cầu ra Lệnh tịch thu tài sản cho Nhà nước lên các tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự để tịch thu tài sản.
3. Một số kiến nghị cho Việt Nam
Thực tiễn pháp luật Việt Nam cho thấy hệ thống quy định liên quan đến thu hồi tài sản tương đối đầy đủ các nội dung biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, như cơ chế thu hồi tiền, tài sản qua hoạt động thanh tra bằng quyết định hành chính của người có thẩm quyền theo pháp luật về thanh tra hoặc cơ chế tịch thu tài sản qua hoạt động tố tụng hình sự hoặc tố tụng dân sự bằng bản án, quyết đinh có hiệu lực của tòa án theo pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như các quy định đều yêu cầu việc thu hồi tiền, tài sản liên quan đến tội phạm chỉ được thực hiện khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trong khi thực tiễn nhiều vụ án tham nhũng, rửa tiền,… chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự (do đối tượng chết, mất tích, lẩn trốn,…) thì không thể tiến hành tịch thu, thu hồi tài sản vi phạm gây thất thoát không nhỏ cho Nhà nước hoặc nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản để thu hồi quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến việc người phạm tội dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, chuyển nguồn gốc tài sản dẫn đến khó xác minh buộc phải yêu cầu tương trợ tư pháp,... Những quy định trên cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện pháp luật về tịch thu tài sản.
Nghiên cứu cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia trên thế giới, có thể đề xuất một số kiến nghị cho Việt Nam, như sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình kiểm soát các giao dịch có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm, trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Đối với tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình kiểm soát các giao dịch có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm: phạm vi tài sản có thể bị tịch thu đó là tài sản của tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh của Luật phòng, chống rửa tiền hoặc khi có những bằng chứng tin cậy về việc giao dịch đó nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Quá trình này được kiểm soát bởi ngân hàng, cơ quan điều tra, tòa án. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ nguồn tiền giao dịch liên quan đến tội phạm, ngân hàng có trách nhiệm báo cho cơ quan điều tra để xem xét nguồn gốc và tính hợp pháp của giao dịch. Trong trường hợp các bên có lợi ích liên quan đến giao dịch không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản thì cơ quan điều tra sẽ gửi đơn khởi kiện đến tòa án. Tòa án thực hiện thủ tục tố tụng tại phiên tòa. Việc tranh tụng dân sự tại tòa đòi hỏi cả cơ quan khởi kiện và các bên có lợi ích liên quan đến tài sản phải cung cấp bằng chứng chứng minh quan điểm của mình. Tòa án sẽ căn cứ vào các bằng chứng để đưa ra phán quyết về tịch thu tài sản. Trường hợp không có ai xác nhận quyền lợi liên quan đến tài sản thì tài sản sẽ bị tịch thu.
Đối với tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức áp dụng đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức không gỉai trình được nguồn gốc trong quá trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập. Tài sản được hình thành trước khi thực hiện kê khai lần đầu tiên sẽ là tài sản hợp pháp nếu như cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Đối với phần tài sản tăng thêm theo từng năm, cán bộ, công chức có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản, thu nhập là hợp pháp. Cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để kiểm tra tính chính xác trong kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, hằng năm của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải trung thực và không được phép từ chối trả lời các câu hỏi có nội dung liên quan đến nguồn gốc tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền xác minh. Việc cán bộ, công chức nói dối là căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác; quy trình này cũng được thực hiện thông qua tố tụng tại tòa án. Cán bộ, công chức và cơ quan có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập phải cung cấp các bằng chứng chứng minh bảo vệ quan điểm của mình. Tòa án sẽ thực hiện chức năng xét xử, dựa vào độ tin cậy của chứng cứ để phán quyết việc tài sản có bị tịch thu hay không.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nhằm thực hiện có hiệu quả tịch thu tài sản theo cơ chế hiện hành.
Tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội có thể được xem là một giải pháp có hiệu quả; tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả tịch thu, thu hồi tài sản do tham nhũng, tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật mà có cần được thực hiện bởi các cơ chế hiện hành. Nhằm tạo thuận lợi, nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc truy tìm, truy thu, thu hồi tài sản, ngăn chặn sớm việc tẩu tán, tẩy rửa, sử dụng tài sản liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật,… giải pháp trước mắt là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về tịch thu tài sản. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng bảo đảm kiểm soát được nguồn hình thành tài sản, thu nhập cán bộ, công chức nhưng không cản trở sự gia tăng tài sản, thu nhập hợp pháp của họ. Bổ sung các quy định nhằm kiểm soát tài sản của người thân trong gia đình người thuộc diện kê khai, công khai, tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu nghi ngờ rằng có sự che giấu tài sản, thu nhập; nghĩa vụ kê khai và công khai các lợi ích của bản thân, gia đình khi những lợi ích đó có khả năng xung đột với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong quá trình thi hành công vụ. Với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý thì cơ quan chức năng được quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để có phán quyết về nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập đó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự.
Hoàn thiện pháp luật về thanh tra theo hướng cho phép người có thẩm quyền thanh tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, dịch chuyển tài sản trong trường hợp phát hiện tiền, tài sản của đối tượng thanh tra đang sử dụng trái phép, bị chiếm đoạt hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật gây ra nhưng không thuộc phạm vi thanh tra, sau đó mới ban hành quyết định thanh tra mới để mở rộng phạm vi thanh tra. Bổ sung một số biện pháp ngăn chặn như cơ quan thanh tra, người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra có thể áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật hoặc kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán, chuyển dịch tiền, tài sản.
Hoàn thiện pháp luật phòng, chống rửa tiền, trong đó quy định cụ thể các giao dịch trị giá lớn thì phải dùng các phương thức thanh toán không phải là tiền mặt. Làm rõ hơn về nghĩa vụ đánh giá rủi ro rửa tiền; thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro; cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước; ngân hàng đại lý; về biện pháp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, giao dịch đến từ các quốc gia có rủi ro cao; về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của thỏa thuận pháp lý; về chia sẻ, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo; cơ chế kiểm soát nội bộ phòng, chống rửa tiền.
Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự theo hướng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự. Sửa đổi bổ sung pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng quy định về chủ động thi hành án dân sự theo hướng nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên trong truy tìm tài sản; hoàn thiện các quy định về ủy thác thi hành án; quy định cơ chế khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; quy định Tòa án phải làm rõ điều kiện thi hành án trước khi ra bản án, quyết định. Đối với việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự, cần có chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền không cung cấp thông tin, xác nhận tài sản; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các văn phòng thừa phát lại và cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành án dân sự, sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án do thừa phát lại cung cấp để giảm tải gánh nặng cho chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án,…
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Điều 47 Luật Tài sản phạm tội Australia năm 2002
[2] Điều 49 Luật Tài sản phạm tội Australia năm 2002
[3] Bản ghi nhớ giải thích: 5. Một “sĩ quan được ủy quyền” là thành viên được ủy quyền của Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), Ủy ban Tội phạm Úc (ACC), Ủy ban Thực thi pháp luật Úc (ACLEI), Cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan Úc ( Hải quan) hoặc Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC): POCA Đ 338. Tòa án phải có “quyền tài phán”. Điều này bao gồm bất kỳ tòa án tiểu bang hoặc liên bang nào có khả năng giải quyết các vấn đề hình sự theo cáo trạng: POCA Đ 335.
[4] Luật Chống rửa tiền, S. 49 Part 1.
[5] Theo Luật Ngăn chặn ma túy, để có thể thu hồi tài sản, công tố viên ngoài căn cứ có nghi ngờ hợp lý thì còn phải chứng minh các vấn đề khác.
[6] Điều 50, Luật Chống rửa tiền
[7] Luật Chống rửa tiền, Điều 51
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Tài sản phạm tội Australia năm 2002. Truy cập tại: https://www.legislation.gov.au/Details/C2021C00136
- Luật Chống rửa tiền Thái Lan năm 1999. Truy cập tại: http://www.vertic.org/media/National%20Legislation/Thailand/TH_Anti_Money_Laundering_Act.pdf
- Luật Chống tham nhũng Thái Lan năm 1999. Truy cập tại: http://web.krisdika.go.th/data/document/ext809/809752_0001.pdf
- Lê Tiến Sinh, Lê Tiến Viên (2021). Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng. Truy cập tại: https://kiemsat.vn/kinh-nghiem-mot-so-nuoc-ve-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-62706.html
- Lê Sơn (2021). Xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội. Truy cập tại: http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Xay-dung-co-che-tich-thu-tai-san-khong-qua-thu-tuc-ket-toi/427810.vgp
EXPERIENCE OF SOME COUNTRIES IN CONFISCATING PROPERTY WITHOUT THE COURT’S CONDEMATION AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM
NGUYEN TRONG TRUONG
People's Court of Tu Son, Bac Ninh Province
ABSTRACT:
Besides traditional methods of confiscating property after the court’s condemation, many countries have implemented the asset forfeiture without the court’s condemation and this approch has improved the effectiveness of asset recovery. In Vietnam, the fact show that the confiscation of assets or property faces many difficulties in terms of laws and practices as Vietnam has only focused on completing traditional methods of confiscating property. This paper examines experience of some couuntries in confiscating property without the court’s condemation and draws lessons learnt for Vietnam.
Keywords: asset forfeiture, without condemnation process, asset recovery.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 27, tháng 12 năm 2021]