I. Chính sách công nghiệp Nhật Bản, việc lựa chọn đầu tư phát triển cho ngành nghề, lĩnh vực và các biện pháp cơ bản để phát triển.
Thông thường, chính sách công nghiệp sẽ thiết kế theo hướng bắt đầu từ các ngành sử dụng nhiều sức lao động (ví dụ ngành Dệt-may, Da-giầy, Than...) tiến tới các ngành sử dụng nhiều vốn, kỹ thuật công nghệ đắt tiền (ví dụ ngành sản xuất ô tô, đóng tàu, máy cái), từ lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, đến các lĩnh vực có giá trị cao (từ sản xuất nông sản, tiến tới sản xuất ô tô, hoá dầu, vật liệu mới, công nghệ sinh học, rô bốt...). Nhật Bản cũng vậy, để phát triển nền kinh tế, nước này đã chọn các ngành, lĩnh vực phát triển theo thứ tự: 1. Ngành sản xuất hàng thay thế nhập khẩu có hiệu quả tiết kiệm ngoại tệ; 2) Các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động mà lại có khả năng thu ngoại tệ; 3) Các ngành công nghiệp nặng để tự cung cấp nguyên liệu và máy móc cho công nghiệp trong nước; 4) Các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều vốn và kỹ thuật; 5) Các ngành sản xuất hàng xuất khẩu kỹ thuật mũi nhọn. Trong đó, Nhà nước đã xác định các ngành cần phát triển và xây dựng các biện pháp để thúc đẩy các ngành đó phát triển với mục đích là mở rộng các doanh nghiệp, xí nghiệp tư nhân, thực hiện nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. (Điều này khác với các nước Âu – Mỹ, Chính phủ rất ít khi xác định các ngành mà xí nghiệp tư nhân cần phát triển, trừ các ngành công nghiệp quân sự.)
Với chiến lược như vậy, sau chiến tranh thế giới thứ II – từ những năm 1950, khi đất nước đang phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Nhật Bản bắt đầu xây dựng những kế hoạch và chiến lược để khôi phục, phát triển đất nước theo một “chính sách công nghiệp” gồm 6 nội dung:
- Điều chỉnh sản xuất, đầu tư - hiện đại hoá và sắp xếp lại ngành nghề lĩnh vực;
- đẩy mạnh xuất khẩu;
- Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) hiệu quả;
- Triển khai chính sách về tài nguyên, năng lượng;
- Xây dựng và thực hiện đúng chính sách đối với doanh nghiệp, xí nghiệp vừa và nhỏ.
Thực hiện 6 nội dung này, Chính phủ Nhật Bản đã đặt trọng tâm vào việc hướng dẫn các hoạt động công nghiệp bằng cách cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ hàng công nghiệp, chú trọng đến vấn đề cung cấp, sức cạnh tranh các mặt hàng công nghiệp... Trên cơ sở đó, đưa ra được bức tranh toàn cảnh, cụ thể, dự báo được triển vọng các mặt hoạt động công nghiệp.
Để cụ thể hoá chính sách công nghiệp đề ra, người Nhật đã xác định một loạt các biện pháp thực hiện. Trước hết, Nhật Bản có chính sách ưu đãi thuế quan, miễn thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc quan trọng, tiên tiến, mới (mà trong nước không sản xuất được) khi đã xác định rõ ngành, lĩnh vực, thời gian dành cho nó phát triển..; Có chính sách ưu đãi hoặc miễn thuế đối với các sản phẩm của những ngành mới ra đời như cơ khí cơ bản, phụ tùng cơ khí, hoá dầu, cơ khí điện tử…; Thực hiện giảm thuế khấu hao luỹ tiến đối với các thiết bị sản xuất; Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển; Thiết lập sự phối hợp, liên thông chặt chẽ giữa Chính phủ và giới công nghiệp. Cụ thể là thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển như nới lỏng các hạn chế nhập khẩu đối với các hàng sơ chế và vốn cần thiết cho xuất khẩu, giảm các hạn chế đối với các ngành (hạn chế số lượng nhập khẩu một số loại vật tư, hạn chế về thu hút vốn và công nghệ, kỹ thuật nước ngoài, hạn chế sử dụng ngoại tệ…), nhất là những ngành mũi nhọn cần phát triển, là một biện pháp tích cực, tạo cú hích mạnh cho các ngành đi lên mạnh mẽ (Vì chưa có công nghệ nguồn, nên từ năm 1950 – 1974, Nhật Bản có hơn 15.000 vụ nhập khẩu kỹ thuật với gần 70% nhập từ Mỹ, tiết kiệm được hàng trăm tỷ USD, nâng ngành công nghiệp chế tạo lên tầm cỡ thế giới), cho vay vốn với lãi suất thấp để phát triển các ngành: Khai thác than, gang thép, điện lực, đóng tàu…, thu hút công nghệ, kỹ thuật mới, xoá bỏ sự lạc hậu, chênh lệch về kỹ thuật so với thế giới; tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) của các xí nghiệp. Đồng thời, Nhật Bản cho phép ưu đãi thuế đối với tập thể liên doanh các xí nghiệp bỏ vốn nghiên cứu, thí nghiệm; trợ cấp vốn cho xí nghiệp tư nhân có dự án, công trình có giá trị kinh tế - xã hội cao; cấp vốn cho các nghiên cứu uỷ thác về lĩnh vực năng lượng, máy tính, vật liệu mới, công nghệ sinh học; Cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về định hướng cơ cấu công nghiệp và những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Nhờ sự hướng dẫn, dự báo kịp thời của Chính phủ, nên nhiều doanh nghiệp tránh được sự phá sản. Ví dụ Công ty Thép Nippon Steel, nhờ tham khảo các báo cáo, nghiên cứu định hướng đó đã chuyển ngay sang kinh doanh máy tính điện tử, hàng chục ngàn công nhân đáng lẽ bị thất nghiệp lại được đào tạo lại, chung sức xây dựng thành hãng máy tính mạnh…
II. Bài học về kinh nghiệm thực hiện chính sách công nghiệp Nhật Bản đối với các nước trong khối ASEAN.
Thực chất việc thiết lập và thực hiện chính sách công nghiệp là xây dựng một lộ trình để đẩy mạnh công nghiệp hoá, phát triển kinh tế vững chắc. Là những nước đi sau và trình độ chênh lệch, nên các nước asean phải tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể của mình để lựa chọn ngành nghề phát triển. Ví dụ, các nước ASEAN không cần máy móc theo thứ tự lựa chọn ngành nghề phát triển mà có thể đồng thời ưu tiên một lúc nhiều ngành nghề liền, tuỳ theo khả năng của nguồn lực và sức cạnh tranh sản phẩm của quốc gia. Chẳng hạn, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam và các nước nghèo như Lào, Campuchia, có thể đồng thời phát triển ngành hàng sản xuất thay thế nhập khẩu có hiệu quả, tiết kiệm ngoại tệ và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động, thu nhiều ngoại tệ.
Tuy nhiên, phải chú ý để một số nước ASEAN không sản xuất trùng lặp mặt hàng, dẫm chân lên nhau, trong khi có nước đã có thương hiệu nổi tiếng, thị trường ổn định mà cứ cố tình sản xuất cùng mặt hàng sẽ khó cạnh tranh. Mặt khác, là những nước đi sau, khi tính toán, lĩnh vực nào nếu nhập khẩu còn rẻ hơn bỏ vốn ra đầu tư sản xuất, thì phải cân nhắc để tránh lãng phí vô ích. Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất khi cung đã vượt quá cầu trong nước, thì không nên coi trọng mở rộng đầu tư cho sản xuất mà phải chuyển sang vấn đề tiêu thụ, tức là liên quan nhiều đến các khâu trung gian như vận chuyển, chế biến, bảo quản, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tư vấn, quảng cáo, xây dựng thương hiệu. Do đó, để có thể đi đúng hướng cũng như phát triển nền kinh tế, bước vào CNH – HĐH, các nước ASEAN cần lưu ý những vấn đề sau:
* Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp đã được Nhật Bản tiến hành trong môi trường, điều kiện văn hóa - xã hội tương thích. Vì vậy, các nước ASEAN với những đặc thù về văn hóa - xã hội đa dạng, cần tính đến bài học của Nhật Bản là xã hội tuân thủ luật pháp, mọi chính sách đều triệt để, chuẩn bị kỹ cả khâu nhận thức đối với doanh nghiêp, nhà chức trách, công chúng, tạo một niềm tin thống nhất trong mọi người. Thiếu những yếu tố này, chắc chắn dù chính sách công nghiệp tốt đến mấy cũng khó thành công. Do vậy, đối với các nước ASEAN mà tính thống nhất của nhận thức xã hội chưa cao, vẫn còn biểu hiện của sự manh mún, cục bộ, vị kỷ… có thể trong chính sách công nghiệp, nên lồng ghép một chính sách nhỏ hơn nhưng gắn kết lại với nhau, đó là chiến lược truyền thông để quảng bá sâu rộng, giáo dục nâng cao và thống nhất nhận thức toàn xã hội. Song cần chú ý rằng, khi lập ra MITI (Bộ Công nghiệp - Thương mại), Nhật Bản đã gắn ngay lĩnh vực phát triển công nghiệp, sản xuất với thương mại, nghĩa là công nghiệp hóa gắn buôn bán, xuất khẩu gắn nhập khẩu. Trong chính sách công nghiệp, Nhật Bản thường thiết kế cơ cấu nhập khẩu sao cho phù hợp với định hướng xuất khẩu. Cơ cấu nhập khẩu hiệu quả của họ gồm 5 nhóm hàng hóa là :Bằng phát minh sáng chế; Máy móc thiết bị, công nghệ; Nhiên liệu, nguyên vật liệu; Hàng tiêu dùng và các dịch vụ khác...
* Một nền kinh tế hướng ngoại thường có cơ chế nhập khẩu đủ cả 5 nhóm hàng, dĩ nhiên là tỷ trọng các nhóm có thể khác nhau, tuỳ từng giai đoạn. Thực tế cho thấy, nếu nước nào chỉ dùng ngoại tệ do xuất khẩu tài nguyên để mua công nghệ, máy móc thì dễ rơi vào tình trạng phải mua máy móc cũ và dần thành “bãi rác công nghiệp” của các nước bán máy, thiết bị. Vì thế cần phải gạt bỏ chính sách nhập 3 nhóm mà các nước mới phát triển hay dùng: máy móc, nguyên vật liệu - nhiên liệu, hàng tiêu dùng, học bài học Nhật Bản khi mới phát triển sau chiến tranh thế giới thứ II: Tích cực nhập khẩu bằng sáng chế, phát minh, các dịch vụ nên các máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu được sử dụng hết công suất, nhanh chóng có sức cạnh tranh quốc tế. Vấn đề nhập hàng tiêu dùng cũng phải được chú ý, không nên để ở tỷ lệ thấp và thuế cao trong tổng giá trị hàng nhập khẩu, vì sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu, tham nhũng. Trong nhập khẩu, phải tính đến các dịch vụ gắn liền với phát triển công nghiệp như dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tư vấn, viễn thông…
* Muốn xây dựng và thực hiện tốt chính sách công nghiệp, cần chú ý xây dựng một cách đồng bộ các luật, quy định liên quan đến phát triển công nghiệp phù hợp với khu vực và quốc tế. Trong tình hình hiện nay, từ năm 2003-2008, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN cơ bản được hoàn thành, thị trường mỗi nước trong ASEAN và cả khu vực với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ có những bước phát triển, vì vậy, các nước ASEAN, nhất là những nước phát triển cần nhanh chóng xây dựng đầy đủ, hoàn thiện các luật, quy đinh theo chuẩn quốc tế về thuế quan, hải quan, xuất nhập cảnh, luật kiểm soát độc quyền, luật về thị trường bất động sản, thị trường vốn, luật chống bán phá giá, luật đầu tư, thương quyền… Ngoài ra, các nước ASEAN phải dùng các lĩnh vực khác để hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp phát triển và cần có lĩnh vực riêng, mang đặc thù mỗi nước. Bài học kinh nghiệm từ chính sách công nghiệp Nhật Bản đến nay vẫn có thể tham khảo, đó là chính sách về thuế, thuế quan, nới lỏng, tiến tới xoá dần các hạn chế hạn ngạch, phối hợp tốt giữa Chính phủ với doanh nhân… và đặc biệt là phát huy vai trò cung cấp thông tin, phân tích, dự báo của các chương trình trong chính sách công nghiệp.
* Hiện nay, trong các nước ASEAN, có nước đã thực hiện đến đoạn cuối của Bộ chính sách công nghiệp, bước vào thời kỳ chọn lĩnh vực phát triển là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu kỹ thuật mũi nhọn. Singapore chẳng hạn, đã chọn công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp sinh học. Năm 2002, sức sản xuất của ngành này ở Singapore tăng 48%, đạt 9,7 tỷ Đô la Singapore (tương đương 5,61 tỷ USD). Dự báo đến năm 2005, Ngành trên sẽ đạt 12 tỷ đô là Singapore, trong đó công nghiệp sinh học phục vụ ngành Dược sẽ đạt 8 tỷ Đô la Singapore. Và vì vậy, trong chính sách công nghiệp, họ sẽ giảm thị phần của ngành công nghiệp chế tạo máy, thay vào đó là công nghiệp sinh học. Trong lúc đó, một số nước ASEAN đã tiến đến giữa lộ trình và cũng có những nước vẫn ở thời kỳ đầu. Do không đồng đều, nên mỗi nước phải áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản tùy theo hoàn cảnh của mình, lại có thể học tập lẫn nhau để hoàn thiện, cải tiến chính sách công nghiệp của cả khối ASEAN tạo thuận lợi cho sự điều phối, hợp tác, hỗ trợ, cùng phát triển.
Mặc dù đã có những thành công, để lại những bài học về chính sách công nghiệp, nhưng khi đã hết lộ trình thực hiện thứ tự chọn lọc các lĩnh vực phát triển thì kinh tế Nhật trở nên trì trệ. Hơn 10 năm qua, Nhật Bản vẫn đang trăn trở tìm mô hình kinh tế mới để thay thế mô hình kinh tế cũ đã hết hiệu quả, kém năng động. Nước Nhật Bản đang chuyển mình lần thứ 3 và lần này, họ đang xây dựng mô hình nền kinh tế tri thức. Mô hình này có nhiều phần dựa trên cơ sở những nhu cầu mới của xã hội - có những nhu cầu đã hình thành, có những nhu cầu phải tìm kiếm, phải kiến tạo ra, ví dụ như nhu cầu bay vào vũ trụ, sống dưới nước, đối thoại - chơi với người, vật ảo…Khi có mô hình kinh tế mới, Nhật Bản sẽ chuyển giao mạnh khoa học - công nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện nay, vì thế, các nước ASEAN cần phải nắm được xu thế này, có sự chuẩn bị về đối sách để chủ động phát triển công nghiệp của mình trong tình hình mới.