TÓM TẮT:
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu bia là một loại thuế có ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia. Một vài năm trở lại đây, nhiều tác động mới ra đời đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp này. Trước bối cảnh đó, chính sách thuế TTĐB hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa theo kịp với tình hình thực tiễn. Từ việc tìm hiểu một số kinh nghiệm về pháp luật thuế TTĐB đối với rượu bia của Liên minh châu Âu (EU), nhóm tác giả đã đưa ra một số quan điểm nhằm hoàn thiện chính sách thuế TTĐB đối với rượu bia của Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt, rượu bia, EU, Việt Nam, kinh nghiệm.
1. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia ở Việt Nam
1.1. Khái quát ngành Rượu bia Việt Nam
Ngành Rượu bia Việt Nam là một ngành kinh tế - kỹ thuật lâu đời và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp trong ngành gồm có các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu. Ngành không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng. Trong đó, ngành Sản xuất bia có vai trò quan trọng hơn cả, với nhiều doanh nghiệp lớn ở cả trong nước và nước ngoài chiếm hầu hết thị phần. Ngược lại, thị trường ngành Rượu tương đối nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước với mức thị phần không quá lớn. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chịu thêm tác động của các chính sách quản lý chuyên ngành như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cùng với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại nặng nề. Trong giai đoạn 2010 - 2019, tăng trưởng sản lượng bia của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục qua các năm đạt mức gần 4,6 tỷ lít năm 2019, tuy nhiên, trong giai đoạn 2022-2023 sản lượng sụt giảm nghiêm trọng xuống còn 3,9 tỷ lít năm 2022 và gần 3,5 tỷ lít năm 2023. Số doanh nghiệp trong ngành năm 2019 là 2587 doanh nghiệp, giảm xuống chỉ còn 2193 doanh nghiệp vào năm 2022. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 27,4 nghìn tỷ đồng thì năm 2022 chỉ đạt 25,9 nghìn tỷ. Chỉ số tiêu thụ cũng suy giảm từ 110,7% năm 2019 xuống 96,6% vào năm 2023.
1.2. Thực trạng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia
Ở Việt Nam, hiện nay, thuế TTĐB đánh vào 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ, trong đó rượu, bia là 2 nhóm hàng hóa là đối tượng chịu thuế TTĐB. Hiện nay, pháp luật Việt Nam sử dụng phương pháp tính thuế tương đối (sử dụng thuế suất theo tỷ lệ %) để tính thuế TTĐB. Thuế suất thuế TTĐB được quy định theo từng nhóm hàng hóa, nhóm dịch vụ và được phân loại theo tính chất, mức độ của hàng hóa, dịch vụ cần được điều tiết. Thông thường, mức thuế suất thuế TTĐB tương đối cao, từ 10% đến 150%.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay quy định một căn cứ tính thuế duy nhất áp dụng riêng cho rượu là dựa trên nồng độ cồn có trong sản phẩm. Ngưỡng nồng độ cồn dùng làm căn cứ tính thuế là 20 độ. Tương ứng với đó là hai mức thuế suất khác nhau với 35% dành cho rượu dưới ngưỡng này và 65% cho rượu từ 20 độ trở lên. Đối với bia, thuế suất 65% được áp dụng chung cho tất cả các chủng loại sản phẩm, không phân biệt mức nồng độ cồn. Mức thuế suất hiện hành này đã được điều chỉnh tăng từ 8-9% đối với bia, rượu từ 20o trở lên và tăng hơn 16% đối với rượu dưới 20o so với mỗi mức thuế suất trước đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: (i) tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh; (ii) thuế TTĐB đối với bia, rượu vẫn chiếm tỉ trọng thấp trong giá bán lẻ (khoảng 30%), trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ này từ 40 - 85% giá bán lẻ. Đối với phương pháp tính thuế TTĐB, hiện nay Việt Nam cũng áp dụng duy nhất phương pháp tỷ lệ phần trăm (hay còn gọi là phương pháp tính thuế tương đối) cho rượu bia.
Với tư cách là loại thuế áp dụng cho một loại hàng hóa đặc biệt, thuế TTĐB đối với rượu bia chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các khoản nộp cho Nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành. Trong những năm gần đây, ngành Rượu bia và Đồ uống nói chung đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng mỗi năm (trong đó thuế TTĐB chiếm khoảng 50 ngàn tỷ đồng). Giá trị sản xuất của ngành Đồ uống chiếm khoảng 5,6 - 6% tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp, trong đó sản xuất và kinh doanh bia có những đóng góp quan trọng bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử.
Không chỉ trực tiếp đóng góp thông qua thuế, các doanh nghiệp trong ngành còn gián tiếp tăng nguồn thu cho Nhà nước nhờ tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động trong doanh nghiệp của mình và của các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phụ trợ khác. Tuy nhiên, chính sách thuế TTĐB hiện nay vẫn còn một số điểm hạn chế chưa phù hợp. Cụ thể:
Thứ nhất, ngành sản xuất đồ uống đã và đang phải chịu tác động của nhiều yếu tố, như: (i) Bất ổn kinh tế toàn cầu khiến chi phí tăng cao, tiêu dùng sụt giảm và (ii) Những thay đổi chính sách gần đây tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí tuân thủ (như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Các quy định này đã có tác động đặc biệt lớn tới nhu cầu của người dân, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhưng cũng làm các doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn. Trong khi đó, thuế suất thuế TTĐB hiện nay đã ở mức khá cao, thậm chí Bộ Tài chính còn đang đề xuất tăng thuế suất này lên 100% vào năm 2028. Trước tình cảnh trên của các doanh nghiệp, các chính sách thuế trong tương lai nên hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi và phát triển chứ không nên làm trầm trọng thêm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp.
Thứ hai, mục tiêu của chính sách thuế TTĐB là nhằm hạn chế tiêu thụ rượu bia, tuy nhiên thực tế lại không đạt được hiệu quả như mong muốn. Có nhiều quan điểm cho rằng nguyên nhân của bất cập này do thuế suất TTĐB hiện nay chưa đủ cao để tác động đáng kể đến giá bán lẻ rượu, bia. Quan điểm này có nhiều điểm hợp lý nhưng chưa đánh giá toàn diện các vấn đề của chính sách thuế TTĐB hiện nay. Cần phải nhìn nhận sự thật, các vấn đề như: i) Phạm vi áp dụng hẹp, bỏ qua nhiều đối tượng chịu thuế; ii) Căn cứ tính thuế dựa trên nồng độ cồn trong sản phẩm chưa được sử dụng triệt để để phân loại chi tiết từng chủng loại sản; iii) Thiếu linh hoạt trong áp dụng phương pháp tính thuế, đang là những rào cản khiến cho mục tiêu của chính sách thuế TTĐB chưa đạt được hiệu quả.
Thứ ba, công tác quản lý đối với ngành Rượu bia hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là với các sản phẩm rượu. Các sản phẩm rượu thủ công được nấu bởi các hộ gia đình, sau đó bán ra theo kiểu trao tay rất phổ biến. Các sản phẩm này hoàn toàn không đóng thuế, không được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó giá thành rẻ hơn nhiều các sản phẩm rượu chính thống phải tính thêm các loại thuế vào giá bán. Điều này khiến cho các doanh nghiệp chính thống “khó chồng khó” khi lại phải cạnh tranh với các loại rượu “chui” không đảm bảo chất lượng này. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu nhằm để chấm dứt tình trạng nấu rượu tràn lan không kiểm soát, nhưng quy định là thế, còn trên thực tế việc quản lý được các chủ thể này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
2. Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU) về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và bài học rút ra cho Việt Nam
2.1. Pháp luật thuế TTĐB đối với rượu bia của Liên minh châu Âu
Từ lâu, EU đã thiết lập một khung pháp lý khá toàn diện dành cho thuế TTĐB đối với rượu bia. Theo đó, hai văn bản chính điều chỉnh loại thuế này là Chỉ thị số 92/83/EEC ngày 19/10/1992 về việc điều hòa cơ cấu thuế TTĐB đối với rượu và đồ uống có cồn, được sửa đổi bổ sung bởi Chỉ thị (EU) 2020/1151 và Chỉ thị 92/84/EEC ngày 19/10/1992. Một số nội dung cơ bản của các văn bản này như sau:
a. Phạm vi áp dụng: theo các Điều 2, Điều 8, Điều 17 và Điều 20 Chỉ thị 92/83/EEC, các loại đồ uống có cồn sau đây sẽ phải chịu thuế TTĐB:
- Bia[1]: Bao gồm sản phẩm bia thông thường và các hỗn hợp bia với đồ uống không cồn, với nồng độ cồn vượt quá 0,5% theo thể tích. Các loại bia thuộc phạm vi điều chỉnh gồm[2]:
- Bia truyền thống làm từ mạch nha;
- Bia có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn nhưng vẫn có nguồn gốc từ mạch nha;
- Các loại bia được sản xuất từ lúa mạch, mạch nha và hoa bia.
- Rượu vang và các đồ uống lên men khác[3]: Bao gồm sản phẩm có nồng độ cồn vượt quá 1,2% theo thể tích, gồm:
- Rượu vang từ nho tươi, bao gồm rượu vang tĩnh (không ga) và rượu vang sủi bọt (có ga);
- Rượu vang tăng cường có bổ sung rượu mạnh để tăng nồng độ cồn;
- Must nho), dịch chiết từ nho có thể đã hoặc chưa lên men, dùng để sản xuất rượu vang.
- Sản phẩm trung gian: Bao gồm đồ uống có nồng độ cồn từ 1,2% đến 22% theo thể tích, không thuộc nhóm bia, rượu vang hay đồ uống lên men khác.
- Rượu etylic: Áp dụng cho tất cả sản phẩm có nồng độ cồn từ 1,2% trở lên theo thể tích, nhưng không thuộc các nhóm trên.
b. Phương pháp tính thuế
Đối với bia, chỉ thị đưa ra hai phương pháp đánh thuế gồm có:
- Dựa trên số hectolitre/độ Plato[4] - phản ánh lượng chiết xuất trong bia trong quá trình lên men; - Dựa trên số hectolitre/độ cồn thực tế - phản ánh mức độ cồn được tạo ra trong sản phẩm hoàn chỉnh.
Phương pháp tính thuế dựa trên độ Plato là một cách tiếp cận kỹ thuật giúp đánh giá chính xác hơn về nguồn nguyên liệu sản xuất bia. Trong khi đó, phương pháp tính theo độ cồn thực tế làm cho quy định có tính thực tiễn cao, đảm bảo thuế đánh trên mức độ cồn mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng. Bằng cách này, quy định khuyến khích sản xuất các loại bia có nồng độ cồn thấp hơn nhằm nhất hạn chế tác hại do rượu bia. Phương pháp này được đánh giá cao về khả năng đồng nhất trong khu vực EU. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, sự khác biệt trong tiêu chuẩn đo lường hoặc công nghệ sản xuất bia của các quốc gia thành viên có thể đặt ra thách thức trong việc áp dụng đồng bộ.
Đối với rượu vang và các đồ uống lên men khác được tính dựa trên số hectolitre sản phẩm hoàn chỉnh. Phương pháp này giúp đơn giản hóa quá trình quản lý thuế vì không cần phải đo lường độ cồn của sản phẩm, tạo điều kiện cho cơ quan thuế và doanh nghiệp dễ dàng tính toán giá trị thuế. Cùng với đó, việc áp dụng mức thuế nhất quán cho các danh mục như rượu vang tĩnh và rượu vang sủi bọt giảm nguy cơ gian lận thuế, giúp các cơ quan thuế dễ dàng giám sát.
Đối với các loại sản phẩm trung gian, tương tự rượu vang, thuế áp dụng trên số hectolitre sản phẩm hoàn chỉnh.
Đối với rượu etylic, thuế dựa trên số hectolitre cồn nguyên chất ở nhiệt độ chuẩn 20°C. Đây là phương pháp khá công bằng vì mức thuế phản ánh trực tiếp lượng cồn trong sản phẩm, từ đó khuyến khích các nhà sản xuất kiểm soát nồng độ cồn để tối ưu hóa chi phí thuế.
c. Mức thuế suất
Chỉ thị 92/84/EEC đặt ra một mức thuế TTĐB tối thiểu áp dụng cho các loại đồ uống có cồn và các quốc gia thành viên EU sẽ được áp một mức thuế suất cao hơn mức thuế suất tối thiểu, nhằm tạo ra một mặt bằng chung về thuế TTĐB trong toàn bộ EU. Điều này giúp giảm thiểu sự chênh lệch quá lớn giữa các quốc gia thành viên, tránh tình trạng "cạnh tranh thuế" không lành mạnh. Mức thuế suất tối thiểu như sau:
Đối với bia, tương ứng với hai phương pháp tính thuế sẽ có hai mức thuế suất được áp dụng như sau:
- 0,748 EUR[5] mỗi hectolitre/độ Plato;
- 1,87 EUR mỗi hectolitre/độ cồn thực tế của sản phẩm;
Đối với rượu vang, mức thuế tối thiểu được quy định là 0 EUR cho cả rượu vang tĩnh và sủi bọt, lý do cho mức thuế này bởi so với các loại đồ uống có cồn khác, rượu vang có nồng độ cồn thấp hơn, thêm vào đó là giá thành và cách sử dụng của loại rượu này cũng có nhiều khác biệt. Mỗi quốc gia thành viên được phép linh hoạt trong việc áp dụng chính sách thuế phù hợp với thị trường nội địa và truyền thống sản xuất rượu vang của họ.
Đối với các loại sản phẩm trung gian, mức thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu được áp dụng là 45 EUR trên mỗi hectolitre sản phẩm.
Đối với rượu etylic và các loại đồ uống có cồn khác trừ các loại đồ uống trên, mức thuế tối thiểu được ấn định là 550 EUR trên mỗi hectolitre cồn nguyên chất. Tuy nhiên, không quốc gia nào được giảm mức thuế xuống dưới 1.000 EUR, nếu đã áp dụng mức thuế vượt quá ngưỡng này.
d. Về giảm thuế và miễn thuế:
Chính sách giảm thuế được áp dụng cho các loại sản phẩm sau:
- Bia: các quốc gia thành viên có thể áp dụng mức thuế thấp hơn cho bia được sản xuất bởi các nhà máy bia nhỏ độc lập, với sản lượng không vượt quá 200.000 hectolitre mỗi năm. Mức giảm không được vượt quá 50% mức thuế quốc gia tiêu chuẩn.
- Rượu vang: có thể áp dụng thuế suất giảm cho sản phẩm có nồng độ cồn không vượt quá 8,5% thể tích.
- Rượu etylic: các cơ sở chưng cất nhỏ với sản lượng dưới 10 hectolitre cồn nguyên chất/năm có thể hưởng mức thuế giảm tối đa 50%.
Chính sách miễn thuế được áp dụng cho rượu biến tính hoàn toàn, rượu dùng để sản xuất giấm, dược phẩm, hương liệu thực phẩm hoặc rượu sản xuất tại gia không nhằm mục đích thương mại.
Chỉ thị (EU) 2020/1151 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã sửa đổi Chỉ thị 92/83/EEC nhằm cập nhật và làm rõ các quy định liên quan đến thuế TTĐB đối với rượu và đồ uống có cồn trong Liên minh châu Âu. Những thay đổi này mang lại sự hiện đại hóa, minh bạch và hài hòa cho chính sách thuế trong khu vực thông qua một số thay đổi như việc thiết lập một hệ thống chứng nhận chung để xác nhận tình trạng của các nhà sản xuất nhỏ độc lập trên toàn EU, tạo điều kiện để các nhà sản xuất nhỏ tiếp cận các mức thuế ưu đãi, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong ngành; cho phép miễn thuế đối với các sản phẩm được sử dụng trong sản xuất thực phẩm bổ sung theo những điều kiện nhất định, nhằm khuyến khích ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung và góp phần thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có lợi cho sức khỏe; thiết lập các điều kiện cụ thể về đo lường độ Plato của bia, nhằm tạo ra một hệ thống đo lường thống nhất, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bia.
2.2. Bài học về hoàn thiện pháp luật thuế TTĐB đối với rượu bia cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm pháp luật thuế TTĐB đối với rượu bia của EU, đề xuất một số bài học nhằm hoàn thiện pháp luật thuế TTĐB đối với rượu bia như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi áp dụng thuế TTĐB, nên có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các chủng loại của cùng một sản phẩm. Có thể thấy, khung pháp lý của EU từ lâu đã quy định phạm vi các loại sản phẩm thuộc diện chịu thuế là rất rộng và cụ thể, không chỉ riêng rượu bia mà còn cả các sản phẩm trung gian và nguyên liệu cho quá trình sản xuất rượu bia (như rượu etylic). Khung pháp lý của EU cũng liệt kê cụ thể từng chủng loại sản phẩm, tạo điều kiện cho công tác quản lý và thu nộp thuế được thuận lợi hơn. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc mở rộng phạm vi áp dụng thuế TTĐB rất cần thiết, nhằm tránh bỏ qua các sản phẩm mới thuộc diện chịu thuế. Chẳng hạn, các loại đồ uống có đường hiện nay được nhiều quốc gia quy định là đối tượng chịu thuế TTĐB vì những tác hại tiềm ẩn đến sức khỏe của việc lạm dụng loại đồ uống này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.
Thứ hai, tiến tới áp dụng linh hoạt hơn các căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế. Những quy định của EU hiện nay cho thấy tính linh hoạt trong việc sử dụng đa dạng các căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi chủng loại sản phẩm. Căn cứ tính thuế dựa trên nồng độ cồn có trong sản phẩm nên được áp dụng cả cho mặt hàng bia kèm theo việc bổ sung nhiều hơn các ngưỡng chịu thuế theo hướng nồng độ cồn càng lớn thì thuế suất càng cao. Ngược lại, cần phải có chính sách ưu đãi hơn cho các sản phẩm như bia có nồng độ cồn thấp hoặc bia không cồn, nhằm khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm ít tác hại hơn.
Về phương pháp tính thuế, chúng ta nên sử dụng nhiều hơn một phương pháp như hiện nay. Dựa trên cam kết khi gia nhập WTO của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tính thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên bằng phương pháp tuyệt đối (dựa trên khối lượng/thể tích sản phẩm). Phương pháp tính thuế tuyệt đối rõ ràng có tác động lớn đến giá cả và hàm lượng cồn tiêu thụ hơn phương pháp tính thuế tỷ lệ.
Thứ ba, về miễn thuế và giảm thuế. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay quy định chỉ trong trường hợp người nộp thuế TTĐB gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ thì mới được giảm thuế. Trong khi đó, EU có các chính sách miễn thuế, giảm thuế cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc các sản phẩm có nồng độ cồn thấp. Việt Nam nên học hỏi quy định này và mở rộng thêm bằng cách có những quy định giảm thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB nhưng có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất nhằm bảo vệ môi trường,...
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Một số sản phẩm khác cũng nằm trong nhóm này bao gồm đồ uống không lên men hoặc hỗn hợp từ các đồ uống lên men khác như rượu táo và rượu lê
[2] Taxation and Customs Union (TARIC Consultation), https://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/taric/taric_consultation.jsp
[3] Nhóm này không bao gồm đồ uống từ các loại trái cây khác ngoài nho hoặc các hỗn hợp giữa rượu vang và đồ uống không cồn
[4] Đơn vị để chỉ thị nồng độ đường và các chất rắn hòa tan trong dịch bia, rượu trước khi lên men
[5] Hiện tại, Chỉ thị số 92/84/EEC của Hội đồng Liên minh châu Âu vẫn sử dụng đơn vị tiền tệ là ECU (European Currency Unit) để tính thuế. Tuy nhiên, căn cứ theo Quy chế của Hội đồng (EC) số 1103/97, ban hành ngày 17/6/1997 liên quan đến việc giới thiệu đồng Euro, đã đưa ra quy định chính thức chuyển từ đơn vị tiền tệ là ECU sang đơn vị tiền tệ mới là euro (EUR), với tỉ lệ chuyển đổi là 1 ECU = 1 EUR. Vì vậy, bài nghiên cứu sẽ sử dụng đơn vị tiền tệ là EUR.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2008), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.
2. Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế 2019.
3. Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Giáo trình Luật Thuế Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
5. Nguyễn Đặng Thái Sơn (2024), Hoàn thiện pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
6. Nguyễn Hà Thu (2024), Pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
7. Kim Anh (2024), VBA góp ý Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
8. Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia.
9. Hương Quỳnh (2024). Vì sao phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?, Tạp chí điện tử Thuế nhà nước. Truy cập tại https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/a07d5633-4b86-4325-a443-56c7412ad771
10. Thanh Xuân (2023), Đổi mới cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia: Bảo vệ sức khỏe người dân và sản xuất bền vững, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân. Truy cập tại https://daibieunhandan.vn/doi-moi-cach-tinh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-va-san-xuat-ben-vung-post349139.html
EU special consumption tax on alcohol and beer: Insights and lessons for Vietnam
Cu Duc Hieu1
Truong Cam Tu1
Le Quy Nhan1
1Hanoi Law University
Abstract:
Special consumption tax on alcohol significantly influences alcohol production and trading enterprises. In recent years, emerging economic and social factors have posed new challenges, further impacting these businesses. However, the current special consumption tax policy in Vietnam has revealed several limitations, failing to keep pace with evolving market conditions. This study examines the special consumption tax regulations on alcohol in the European Union (EU) and draws lessons from international best practices. Based on these insights, the study proposes key recommendations to enhance Vietnam’s special consumption tax policy on alcohol, ensuring greater effectiveness and alignment with economic and public health objectives.
Keywords: legal framework of special consumption tax, alcohol, EU, Vietnam, experience.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 2 năm 2025]