Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tháng 1 năm nay vẫn tiếp tục xu hướng tốt của năm 2018. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1%, tỷ giá, lãi suất ổn định. Trong tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua được hơn 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Đối tượng chính sách, nhất là ở các vùng, miền khó khăn đều được chăm sóc tận nơi, tận nhà về các chế độ liên quan. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng 7,9%, dù con số này thấp hơn mức tăng 22,1% của cùng kỳ năm trước, nhưng theo lý giải của Tổng cục Thống kê, năm 2017, tháng 1 là tháng trùng với các kỳ nghỉ Tết kéo dài nên sản xuất công nghiệp chậm lại, do đó so với cùng kỳ, tháng 1/2018 chỉ số IIP đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao. Hàng hóa được bảo đảm cung ứng tốt, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 7,7% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong lĩnh vực đầu tư FDI, tháng 1/2019, cả nước thu hút được 805 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 72 lượt dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm là 340,3 triệu USD, đưa tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,145 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018; vốn FDI giải ngân của tháng đầu tiên trong năm đạt 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ tháng 1/2018.
Cùng với phát triển kinh tế xã hội, cuối tháng 1, Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế đánh gái cao. Việt Nam, Ấn Độ, Mexico và Arab Saudi là những cái tên lần đầu xuất hiện trong nhóm 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới theo đánh giá của Bloomberg. Chỉ số Đổi mới Bloomberg là một chỉ số quốc tế uy tín đánh giá hiệu quả chính sách của Chính phủ và tác động của đổi mới với nền kinh tế. Sau những nỗ lực, bất ngờ bảng danh sách được công bố năm nay đã có tên Việt Nam. Đây là lần thứ 7 chỉ số này ra mắt xếp hạng hơn 200 nền kinh tế khác nhau dựa trên 7 chỉ số có trọng lượng tương đương gồm: Cường độ nghiên cứu và phát triển, sản xuất giá trị gia tăng, năng suất, hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả đại học - cao đẳng, tập trung nghiên cứu, hoạt động sáng chế.