Kỳ 2: Chống hàng giả, Tôn Phương Nam không ngại “ném chuột vỡ bình”

Trong cuộc chiến với tôn giả, khác với các doanh nghiệp khác, Tôn Phương Nam không sợ “ném chuột vỡ bình” mà luôn minh bạch, công khai.

Mắt thường không thể thấy

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Việt, Phó tổng giám đốc của Công ty Tôn Phương Nam thừa nhận: Trên thị trường xuất hiện hàng nhái, hàng giả sản phẩm của Tôn Phương Nam với các tên gọi như: SC Việt Nhật, SCC Việt Nhật, Tôn Việt Nhật, Tôn Nhật Việt, Tôn Nhật, Tôn Japan... Bên cạnh đó, một vài xưởng cán sóng tôn nhập sản phẩm tôn mạ màu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chủ yếu từ Trung Quốc sử dụng máy in phun giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam - SSSC Tôn Việt Nhật và cũng có một số đơn vị in giả thông tin, mạo nhận là nhà phân phối tôn mạ kẽm, tôn mạ màu của Tôn Phương Nam và chào giá thấp hơn giá Công ty bán cho các đại lý phân phối từ 10-20%.

 

Ông Lê Việt cho rằng bằng mắt thường khó có thể nhận biết hàng gian, hàng giả

 

Về hình thức, nếu quan sát bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được tấm tôn nào giả, tấm tôn nào thật. Thậm chí ngay cả với cơ quan chức năng nếu không có thiết bị chuyên dụng hỗ trợ, cũng khó có thể phân biệt được, đặc biệt là đối với mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu.

Hầu hết các loại tôn này đều bị gian lận về độ dày tấm tôn và dộ dày lớp mạ. Ông Việt ví dụ, độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Nếu tôn in độ dày 4 zem (0,4 mm) nhưng thực tế đo chỉ được 3 zem, có nghĩa cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bớt xén 25% độ dày, đánh lừa người tiêu dùng, thu lời bất chính. Độ dày lớp mạ cũng bị gian lận, lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất.

Cụ thể, loại tôn AZ 70, có nghĩa với mỗi mét vuông tôn, nhà sản xuất phải mạ đủ 70g hợp kim nhôm kẽm, song tôn kém chất lượng chỉ mạ khoảng 30 - 40g, ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của tôn. Còn tôn kém chất lượng là các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn,… không bảo đảm. Tôn phủ màu bảo đảm chất lượng có lớp sơn dày bình quân 15 micron (15 phần triệu m), tôn kém chất lượng luôn dưới 10 micron, dễ bong tróc sau một thời gian rất ngắn, nhanh phai màu, rỉ sét, tuổi thọ chưa bằng một nửa so với tôn đạt chất lượng.

Hệ thống phân phối là thành lũy, công nghệ hiện đại là vũ khí

 

Việc nâng cao công nghệ là cực kỳ quan trọng trong chống hàng giả

 

Không sợ “ném chuột vỡ bình”, Tôn Phương Nam cho rằng, cần phải minh bạch, công khai và không né thông tin cho cộng đồng biết được rằng: Tôn Phương Nam bị làm giả. Nhưng để định hướng người tiêu dùng không mua phải hàng giả, hàng gian, Tôn Phương Nam khuyến cáo khách hàng chỉ nên mua trực tiếp từ các nhà phân phối, đó là doanh nghiệp tư nhân Tuyết Hạnh, Công ty Thép Thành Đạt, Công ty Ngọc Dần, doanh nghiệp tư nhân Thịnh Ngọ...

Theo đại diện của Tôn Phương Nam, phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố chính là thành lũy bảo vệ giá trị thương hiệu của Tôn Phương Nam và là nơi đến của người tiêu dùng để họ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng có giá cả phù hợp.

 

Công khai, minh bạch mới giải quyết được nạn hàng giả

 

Không những vậy, để bảo vệ thương hiệu và giữ vững uy tín với khách hàng, Công ty đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong phân biệt tôn thật, tôn gian như: áp dụng công nghệ điện toán đám mây để theo dõi, kiểm soát từ quá trình nhập nguyên liệu đến các quá trình xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường, giúp người mua nhận biết hàng thật - hàng chính hãng của Tôn Phương Nam; sử dụng công nghệ in chìm chống giả, tạo ra rào cản, tạo sự khác biệt để các cơ sở sản xuất khó có thể làm nhái các sản phẩm của Công ty. Đây là loại tem được in bằng công nghệ UV với máy móc thiết bị do Bộ Công An quản lý từ khâu nhập khẩu đến vận hành. Với tính bảo mật cao, có thể phát sáng và hiện lên các lớp thông tin chìm của Công ty khi soi dưới đèn tia cực tím, được in trên chất liệu chống bóc nhằm ngăn chặn các nỗ lực tái sử dụng, vi phạm thương hiệu Tôn Phương Nam.

 

Bên cạnh việc tạo ra các rào cản pháp lý, pháp luật để bảo vệ thương hiệu, Tôn Phương Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan như: Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục sở hữu Trí tuệ, VCCI, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả.

Minh Thủy