Lai Châu, mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ nơi ven trời Tây Bắc. Núi non trùng điệp quấn quýt mây bay, những rừng cây rậm rạp hoang vu, những con suối vừa hiền hòa vừa dữ dội len lỏi giữa các khe đá bên khúc nhạc rừng bất tận. Cùng với đó là sắc màu của các tộc người thiểu số với nhiều phong tục lạ trong đời sống đã tạo nên một Lai Châu đầy bí ẩn và cuốn hút với những câu chuyện truyền thuyết lưu truyền xuyên suốt các thế hệ.
Mường Than
Không có những triền núi đầy ruộng như xứ Mù, thung lũng Mường Than vốn được xem là một trong bốn cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc trong câu nói “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” hút hồn người lữ khách bằng vẻ mênh mang của nắng và gió. Nắng chiều vàng nhuộm hết cả con đường và những mảnh ruộng nhỏ bé xung quanh. Nắng không gắt mà dịu nhẹ, không trắng mà lại vàng, vàng rộm như mật ong.
Cao nguyên Sìn Hồ
Trong làn sương mỏng, mảnh đất Sìn Hồ khiến bao du khách phải hoài vấn vương. Bất kỳ ai đến với Sìn Hồ đều cảm thấy như đang lạc vào trong thế giới hư hư thực thực, phong cảch thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa diễm lệ. Ẩn hiện trong những vầng mây là những mái nhà của đồng bào, đèo Làng Mô, Phăng Xô Lin… thấp thoáng bập bùng ánh lửa bình yên.
Bản Pú Đao
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Nậm Nhùn (trước đây thuộc Sìn Hồ) cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao khá phù hợp cho những ai đam mê khám phá những vùng đất mới.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
Đèo Ô Quy Hồ
Không cần bàn cãi về sự hùng vĩ của con đèo dài gần 50km này, Ô Quy Hồ xứng đáng với danh xưng “Đệ Nhất đèo Tây Bắc” do du khách đặt cho. Con đèo là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai với phần lớn địa phận nằm bên phía huyện Tam Đường, Lai Châu, phần còn lại nằm ở phía thị trấn Sa Pa mù sương của Lào Cai.
Ô Quy Hồ đẹp nhất lúc hoàng hôn và đêm trăng sáng. Đó là lúc khi đứng trên lưng chừng đỉnh đèo Ô Quy Hồ, trải tầm mắt ra thật xa phía chân trời, du khách sẽ thấy được sự bất tận bao la của đất trời Tây Bắc, phía dưới thấp thoáng những khoảng đồng lúa xanh xanh, những con đường mòn cong cong ôm lấy dáng núi đồi chạy về phía tận cùng ngưỡng mắt. Bên trên là những dòng sông mây trắng bồng bềnh thả mình trôi xuôi theo hướng gió nhè nhẹ, tất cả tạo nên một không gian rộng lớn tới vô cùng.
Kẻng Mỏ
Kẻng Mỏ là nơi có cột mốc biên giới số 17 – đánh dấu điểm đầu tiên của dòng sông Đà trên lãnh thổ Việt Nam. Từ đây, dòng nước len lỏi qua từng khe núi đá vôi, để hợp lưu với sông Hồng ở Phú Thọ mang bao phù sa, nguồn sống cho hàng triệu đồng bào các dân tộc dọc hai bên. Nơi khởi nguồn của dòng sông là đó, còn nơi tận cùng của Mường Tè là Thu Lũm với Hòn đá thiêng của người Hà Nhì. Hòn đá trắng bằng thạch anh tự nhiên trên ngọn núi đất nhỏ được người Hà Nhì xem là vật linh thiêng và thờ cúng hàng năm.
Cọn Guồng
Với vẻ đẹp đơn sơ, giản dị…những guồng nước ở bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu), đã trở thành điểm du lịch độc đáo của núi rừng Tây Bắc, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Với 35 cái Guồng nước san sát nhau,kéo dài hơn nửa cây số, mỗi Guồng có đường kính 6-8m, kẽo kẹt quay đều suốt ngày đêm như tổ hợp máy bơm khổng lồ chuyển nước lên ruộng tưới mát cho thung lũng Bản Bo. Quần cư ven suối Nậm Mu những bản người Thái đen thơ mộng đẹp như tranh vẽ…
Thác Tác Tình
Thác Tác Tình được bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn. Thác chảy bung bột trắng xóa, tạo thành một hồ nước khá lớn tràn ra phía thung lũng của huyện Tam Đường – Lai Châu, trở thành nơi cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho đồng bào dân tộc Dao. Nhìn từ xa, Thác Tác Tình Lai Châu tựa như một dải lụa trắng mềm mại từ đỉnh núi chảy thẳng xuống khiến bất kỳ ai cũng ấn tượng.
Sở dĩ thác này gọi là thác Tác Tình vì nó gắn liền với câu chuyện cảm động của đôi trai gái người dân tộc dao. Do không đến được với nhau nên đã gieo mình theo xuống dòng thác chảy xiết để giữ lời thề thủy chung. Về sau, dân làng gọi dòng thác này là thác Tác Tình để nói về tình yêu thủy chung của đôi trai gái người Dao.
Động Pusamcap
Là một quần thể gồm nhiều hang động nằm trên hệ thống núi Pu Sam Cap có độ cao từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển, trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố chừng 05 km bao gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm ôm lấy những thác nước hùng vĩ, những dòng suối trong mát, với số lượng động thực vật hết sức phong phú và các hang động liên hoàn với hệ thống nhũ đá và mạch nước ngầm đã trải qua hàng triệu năm kiến tạo. Pu Sam Cáp được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2012 và là điểm đến hấp dẫn của miền Tây Bắc.
Cao nguyên Dào San
Dào San nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… Ấn tượng của du khách về Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận, những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng những dòng suối róc rách chảy, những thửa ruộng bậc thang leo lên đỉnh núi…
Thời gian đi Lai Châu đẹp nhất thường là mùa xuân hoặc mùa thu, mùa hè thì khá nóng và mùa đông giá buốt. Vào mùa xuân hoa mận, đào nở rực khắp các bản làng và nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc cũng thường được tổ chức trong mùa này. Thu về cũng là lúc lúa mùa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang.