Chương trình này cũng giúp Lạng Sơn cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng và toàn diện, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 19/7/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh, Lạng Sơn có vị trí quan trọng trong kết nối các tỉnh của tiểu vùng Đông Bắc và là cửa ngõ quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc trong kết nối với Quảng Tây (Trung Quốc), là điểm trung chuyển, kết nối quan trọng của các địa phương trong vùng, có vai trò quan trọng trong kết nối các tỉnh thuộc tiểu vùng Đông Bắc, nhất là Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng là địa phương có cửa khẩu trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối vùng trung du và miền núi phía Bắc với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có 5 huyện có biên giới giáp với Trung Quốc, với hơn 231 km đường biên, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương Chi Ma và 7 cửa khẩu phụ; 2 lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Vị trí của tỉnh nằm trên tuyến đường bộ ngắn nhất, thuận tiện nhất từ biên giới trên bộ của Trung Quốc vào Thủ đô Hà Nội của Việt Nam (hơn 150 km).
Với ưu thế nổi trội về vị trí địa lý, cửa khẩu quốc tế và điều kiện giao thông đang và sẽ cải thiện mạnh mẽ, Lạng Sơn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN khác. Theo đó, Lạng Sơn có cơ hội mở rộng vùng đô thị, gia tăng tốc độ đô thị hóa, hướng tới mô hình “thành phố cửa khẩu”, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng và toàn diện để khai thác giá trị hàng hoá giao thương qua các cửa khẩu lớn nhất là Hữu Nghị và Tân Thanh
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị tỉnh Lạng Sơn phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có sắc thái kiến trúc đô thị riêng và môi trường, chất lượng sống tốt; có vị thế và tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chương trình sẽ đề xuất các giải pháp quy hoạch định hướng phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm khai thác tối đa tiềm năng khu vực, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ đó làm cơ sở pháp lý xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch và làm cơ sở xây dựng các quy hoạch chung, chương trình phát triển cho từng đô thị tiếp sau.
Phạm vi lập Chương trình bao gồm toàn bộ tỉnh Lạng Sơn, tổng diện tích tự nhiên là 8.310,18 km2, với 11 đơn vị hành chính gồm: 01 thành phố (Lạng Sơn) và 10 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan). Tổng chi phi dự kiến dành cho việc lập Chương trình khoảng 1,1 tỷ đồng.
UBND tỉnh xác định Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh, các quy hoạch ngành một cách hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, đẩy mạnh hoàn thành những nhiệm vụ, đột phá phát triển đã đề ra trong Quyết định số 236/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/3/2024 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.