Lợi ích xã hội và động lực của nhà sáng chế ở Việt Nam

NGUYỄN HỮU CẨN (Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ)

TÓM TẮT:

Sáng chế (SC) dưới dạng giải pháp kỹ thuật không chỉ được thừa nhận là công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn mang lại lợi ích xã hội lớn lao cho con người. Điều gì thúc đẩy động lực của nhà SC để tạo ra những SC có tính hữu ích là câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm giải đáp. Những nghiên cứu dựa trên học thuyết về tự quyết và học thuyết về xử lý thông tin có động lực đã gợi ý về sự tác động của nhân tố lợi ích xã hội tới động lực chung của nhà SC. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng, nhân tố lợi ích xã hội của SC có tác động thuận chiều tới động lực của nhà SC. Đồng thời, nghiên cứu này cũng xác định cụ thể các thuộc tính của lợi ích xã hội của SC và động lực của nhà SC trong bối cảnh ở Việt Nam.

Từ khóa: Sáng chế, lợi ích xã hội, động lực, nhà sáng chế.

1. Giới thiệu

Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng SC có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế thông qua việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, riêng năm 2010, SC đã tạo ra 763 tỷ USD, chiếm 5,3% GDP và hơn 7 triệu việc làm; ở châu Âu, trong giai đoạn 2008-2010 SC đã tạo ra 1,7 nghìn tỷ Euro, chiếm 14% GDP và 22,4 triệu việc làm (Doms và cộng sự, 2012; Wajsman và cộng sự, 2013). Không những thế, lợi ích xã hội nhiều mặt do SC mang lại cho con người vô cùng to lớn. Một số nghiên cứu trước đây đã phần nào giải đáp lý do nhà SC không chỉ tạo ra những SC có tính mới, mà còn có tính hữu ích, và điều gì thúc đẩy động lực của nhà SC. Mặc dù vậy, dường như những nghiên cứu về bản thân nhà SC và hoạt động sáng tạo của họ còn khá ít ỏi (Henderson, 2004a; Henderson, 2004b; Vnnen, 2010). Việc lượng hóa mối quan hệ trực tiếp giữa các nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động SC và động lực sáng tạo chung của nhà SC dường như chưa hoàn toàn sáng tỏ. Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ SC được bảo hộ của người Việt Nam rất thấp so với SC của người nước ngoài, chỉ chiếm khoảng 9,6% trong giai đoạn 2005-2013 theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) (2016), nhưng có nhiều tấm gương nhà SC vẫn nỗ lực sáng tạo ra những SC có mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho xã hội, không phụ thuộc vào việc những SC đó có mang lại uy tín, danh tiếng hay thu nhập cho nhà SC hay không. Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là lợi ích xã hội của SC có phải là một nhân tố thúc đẩy động lực của nhà SC hay không, nhất là trong bối cảnh vấn đề động lực của nhà SC còn khá mới mẻ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn ở Việt Nam. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là phân tích mối quan hệ trực tiếp giữa lợi ích xã hội của SC với động lực của nhà SC ở Việt Nam, từ đó gợi ý một số chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy hơn nữa động lực của nhà SC trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế. Nghiên cứu này cũng nhằm kiểm định sự phù hợp của các kết quả nghiên cứu trước đây ở nước ngoài với bối cảnh ở Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu

Kể từ khi Joseph Rossman (Hoa Kỳ) nghiên cứu về tâm lý học nhà SC vào năm 1931, các học giả tiếp tục tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi lý do nào thúc đẩy động lực của nhà SC theo các cách tiếp cận khác nhau: từ góc độ nhân tố thuộc về hoạt động SC; nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động SC; và nhân tố thuộc về môi trường cho hoạt động SC (như hiệu lực bảo hộ độc quyền SC...). Một số nhà nghiên cứu như Machlup (1962), No (2013), Thomas và cộng sự (2009), Owan và Nagaoka (2011), Karin (2009) cho rằng, động lực của nhà SC không chỉ chịu tác động của các nhân tố thuộc về hoạt động SC mà còn chịu tác động của các nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động này. Machlup (1962), Thomas và cộng sự (2009) cho rằng mong muốn phục vụ xã hội là lý do của hoạt động SC. Nhà SC sẽ nỗ lực sáng tạo nếu cảm thấy rằng việc đó đóng góp cho sự tiến bộ xã hội và mang lại hạnh phúc cho con người. Các nghiên cứu sau đó của Owan và Nagaoka (2011), No (2013) làm rõ hơn các nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động SC thúc đẩy động lực của nhà SC: uy tín, danh tiếng nhờ SC; sự ràng buộc với SC; cơ hội tăng thu nhập, đầu tư từ SC. Theo Gambardella và cộng sự (2012a), sự đóng góp cho công việc của nhóm nghiên cứu và sự đóng góp cho xã hội là lý do quan trọng để nhà SC tạo ra SC. Mặc dù chưa kiểm định được mối quan hệ giữa lợi ích xã hội của SC với sự sáng tạo, No (2013) nhận định rằng nhà SC có động cơ ràng buộc với tổ chức thường “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác” (là tổ chức, khách hàng hoặc nhà cung cấp của tổ chức), do đó có khả năng sáng tạo ra nhiều ý tưởng hữu ích hơn. Nghiên cứu của Grant và Berry (2011) còn cho rằng, trong môi trường tổ chức, lợi ích xã hội của SC được tạo ra nhờ cơ chế “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác” là nhân tố quan trọng điều tiết mối quan hệ giữa động lực và sự sáng tạo của nhà SC. Giúp đỡ người khác trong khuôn khổ tổ chức là mục tiêu căn bản của nhà SC làm việc trong tổ chức. Mặc dù nhà SC thường không thể tự mình đưa SC ra thị trường (Thomas và cộng sự, 2009), lợi ích xã hội của SC giúp họ hình thành nên những chuẩn mực để xác định và lựa chọn ý tưởng hữu ích và sàng lọc, loại bỏ những ý tưởng không thực sự hữu ích.

Các nghiên cứu với cách tiếp cận từ góc độ nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động SC, cụ thể là lợi ích xã hội của SC, được thực hiện trong bối cảnh các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Mặc dù đã chỉ ra những nhân tố liên quan tới thành quả của hoạt động SC có tác động tới sự sáng tạo của nhà SC hay tạo ra động lực của nhà SC, dường như những nghiên cứu này chưa kiểm định được mối quan hệ trực tiếp giữa lợi ích xã hội của SC và động lực của nhà SC, nhất là trong bối cảnh nước đang phát triển. Nghiên cứu này góp phần khỏa lấp khoảng trống nêu trên trong bối cảnh Việt Nam.

2.2. Cơ sở lý thuyết

2.2.1. Sáng chế và nhà sáng chế

Những giải pháp mới dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết vấn đề kỹ thuật hoặc công nghệ, có khả năng được bảo hộ độc quyền, thường được xác định là các SC (Rossman, 1931; Freeman và Soete, 1997; Henderson, 2004b; Machlup, 1962). Trong nghiên cứu này, khái niệm SC chỉ giới hạn ở những giải pháp kỹ thuật có khả năng được bảo hộ độc quyền. SC chính là thành quả của hoạt động SC, một quá trình nỗ lực lao động trí tuệ có động lực của con người nhằm giải quyết những vấn đề kỹ thuật nhất định (Vnnen, 2010; Henderson (2004b). SC có hai đặc tính cơ bản: tính mới (novel) và tính hữu ích (useful) (Rossman, 1931; Henderson, 2004b; Dreu và cộng sự, 2000; Kuznets, 1962).

Theo Rossman (1931), MacKinnon (1962) và Henderson (2002), Thomas và cộng sự (2009), nhà SC (inventor) là người trực tiếp tạo ra SC có khả năng được bảo hộ độc quyền bằng lao động trí tuệ của mình. Nhà SC có thể hoạt động SC một cách độc lập (nhà SC độc lập) hoặc làm việc cho tổ chức.

2.2.2. Lợi ích xã hội của sáng chế

Học thuyết về tự quyết (Self-Determination Theory - SDT) của Richard M. Ryan và Edward L. Deci và học thuyết về xử lý thông tin có động lực (Motivated Information Processing Theory - MIPT) được đề cập tới trong các nghiên cứu của nhiều học giả như Grant và Berry (2011), Kunda (1990), Nickerson (1998), Mohrman và cộng sự (2001), Dreu và cộng sự (2000) có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong việc luận giải vì sao tính mới và tính hữu ích của SC là hai thuộc tính không thể tách rời và lý do nhà SC quan tâm tới lợi ích xã hội của SC. Theo hai học thuyết này, “lợi ích xã hội của SC” được hiểu là những lợi ích hoặc tính hữu ích mà SC mang lại cho “xã hội” (không chỉ giới hạn ở người quản lý hoặc đồng nghiệp thuộc tổ chức mà nhà SC làm việc, nhà cung cấp hoặc khách hàng của tổ chức, mà còn bao gồm người tiêu dùng, hoặc cộng đồng sử dụng sản phẩm của nhà SC).

SC được Nhà nước bảo hộ độc quyền thường phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Học thuyết về tự quyết của Ryan và Deci (2000a, 70) cho rằng việc tìm kiếm tính mới và những thách thức, nhằm mở rộng và khai thác năng lực bản thân, nhằm khám phá và học hỏi là một khuynh hướng tự thân của con người. Nhu cầu về tính mới cũng được coi là một nhu cầu tâm lý cơ bản của con người (González-Cutre và cộng sự, 2016). SDT cũng gợi ý rằng lợi ích xã hội của SC có vai trò quan trọng đối với sự kiên trì, kết quả và hiệu suất sáng tạo của nhà SC (Grant, 2008), góp phần luận giải lý do nhà SC nỗ lực sáng tạo ra các SC không chỉ mới mà còn hữu ích cho xã hội. Theo Grant và Berry (2011), ý tưởng sáng tạo chỉ thực sự trở nên hữu ích khi nhằm giải quyết những vấn đề của người khác ở trong và ngoài tổ chức. Bổ sung cho SDT, MIPT gợi ý rằng quá trình sáng tạo của nhà SC là một quá trình tâm lý chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin có định hướng dựa trên mối quan tâm tới lợi ích xã hội. Đây cũng là một quá trình nhận thức, trong đó các cá nhân chấp nhận quan điểm của người khác để cố gắng hiểu được mối quan tâm, sở thích, giá trị và nhu cầu của người khác (Parker và Axtell, 2001). Nhà SC luôn đặt mình vào quan điểm của người khác (others perspective taking) để đánh giá nhu cầu giải quyết vấn đề kỹ thuật, chú ý, giải mã và lưu giữ thông tin một cách có chọn lọc phù hợp với những mong muốn của mình (Kunda, 1990; Nickerson, 1998), từ đó càng có nhiều khả năng phát triển những ý tưởng hữu ích cho xã hội (Mohrman và cộng sự, 2001). Trong nghiên cứu này, MIPT cũng được đặt trong bối cảnh mới: bối cảnh hoạt động SC độc lập hoặc thuộc tổ chức, mối quan tâm của nhà SC không nhất thiết chỉ dành cho tổ chức mà quan trọng hơn là dành cho lợi ích của cộng đồng ngoài tổ chức. Như vậy, theo các học thuyết này, lợi ích xã hội của SC là nhân tố có tác động tới động lực của nhà SC.

2.2.3. Động lực của nhà sáng chế

Theo SDT, người có động lực để làm một việc nào đó không chỉ bởi vì làm việc đó hấp dẫn, mà bởi chính kết quả hay hậu quả nhận được khi làm việc đó (Ryan và Deci, 2000b; Gagne và Deci, 2005). Đối với những cá nhân có động lực được tạo ra từ lợi ích xã hội, sự nỗ lực hành động sẽ dựa trên sự mong muốn hành động mang lại lợi ích cho người khác (Ryan và Connell, 1989). Nhiều nhà nghiên cứu động lực sáng tạo và SC như Mohrman và cộng sự (2001), Grant và Berry (2011), Owan và Nagaoka (2011), No (2013) định nghĩa động lực sáng tạo là mong muốn dẫn tới nỗ lực (the desire to expend effort) nhằm đạt mục tiêu nhờ tính hấp dẫn của hoạt động sáng tạo và/hoặc những thứ liên quan tới thành quả của hoạt động sáng tạo. Thành quả của hoạt động sáng tạo có thể hàm chứa mối quan tâm nhằm giúp đỡ hoặc hỗ trợ người khác mà không nhằm mục đích tư lợi (Grant, 2007; Grant và Sumanth, 2009; Grant và Berry, 2011). Nếu như động lực được tạo ra từ chính hoạt động sáng tạo mang lại tác động tích cực và sự linh hoạt trong nhận thức nhằm sáng tạo ra những ý tưởng mới, thì động lực được tạo ra từ lợi ích xã hội đặt ra mục tiêu tập trung vào những ý tưởng hữu ích cho người khác (Grant và Berry, 2011). Trong nghiên cứu này, động lực của nhà SC được hiểu là động lực chung, được tạo ra và duy trì bởi cả lý do thuộc về hoạt động sáng tạo và liên quan tới thành quả của hoạt động sáng tạo, được biểu hiện bằng nỗ lực của nhà SC nhằm giải quyết vấn đề kỹ thuật đang tồn tại.

2.3. Mô hình nghiên cứu

Kết quả tổng quan nghiên cứu, học thuyết SDT và MIPT đã gợi ý rằng động lực của nhà SC Việt Nam có thể chịu tác động trực tiếp bởi lợi ích xã hội của SC. Do SC là thành quả của quá trình hoạt động sáng tạo và có mục đích mang lại lợi ích cho xã hội nhờ khả năng giải quyết vấn đề kỹ thuật nhất định nên lợi ích xã hội của SC là một lý do thôi thúc nhà SC nỗ lực sáng tạo. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, giả thuyết nghiên cứu (H) được tác giả đề xuất là: Lợi ích xã hội của SC có tác động thuận chiều tới động lực của nhà SC. Giả thuyết này được thể hiện bằng mô hình hồi quy tuyến tính như sau: DL = β0 + β1.XH + U, trong đó: DL (biến phụ thuộc) là động lực của nhà SC; XH (biến độc lập) là lợi ích xã hội của SC; β0 là hệ số chặn; β1 là tham số hồi quy (hệ số hồi quy riêng); U là sai số ngẫu nhiên (yếu tố nhiễu).

2.4. Phương pháp nghiên cứu

2.4.1. Nghiên cứu định tính

Trong nghiên cứu này, phương pháp định tính được thực hiện là phỏng vấn sâu dựa trên các lưới câu hỏi được thiết kế nhằm thăm dò, khám phá trải nghiệm về sự tác động của lợi ích xã hội của SC tới động lực của nhà SC, qua đó xác định các biến số trong mô hình và bổ trợ việc luận giải kết quả định lượng. Đối tượng phỏng vấn sâu gồm có 5 nhà SC danh tiếng, ngoài ra có 1 nhà quản lý và 1 người đại diện sở hữu công nghiệp chuyên về SC. Các dữ liệu định tính được sắp xếp theo cây vấn đề, mã hóa, tạo thành ma trận phân tích đa nhân tố.

2.4.2. Nghiên cứu định lượng

Trong nghiên cứu này, mối quan hệ giữa lợi ích xã hội của SC và động lực của nhà SC được lượng hóa bằng mô hình hồi quy tuyến tính và mô hình này được kiểm định bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS). Thang đo các khái niệm trong mô hình nghiên cứu (XH và DL) là những thang đo gốc được nêu trong các nghiên cứu trước đây của một số tác giả, trong đó thang đo biến DL được phát triển bằng cách bổ sung một số chỉ báo thích hợp dựa trên tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phân tích định tính. Các thang đo được kiểm tra và sàng lọc bởi 3 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực SC nhằm đánh giá tính đầy đủ của các thang đo; sự phù hợp của các chỉ báo; sự rõ ràng, dễ hiểu của các câu hỏi; sự thuận tiện, thoải mái khi trả lời. Thang đo biến XH là các câu hỏi về trải nghiệm của nhà SC về lợi ích xã hội do SC mang lại, được thể hiện ở các chỉ báo: Muốn làm điều tốt đẹp với người khác thông qua SC; muốn giúp đỡ người khác thông qua SC; quan tâm tới việc mang lại lợi ích cho người khác thông qua SC; muốn tác động tích cực tới người khác nhờ có SC. Thang đo này được sử dụng trong nghiên cứu của tác giả Grant (2008), Grant và Sumanth (2009), Grant và Berry (2011), No (2013), có điều chỉnh từ ngữ cho phù hợp với bối cảnh hoạt động SC. Còn thang đo biến DL là các câu hỏi về trải nghiệm của nhà SC về mức độ nỗ lực biểu hiện cho động lực sáng tạo của mình, được thể hiện ở các chỉ báo: nhìn chung là cố gắng hết sức để thực hiện tốt việc SC; nhìn chung là dành nhiều sức lực cho việc SC; nhìn chung, thực hiện tốt việc SC theo nhiệm vụ được giao là điều quan trọng đối với bản thân. Thang đo này được phát triển bởi Ryan (2016), được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu về động lực có áp dụng học thuyết SDT. Dựa trên tổng quan nghiên cứu và kết quả định tính, thang đo được bổ sung 2 chỉ báo: nhìn chung là ưu tiên thời gian cho việc SC; nhìn chung là chấp nhận mọi rủi ro để tạo ra SC. Mỗi chỉ báo được nhà SC đánh giá theo thang Likert từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (hoàn toàn đồng ý). Các thang đo biến số được thể hiện tại Bảng 1.

Phiếu khảo sát được xây dựng dựa trên các thang đo biến số. Đối tượng khảo sát là các nhà SC (tác giả SC) người Việt Nam, được cấp bằng độc quyền SC tại Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. 257 tác giả SC ở Việt Nam có tên được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu SC được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ được gửi phiếu khảo sát, tổng số phiếu có phản hồi: 186 phiếu (tỷ lệ phản hồi: 72,4%), trong đó có 6 phiếu thiếu nhiều thông tin và bị loại. Dữ liệu được xử lý và làm sạch gồm có 180 quan sát, đủ để tiến hành phân tích định lượng (Hair et al., 1998). Trên cơ sở dữ liệu này, với sự trợ giúp của phần mềm SPSS 20, các thang đo được đánh giá về độ tin cậy (Cronbach's bank) nhằm kiểm tra mức độ giải thích cho biến tương ứng trước khi thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính nhằm lượng hóa mối quan hệ trong mô hình nghiên cứu.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Phân tích định tính

3.1.1. Lợi ích xã hội của sáng chế

Nhìn chung, theo trải nghiệm của các nhà SC được phỏng vấn, lợi ích xã hội của SC là điều mà bản thân các nhà SC thường quan tâm tới và được coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy động lực SC. Động lực của nhà SC không chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích mà SC mang lại cho tổ chức mà nhà SC làm việc (hợp lý hóa sản xuất, gia tăng lợi nhuận, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, gia tăng giá trị cho tổ chức), mà còn bởi lợi ích mà SC mang lại cho cộng đồng, khiến cho nhà SC nung nấu và mong muốn cống hiến. Một số nhà SC cho rằng, lợi ích xã hội của SC còn được thể hiện ở chỗ SC có khả năng làm điều tốt đẹp với người khác. Theo nhiều nhà SC, muốn giúp đỡ người khác thông qua SC, muốn tác động tích cực tới người khác nhờ có SC cũng phản ánh lợi ích xã hội của SC và là lý do thúc đẩy động lực của nhà SC. Đối với một số nhà SC, việc tạo ra SC mang lại lợi ích xã hội, thậm chí trở thành trách nhiệm lớn lao với tổ chức, với xã hội và với đất nước.

3.1.2. Động lực của nhà sáng chế

Các nhà SC được phỏng vấn đều cho rằng động lực sáng tạo của mình được thể hiện bởi nỗ lực và những nỗ lực đó dường như không chỉ xuất phát từ việc phải tạo ra SC theo nhiệm vụ được tổ chức giao, mà quan trọng là hầu hết nhà SC cố gắng hết sức và dành nhiều sức lực cho hoạt động SC một cách tự nguyện. Thậm chí để tạo ra SC, nhiều nhà SC luôn trăn trở, tận tâm, ưu tiên thời gian cho SC, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận mọi rủi ro để tạo ra bằng được SC. Những kết quả phân tích định tính nêu trên là gợi ý tốt cho việc xây dựng các thang đo và phiếu khảo sát, cũng như luận giải cho kết quả phân tích định lượng.

3.2. Phân tích định lượng

Trong mô hình nghiên cứu, độ tin cậy của tất cả thang đo các khái niệm XH và DL đều có hệ số Cronbach's α >0,7 và hệ số tương quan biến tổng >0,3 (Bảng 2), do đó các chỉ báo phản ánh tốt các khái niệm tương ứng cần đo (Nunnally & Bernstein, 1994; Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).

Sau khi đánh giá độ tin cậy của các thang đo, tiến hành tính toán giá trị của nhân tố đại diện cho hai bộ biến số XH và DL. Đối với mỗi quan sát, giá trị XH=mean(XH1,XH2,XH3,XH4); giá trị DL=mean(DL1,DL2, DL3,DL4,DL5). Sau đó, tiến hành phân tích hồi quy tuyến tính để lượng hóa mối quan hệ giữa hai biến số XH và DL trong mô hình nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy mô hình có R=0,611, R2=0,373 và SEE= 0,411 (Bảng 3), nghĩa là mối quan hệ giữa XH và DL tương đối chặt chẽ; 37,3% sự thay đổi của DL được giải thích bởi mô hình trong mối quan hệ với XH; mức chênh lệch bình quân giữa giá trị lý thuyết và thực tế khá nhỏ.

Kết quả ước lượng các hệ số hồi quy cho biết β0 = 2,010 và β1 = 0,526 > 0, do đó mô hình nghiên cứu có dạng: DL = 2,01 + 0,526.XH + U. Như vậy, với mẫu đã khảo sát, cứ 1 đơn vị tăng thêm của XH sẽ làm DL tăng thêm trung bình khoảng 0,526 đơn vị, do đó giả thuyết H được ủng hộ: lợi ích xã hội của SC có tác động thuận chiều tới động lực của nhà SC.

Từ kết quả ước lượng mô hình đối với mẫu đã khảo sát có thể suy ra tổng thể chung. Khi tiến hành kiểm định hệ số hồi quy 1, kết quả phân tích cho biết giá trị t = 9,712 với Sig.= 0,000 < 0,05 ở khoảng tin cậy 95% nên có cơ sở để khẳng định sự tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa XH và DL với mẫu đã khảo sát là có ý nghĩa thống kê.

Như vậy, với mẫu đã khảo sát, ở khoảng tin cậy 95%, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho biết tác động thuận chiều của lợi ích xã hội của SC tới động lực sáng tạo của nhà SC có ý nghĩa thống kê, giả thuyết nghiên cứu H được ủng hộ.

4. Gợi ý chính sách

Trên cơ sở hai học thuyết SDT và MIPT, việc phân tích và kiểm định mô hình nghiên cứu cho kết quả ủng hộ giả thuyết lợi ích xã hội của SC có tác động thuận chiều tới động lực sáng tạo của nhà SC, tương tự với kết quả nghiên cứu của tác giả như Machlup (1962), Thomas và cộng sự (2009), Gambardella và cộng sự (2012a).

Học thuyết SDT gợi ý rằng nhân tố mang tính bối cảnh xã hội là nhân tố cơ bản khiến con người duy trì động lực và làm cho con người trở nên được tự quyết hơn khi xuất hiện kết quả của hành động. Sự phản hồi của cộng đồng là một trong những lý do chính khiến cho con người sẵn sàng hành động. Đối với các nhà SC ở Việt Nam, dù là nhà SC độc lập hay nhà SC làm việc cho tổ chức, dù SC là công việc thường xuyên hay được giao theo nhiệm vụ, lợi ích xã hội mà SC mang lại là mối quan tâm lớn nhất của họ. Nếu việc giải quyết vấn đề kỹ thuật bằng SC gắn với lợi ích thiết thực mà SC mang lại cho đối tượng thụ hưởng trong xã hội thì nhà SC sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp kỹ thuật không chỉ mới mà còn hữu ích cho cộng đồng. Theo tác giả, việc gắn kết hoạt động SC với lợi ích xã hội của SC một cách tự nhiên, “bản năng” và coi lợi ích xã hội mà SC mang lại không chỉ là điểm khởi đầu mà còn là mục tiêu cần nỗ lực theo đuổi là một quá trình và để quá trình đó trở thành tố chất thì nhà SC cần được kinh qua môi trường giáo dục và rèn luyện trong thời gian dài. Vì thế, ngoài chính sách coi trọng giáo dục năng lực sáng tạo, ưu tiên đầu tư cho những nhiệm vụ có tác động kinh tế - xã hội lớn không thu hút đầu tư tư nhân, Nhà nước cần có cải tiến trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với các chuyên ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên, theo hướng chú trọng hình thành nhân cách luôn biết quan tâm tới lợi ích cộng đồng khi cần giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Hoạt động thực hành trong đào tạo cũng cần chú trọng thích đáng cho sự trải nghiệm vấn đề kỹ thuật mang tính xã hội, nhất là trong môi trường doanh nghiệp, để gây dựng đội ngũ nhà SC trẻ ngay từ bậc đại học. Các diễn đàn dành cho nhà SC cần được tổ chức thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho nhà SC tiếp cận những phản hồi của cộng đồng về các vấn đề kỹ thuật và thêm nhiều cơ hội tương tác với khách hàng hay người tiêu dùng của công nghệ.

5. Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Nghiên cứu được thực hiện với phạm vi chỉ là đánh giá tác động trực tiếp của lợi ích xã hội của SC tới động lực của nhà SC. Tuy nhiên, động lực của nhà SC còn có thể chịu ảnh hưởng của các nhân tố liên quan tới chính hoạt động SC và môi trường cho hoạt động SC (như hiệu lực bảo hộ độc quyền SC, trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật). Vì vậy, những nghiên cứu tiếp theo có thể khắc phục hạn chế này bằng cách xem xét thêm mối quan hệ trực tiếp của các nhân tố thuộc về hoạt động SC, môi trường cho hoạt động SC tới động lực của nhà SC. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tổng hợp tác động của tất cả các nhóm nhân tố nói trên tới động lực của nhà SC cũng sẽ đóng góp nhiều ý nghĩa về lý luận, thực tiễn và hàm ý chính sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Sở hữu trí tuệ (2016), Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ 2015, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

2. Doms Mark, Brittany Bond, Jocelyn Burston, David Langdon, Fenwick Yu, Stuart Graham và Galen Hancock (2012), Intellectual Property and the U.S. Economy: Industries in Focus, Economics and Statistics Administration United States Patent and Trademark Office.

3. Dreu Carsten K. W. De, Laurie R. Weingart và Seungwoo Kwon (2000), Influence of Social Motives on Integrative Negotiation: a Meta-Analytic Review and Test of Two Theories, Tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, Số 78(5), tr. 889.

4. Gagne Marylene và Edward L. Deci (2005), Self-Determination Theory and Work Motivation, Tạp chí Journal of Organiɀational Behavior, Số 26(331 - 362).

5. Gambardella Alfonso, Paola Giuri và Myriam Mariani (2012a), Final Report of PatVal-EU II Survey Methods and Results, DG Science and Technology, European Commission, 217299 (Deliverable 2.5).

6. Gambardella Alfonso, Myriam Mariani, Paola Giuri và Salvatore Torrisi (2012b), Innovative S&T Indicators Combining Patent Data and Surveys: Empirical Models and Policy Analyses, Research & Innovation European Commission, INNOS&T 217299, CORDIS.

7. Gonɀáleɀ-Cutre David, Álvaro Sicilia, Ana C. Sierra, Roberto Ferriɀ và Martin S. Hagger (2016), Understanding the Need for Novelty from the Perspective of Self-Determination Theory, Tạp chí Personality and Individual Differences, Số 102, tr. 159 - 169.

8. Grant Adam M. (2007), Relational Job Design and the Motivation to Make a Prosocial Difference, Tạp chí Academy of Management Review, Số 32(2), tr. 393 - 417.

9. Grant Adam M. (2008), Does Intrinsic Motivation Fuel the Prosocial Fire? Motivational Synergy in Predicting Persistence, Performance, and Productivity, Tạp chí Journal of Applied Psychology, Số 93(1), tr. 48 - 58.

10.Grant Adam M. và John J. Sumanth (2009), Mission Possible? The Performance of Prosocially Motivated Employees Depends on Manager Trustworthiness, Tạp chí Journal of Applied Psychology, Số 94(4), tr. 927.

11. Grant Adam M. và James W. Berry (2011), The Necessity of Others is the Mother of Invention: Intrinsic and Prosocial Motivations, Perspective Taking, and Creativity, Tạp chí Academy of Management Journal, Số 54(No. 1), tr. 73 - 96.

12. Hair Joseph F., William C. Black, Barry J. Babin, Rolph E. Anderson và Ronald L. Tatham (1998), Multivariate Data Analysis, Nhà xuất bản Prentice Hall Upper Saddle River, NJ.

13. Henderson Sheila J. (2004a), Creativity: From Potential to Realization, Nhà xuất bản APA Books, American Psychological Association, Washington, DC.

14. Henderson Sheila J. (2004b), Product Inventors and Creativity: The Finer Dimensions of Enjoyment, Tạp chí Creativity Research Journal, Số 16(2 - 3), tr. 293 - 312.

15. Karin Hoisl (2009), Does Mobility Increase the Productivity of Inventors?, Tạp chí The Journal of Technology Transfer, Số 34(2), tr. 212 - 225.

16. Kunda Ziva (1990), The Case for Motivated Reasoning, Tạp chí Psychological bulletin, Số 108(3), tr. 480.

17. Machlup Fritɀ (1962), 'The Supply of Inventors and Inventions', Trong The Rate and Direction of Inventive Activity: Economic and Social Factors, Nhà xuất bản Princeton University Press, trang 143 - 170.

18. Mohrman Susan Albers, Cristina B. Gibson và Allan M. Mohrman (2001), Doing Research That is Useful to Practice a Model and Empirical Exploration, Tạp chí Academy of Management Journal, Số 44(2), tr. 357 - 375.

19. Nickerson Raymond S. (1998), Confirmation Bias: A Ubiquitous Phenomenon in Many Guises, Tạp chí Review of general psychology, Số 2(2), tr. 175.

20. No Yeonji (2013), 'Inventor Motives, Collaboration and Creativity', PhD, Đại học Georgia Institute of Technology.

21. Owan Hideo và Sadao Nagaoka (2011), Intrinsic and Extrinsic Motivations of Inventors, Tạp chí RIETI Discussion Paper Series, The Research Institute of Economy, Trade and Industry, Số 11-E - 022.

22. Parker Sharon K. và Carolyn M. Axtell (2001), Seeing Another Viewpoint: Antecedents and Outcomes of Employee Perspective Taking, Tạp chí Academy of Management Journal, Số 44(6), tr. 1085 - 1100.

23. Rossman Joseph (1931), The Psychology of the Inventor: A Study of the Patentee, Nhà xuất bản The Inventors Publishing Co., Washington, DC.

24. Ryan Richard M. và James P. Connell (1989), Perceived Locus of Causality and Internalization: Examining Reasons for Acting in Two Domains, Tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, Số 57(5), tr. 749.

25. Ryan Richard M. và Edward L. Deci (2000a), Self-Determination Theory and the Facilitation of Intrinsic Motivation, Social Development, and Well-being, Tạp chí American psychologist, Số 55(1), tr. 68.

26. Ryan Richard M. và Edward L. Deci (2000b), Intrinsic and Extrinsic Motivations: Classic Definitions and New Directions, Tạp chí Contemporary Educational Psychology, Số 25, tr. 54 - 67.

27. Thomas Brychan, Lynne Gornall, Gary Packham và Christopher Miller (2009), The Individual Inventor and the Implications for Innovation and Entrepreneurship, Tạp chí Industry & Higher Education, Số 23(5), tr. 391- 404.

28. Väänänen Lotta (2010), 'Human Capital and Incentives in the Creation of Inventions: A Study of Finnish Inventors', PhD, Đại học Helsinki School of Economics.

29. Wajsman Nathan, Michal Kaɀimiercɀak, Carolina Arias Burgos, Antanina Garanasvili, Nikolaus Thumm, George Laɀaridis, Fabio Domanico, Geert Boedt và Andrei Mihailescu (2013), Intellectual Property Rights Intensive Industries: Contribution to Economic Performance and Employment in the European Union, European Patent Office and Office for Harmoniɀation in the Internal Market.

PROSOCIALITY AND MOTIVATION OF INVENTORS IN VIETNAM

● NGUYEN HUU CAN

Vietnam Intellectual Property Research Institute,

Ministry of Science and Technology

ABSTRACT:

Inventions in the form of technical solutions have not only been recognized as a tool for economic growth but also for significant social benefit in human life. The reasons for encouraging inventors motivation to invent useful inventions have been attracted researchers attention. Researches based on the Self-Determination Theory and Motivated Information Processing Theory have suggested the affection of inventions prosociality factor to motivation of inventors. The analysis results of this research confirm that the inventions prosociality positively associates with inventors motivation. Simultaneously, this research also identifies items indicating the inventions prosociality and inventors motivation in the context of Vietnam.

Keywords: Invention, prosociality,motivation, inventor.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây