Theo điều khoản trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm; xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế từ năm thứ 11.
Mặc dù trước đó hai nước đã có những thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, tuy nhiên việc thực thi Hiệp định CPTPP là động lực lớn giúp nông thủy sản của Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sag thị trường Nhật Bản. Bởi đây là lần đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm như: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, gạo, cà phê, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến… Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận và ưa chuộng.
Tận dụng tốt những lợi thế này, các mặt hàng nông sản Việt Nam đã gia tăng hiện diện tại thị trường Nhật Bản, trong đó mặt hàng gạo là một điển hình.
Tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long lần đầu tiên xuất khẩu thành công dòng gạo ST25 AAN sang thị trường Nhật Bản với chuyến hàng thử nghiệm là 5 container (khoảng 100 tấn). Đây cũng là thương hiệu gạo Việt đầu tiên xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.
Để chuẩn bị cho cơ hội thâm nhập thị trường Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long đã đưa thị trường này vào kế hoạch xuất khẩu từ trước đó 1 năm khi lần đầu tiên cho ra mắt gạo ST25 AAN tại thị trường trong nước.
Ở bước đi đầu tiên thâm nhập thị trường Nhật Bản bằng thương hiệu của mình, Tân Long không đặt mục tiêu về số lượng mà muốn tiếp cận các đối tượng khách hàng cụ thể và lựa chọn đối tác thương mại phân phối bán lẻ có uy tín. Sau khi có những kết nối và làm việc thì sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A AN chính thức được nhập khẩu bởi Công ty Suntomi International và sau đó được Công ty TNHH Spice House phân phối trong các siêu thị và cửa hàng.
Từ phía đối tác, trước khi tiếp xúc với Tân Long, Công ty TNHH Spice House đã biết đến gạo ST25 từng đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” vào năm 2019 và được nhiều người tin dùng. Vì vậy, Spice House đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi và công ty nhập khẩu để đưa sản phẩm này tới người tiêu dùng Nhật Bản.
Sản phẩm nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản. Thậm chí, gạo ST25 AAN đã được lựa chọn sử dụng làm nguyên liệu chính trong món cơm chiên phục vụ các cán bộ tại Văn phòng Chính phủ Nhật Bản. Uy tín về chất lượng sản phẩm và sự quan tâm của thị trường đã trở thành tiền đề vững chắc giúp Tân Long nỗ lực duy trì và cải tiến quy trình sản xuất, quyết tâm kiểm soát chất lượng, liên kết với bà con nông dân để thực hiện canh tác bền vững để có chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản và các thị trường khó tính khác.
Sau thành công ban đầu, Tập đoàn Tân Long cũng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Kiraboshi nhằm phát triển mối quan hệ sâu sắc với đối tác quốc tế để mở rộng mối liên kết với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, phân phối khác tại Nhật Bản; mở ra triển vọng đưa thêm nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam do Tập đoàn phát triển vào thị trường này.
Ngày 9/10/2024 vừa qua, Tập đoàn Tân Long phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi của Nhật Bản tổ chức “Sự kiện ra mắt sản phẩm gạo thương hiệu Việt Nam thứ hai tại thị trường Nhật Bản", chính thức mở bán sản phẩm gạo Japonica-AAN tại thị trường này với sản lượng năm nay dự báo khoảng gần 6.000 tấn.
Theo TTXVN, phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: Năm 2022, sản phẩm ST25 thương hiệu AAN được bày bán tại siêu thị Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi tham gia xuất khẩu gạo từ năm 1989, một sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chinh phục thành công một trong những thị trường tiêu dùng khó nhất thế giới. Việc ra mắt dòng sản phẩm thứ hai, sản phẩm gạo Japonica-AAN tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản quốc gia, tự tin chinh phục những thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản.
Đề cập lý do hợp tác với Tân Long để đưa gạo Việt Nam vào Nhật Bản, ông Yoshino Takeshi, Giám đốc điều hành Ngân hàng Kiraboshi cho biết, Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại quốc gia này với số lượng hơn 450.000 người, tuy nhiên lại chưa có thương hiệu gạo Việt Nam nào được bán tại các siêu thị, cửa hàng. Nắm bắt được mong muốn của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản được sử dụng sản phẩm gạo quê hương, với nguồn thông tin và các mối quan hệ hợp tác sẵn có, Kiraboshi đã đề xuất các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu nhập khẩu gạo Việt Nam.
Song song với đề xuất này, Kiraboshi đã tìm kiếm kết nối các nhà sản xuất gạo tại Việt Nam. Trong quá trình này, Kiraboshi đã hợp tác với Tập đoàn Tân Long trong việc triển khai xuất khẩu gạo ST25-AAN sang Nhật Bản vào tháng 6/2022. Kiraboshi cũng là đơn vị đề xuất thực hiện dự án, cung cấp thông tin, kết nối giới thiệu các bên tham gia dự án và tài trợ vốn để thực hiện.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đưa gạo Việt Nam vào Nhật Bản, theo ông Yoshino Takeshi, chính sách bảo hộ nông sản của Nhật Bản không cho phép các doanh nghiệp hai nước trực tiếp mua bán mặt hàng gạo, mà yêu cầu phải mua qua hình thức SBS (nhà sản xuất-nhà nhập khẩu-Chính phủ Nhật Bản-nhà phân phối). Việc tìm kiếm các đơn vị có thể tham gia hình thức mua bán SBS này rất có hạn, đòi hỏi Kiraboshi phải có nguồn thông tin được kiểm chứng khi kết nối các bên.
Ngoài ra, việc nhập khẩu gạo Việt Nam phải vượt qua các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với hơn 600 tiêu chí kiểm định qua 3 lần kiểm tra trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Trong quy trình này, Kiraboshi đã tìm hiểu quy định để hướng dẫn cho từng đơn vị từ nhà sản xuất đến nhà phân phối nắm được quy trình cũng những việc mình cần làm.
Một yếu tố nữa trong dự án này là phương án tài chính, để việc nhập khẩu được thực hiện thuận lợi cần ít nhất 6 tháng từ khi đặt hàng, qua các lần kiểm dịch, giao dịch thương mại, thủ tục cấp phép nhập khẩu, việc này đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo cân bằng yếu tố nguồn vốn thực hiện. Kiraboshi đã hỗ trợ tài trợ vốn cho các bên để thực hiện dự án này.
Thực tế, đối với dự án nhập khẩu gạo ST25 năm 2022, do là lần đầu tiên thực hiện nên các bên đã gặp nhiều khó khăn về việc tìm hiểu thông tin thủ tục cũng như quy trình thực hiện dẫn đến thời gian hoàn thành dự án mất 1,5 năm. Tuy nhiên, đối với dự án nhập khẩu gạo Japonica lần này, thời gian rút gọn chỉ còn 6 tháng từ khi tiếp nhận đơn hàng.
Nhấn mạnh việc Tân Long lần thứ hai đưa được sản phẩm gạo AAN đến Nhật Bản, ông Trương Sỹ Bá cho rằng nếu như doanh nghiệp quyết tâm, kiên trì cùng với nông dân kiểm soát chất lượng trong canh tác, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ trở thành gạo chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, có thể vươn ra các thị trường khó tính trên thế giới.
Với riêng Tân Long, sau hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lúa gạo, Tập đoàn ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo “từ cánh đồng đến bàn ăn”. Tập đoàn đang mở rộng vùng nguyên liệu lúa gạo thông qua hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ với các hợp tác xã, nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Tập đoàn hỗ trợ nông dân về phương thức và kỹ thuật canh tác, thu mua lúa cho người dân, từ đó đảm bảo được nguồn cung lúa đầu vào ổn định và kiểm soát chất lượng.
Trong hoạt động sản xuất, Tập đoàn Tân Long đang vận hành 5 nhà máy gạo với tổng diện tích đạt 470.000 m2, công suất sấy hơn 4.000 tấn/ngày, tổng sức chứa 400.000 tấn. Các nhà máy đều được đặt tại những vị trí thuận lợi về vận chuyển hoặc trong vùng giao thương của các tỉnh trồng lúa lớn của ĐBSCL như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang với hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại, đạt được các chứng nhận quan trọng về an toàn thực phẩm và không chứa các chất cấm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt từ đầu năm 2022, Tập đoàn Tân Long đã đưa vào hoạt động Nhà máy Gạo Hạnh Phúc tại tỉnh An Giang với quy mô hoạt động và ứng dụng công nghệ sấy trữ - xay xát - chế biến lúa gạo hiện đại hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Không chỉ chú trọng vào dòng gạo chất lượng cao, kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu thị trường, Tập đoàn Tân Long còn hợp tác với các đơn vị để nghiên cứu kỹ thuật, đầu tư các mô hình canh tác giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Qua đó hướng tới phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, phát thải thấp, chất lượng cao và bền vững.
“Không gì là không thể nếu quyết tâm, kiên trì đi cùng với kiểm soát chất lượng chặt chẽ, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ nâng cao giá trị và đủ tiêu chuẩn đến với nhiều thị trường trên thế giới. Trong thời gian tới, Tân Long phấn đầu không chỉ dừng lại ở ST25, Japonica mà còn nhiều dòng gạo khác mang thương hiệu AAN - thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chính phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu”.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long (nguồn: TTXVN)
Nhận định về tiềm năng của gạo Việt Nam tại thị trường Nhật Bản trong thời gian tới, ông Yoshino Takeshi cho rằng hiện có gần 600.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tạo ra nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm quê hương, trong đó có gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu gạo trong nước nên việc tìm nguồn gạo thay thế cho các hệ thống nhà hàng, nhà máy gia công sử dụng gạo sẽ rất cấp bách. Sản phẩm gạo Japonica của Việt Nam có những nét tương đồng với gạo Nhật Bản nên sẽ được xem xét là sản phẩm thay thế tiềm năng cho gạo Nhật. Thông qua các hoạt động liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, chắc chắn gạo Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế trong việc mở rộng tại thị trường Nhật Bản.
Bài: Lê Hoa
Ảnh: Media Team và CTV
Thiết kế: Maika