Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, các đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh này nếu sản phẩm đáp ứng được các quy định, yêu cầu về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.
Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Về mặt xu hướng tiêu dùng, tương tự như các nước châu Âu khác, người tiêu dùng Vương quốc Anh ưa chuộng các loại trái cây, rau quả nhiệt đới. Trước khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh như: cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, hạt điều xuất khẩu sang Anh đạt hơn 16 ngàn tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần; hạt tiêu xuất khẩu hơn 5.620 tấn, chiếm gần 40% thị phần; còn cà phê xuất khẩu 27.915 tấn, chiếm gần 5% thị phần cà phê nhập khẩu vào Anh. Trong khi đó, gạo và trái cây như nhãn, vải, thanh long cũng đã có mặt nhưng chủ yếu được bày bán tại các siêu thị nhỏ lẻ phục vụ cộng đồng người Việt và một phần nhỏ cộng đồng người gốc Á, chưa thâm nhập được các siêu thị lớn của Anh.
Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam vào thị trường này. Đặc biệt, theo cam kết của Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, đa số các dòng thuế nông sản, rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào Anh được giảm về mức 0%. Đây cũng chính là lợi thế cho nhiều loại nông sản là đặc sản vùng miền Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ cuối năm 2022 nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được Bộ Công Thương, các cơ quan thương mại Việt Nam và Anh, cùng sự chủ động của các địa phương đã thúc đẩy quảng bá, xúc tiến xuất khẩu nhiều đặc sản của các tỉnh, thành Việt Nam sang thị trường Anh.
Giữa tháng 12/2022, tỉnh Hòa Bình đã có chuyến xuất khẩu lô bưởi Diễn đầu tiên với khối lượng 11 tấn sang thị trường Anh. Đến ngày 5/01/2023, tỉnh Hòa Bình tiếp tục xuất chuyến đặc sản cam Cao Phong đầu tiên sang Vương quốc Anh với số lượng gần 7 tấn quả.
Lô hàng sầu riêng Ri6 với số lượng 5 tấn của Việt Nam do Công ty TT Meridian Ltd. (Vương quốc Anh) lần đầu tiên nhập khẩu chính ngạch thông quan ngày 4/5/2023 và được phân phối đến các siêu thị tại Anh. Nhà nhập khẩu rất tự tin về chất lượng của sản phẩm và kỳ vọng thị trường sẽ phản ứng tốt, qua đó để chuẩn bị cho các lô hàng nhập khẩu lớn hơn trong thời gian tới.
Việc bắt đầu kinh doanh sầu riêng - một trong những giống đặc sản nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là một trong những bước đệm để TT Meridian Ltd giới thiệu các sản phẩm hàng đầu của Việt Nam vào Vương quốc Anh trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, TT Meridian Ltd sẽ tăng cường hoạt động kinh doanh trái cây tươi, giới thiệu thêm các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Anh như sầu riêng, xoài, vải, nhãn… dựa trên phản hồi và đơn đặt hàng từ các nhà phân phối và người tiêu dùng tại Anh.
Các nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh nhờ được miễn thuế nhập khẩu theo UKVFTA. Đơn cử, trái sầu riêng nhập khẩu từ các nước không có ưu đãi thuế chịu mức thuế 8% trong khi sầu riêng Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi 0% theo UKVFTA, vì vậy hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan và Malaysia.
Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành, Công ty TT Meridian Ltd (Anh)
Đáng chú ý, bên cạnh sự kết nối, hỗ trợ từ các cơ quan thương mại trong và ngoài nước, các địa phương ngày càng chủ động trong việc tìm kiếm những cơ hội quảng bá, xúc tiến giao thương ngay tại thị trường Anh.
Với tỉnh Yên Bái, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công ty Cổ phần RYB (Hòa Bình) thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu (Anh quốc, Pháp, Đức, ...).
Các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng Châu Âu (Anh quốc), bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh.
Các sản phẩm đã được kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì tem nhãn mác theo tiêu chuẩn Châu Âu, đến nay đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục giấy tờ, số lượng hàng hóa sẵn sàng cho việc xuất khẩu.
Để các sản phẩm vào được thị trường Anh quốc thì cần đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe. Phía đơn vị nhập khẩu luôn đặt tiêu chí chất lượng là trên hết, nhất là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng chất có hại cho sức khoẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty CP RYB (Hòa Bình)
Trong số 10 sản phẩm của Yên Bái được lựa chọn xuất khẩu sang Anh có 8 sản phẩm xuất khẩu trong đợt tháng 9/2023 của 6 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái gồm: sản phẩm Trà Quế của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung (Văn Yên); sản phẩm chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (Trấn Yên); sản phẩm Diệp trà và Hồng trà Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng (Văn Chấn); sản phẩm Miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng (Trấn Yên); sản phẩm Quế điều thuốc Hòa Cuông (loại 100 gam) và (loại 500 gam) của Hợp tác xã Quế Khánh Thành (Trấn Yên); sản phẩm miến đao của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái).
Riêng sản phẩm gạo Séng cù của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) và gạo nếp Tan Tan của Hợp tác xã Tú Lệ (Văn Chấn) được xuất khẩu vào đợt tiếp theo.
Với tỉnh Hòa Bình, ngày 11/10/2023 tại London, Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình tại Vương quốc Anh được tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp Anh và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Đây là sự kiện do UBND tỉnh Hòa Bình, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) phối hợp tổ chức, hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình tới các nhà đầu tư tại Anh, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp hai bên kết nối, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường tại hai nước. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại và xuất khẩu nông sản sang thị trường Anh của tỉnh Hòa Bình.
Trong khuôn khổ chương trình, ngày 13/10, tỉnh Hòa Bình đã làm việc và ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Longdan, doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất tại Anh, nhằm thúc đẩy thương mại và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hòa Bình sang thị trường Anh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn Longdan và Công ty cổ phần R.Y.B (Hòa Bình) tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu bưởi Diễn sang Anh trong năm nay sau khi sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận khi được xuất khẩu lần đầu sang Anh vào cuối năm 2022.
Đại diện Tập đoàn Longdan khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong giới thiệu, xuất khẩu các loại hàng hóa, nông sản chất lượng tại thị trường Vương quốc Anh; Tư vấn hỗ trợ tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu các thông tin, quy định mới nhất về an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói bao bì, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa, chiến lược marketing các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình vào thị trường Vương quốc Anh; Hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thông qua các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường Vương quốc Anh nói riêng và thị trường châu Âu nói chung theo đúng quy định của nước sở tại.
Đồng thời, nhà nhập khẩu cũng đề nghị tỉnh Hòa Bình cần quan tâm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại nông sản chất lượng cao, mở rộng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho nông sản để tiếp cận với thị trường Anh quốc và các nước khối EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thương mại Việt Nam - Anh trong 9 tháng đầu năm ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nói chung đang đối mặt với những thách thức do tăng trưởng kinh tế tại khu vực giảm tốc, lạm phát cao khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm chi tiêu. Trong 9 tháng đầu năm, thương mại hai chiều đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 4,67 tỷ USD, tăng 0,6%, với thặng dư thương mại hơn 4,09 tỷ USD, tăng 0,4%.
Đặc biệt, nhiều loại quả đặc sản của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Anh như vải thiều Bắc Giang, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình, sầu riêng Ri6… Sự hiện diện này cho cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam do đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP.
Người tiêu dùng của Vương quốc Anh ngày càng quan tâm đến các vấn đề như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Vì vậy, các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu chúng được sản xuất bằng năng lượng sạch và các phương pháp sản xuất bền vững.
Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM, Giám đốc Thương mại Anh tại Việt Nam
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang; nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng; yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn….
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh, các bộ ngành, hiệp hội cần có những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp để có thể nắm bắt kịp thời những thông tin, những thay đổi, những quy định mới từ thị trường Anh để từ đó doanh nghiệp có thể thâm nhập thị trường này.
Hàng hóa muốn thâm nhập thị trường Anh ngoài việc giá cả chất lượng như các yêu cầu về cạnh tranh nói chung thì còn phải đảm bảo ít nhất 3 vấn đề: tiêu chuẩn hóa, sức khỏe và môi trường.
PGS.TS Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Có thể thấy, với các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội là rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Để hàng hóa Việt Nam có thể phát triển bền vững ổn định lâu dài tại thị trường Anh thì cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự cố gắng của chính các doanh nghiệp.
Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Anh trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh dự kiến tăng cường kết nối với mạng lưới doanh nghiệp Anh và Doanh nghiệp Việt nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam; Cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh; tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị…
Đặc sản Hòa Bình tự tin “chinh phục” thị trường Anh
Thời gian qua, nhiều đặc sản của tỉnh Hòa Bình như cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, tinh bột nghệ, chanh đào mật ong, miến dong, trà Giảo cổ lam… lần lượt “chinh phục” được thị trường khó tính nhưng dư địa lớn là Vương quốc Anh. Các mặt hàng nhận được sự phản hồi tốt từ khách hàng, hứa hẹn những đơn hàng lớn hơn cho những năm tiếp theo.
Để xuất khẩu sang thị trường Anh, các sản phẩm cao Cao Phong của Hòa Bình phải được giám sát quy trình canh tác nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu cam Cao Phong đã có kết quả phân tích từ phòng thử nghiệm hiện đại nhất Việt Nam đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh đã được thông qua mà không gặp phải bất cứ vấn đề nào về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cam Cao Phong, nhất là khâu tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm, thay đổi tư duy trong thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Tiến tới hướng dẫn, đào tạo những người trồng cam trở thành những công nhân có kỹ năng thành thạo trong sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; có kỹ năng tốt trong phát triển thương mại. Đồng thời tiếp tục mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư thu mua sản phẩm, chế biến sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
Bài: Thanh Hà
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika