Mang tinh thần “ăn no, vác nặng”, biên lãi ròng của Công ty FECON (FCN) chưa đến 1%

Mặc dù liên tục trúng nhiều gói thầu xây lắp quy mô lớn và doanh thu tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận của Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN) lại liên tục đi lùi. Đáng chú ý, biên lãi ròng của công ty này hiện chưa đến 1%.
Công ty FECON
Công ty FECON hiện là nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý nền móng và thi công các công trình ngầm.

Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 816 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm tới 30%, còn 87,7 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty FECON ghi nhận lãi ròng “vỏn vẹn” 720 triệu đồng. Qua đó, biên lãi ròng chỉ ở mức 0,09%, hay nói cách khác, cứ 100 đồng doanh thu có được thì doanh nghiệp xây lắp này chỉ thu về chưa nổi 1 đồng lãi ròng.

Trước đó, Công ty FECON đã có nhiều quý ghi nhận biên lãi ròng ở mức thấp trong hai năm trở lại đây. Gần đây nhất là trong quý 1/2024, biên lãi ròng chỉ 0,1%; hay trong quý 4/2023 ở mức âm 4,26%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty FECON ghi nhận doanh thu đạt 1.427 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023, và lãi ròng 1,4 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 35,7% kế hoạch doanh thu và 2,3% kế hoạch lãi cả năm.

Với kết quả như trên, một số đánh giá sơ bộ của các hãng chứng khoán cho thấy Công ty FECOn có thể không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh năm nay.

Trên thực tế, Công ty FECON đã có 5 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra. Mặc dù liên tục trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn qua các năm nhưng tỷ lệ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận lại giảm dần. Cụ thể, trong năm 2019, công ty này hoàn thành 62% kế hoạch lãi; năm 2022 hoàn thành 18% kế hoạch còn năm 2023 ghi nhận lỗ tới 42 tỷ đồng.

Về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của Công ty FECON ở mức âm 319 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 102 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản và nợ phải trả của Công ty FECON tại ngày 30/6/2024 lần lượt đạt 8.517 tỷ đồng và 5.177 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với đầu năm.

Đại diện Công ty FECON chia sẻ, trong bối cảnh thị trường xây dựng nhìn chung đang có sức cạnh tranh hết sức gắt gao, công ty trương ưu tiên chọn các dự án có nguồn tiền đảm bảo, bất chấp đơn giá không mấy ấn tượng và khả năng sinh lời bị ảnh hưởng. Đồng thời, công ty vẫn đang nỗ lực cân đối chi phí nguyên vật liệu xây dựng và nhân công để đối phó với khó khăn về đơn giá thầu thấp.

Giá cổ phiếu FCN Công ty FECON
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FCN của Công ty FECON từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Công ty FECON (FCN): Khởi công dự án KĐT 2.200 tỷ đồng, hé lộ danh mục đầu tư 2 tỷ USD" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, Công ty FECON đang dần đẩy mạnh phát triển mảng bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp vốn có tỷ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần mảng xây lắp, cũng như tận dụng được ưu thế kinh nghiệm trong hoạt động xây lắp.

Kể từ năm 2021 đến nay, Công ty FECON đã theo đuổi 10 dự án bất động sản dân cư và khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phần lớn các dự án này đều đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng. Ở tất cả các dự án, Công ty FECON đều là đơn vị tài trợ quy hoạch và là một trong những đơn vị có tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Với danh mục các dự án đầu tư có tổng giá trị lên đến 2 tỷ USD, mảng bất động sản được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Công ty FECON trong thời gian tới.

Duy Quang