Trong năm 2020, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng toàn lực lượng QLTT đã cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc tục tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bản, lĩnh vực trọng điểm; Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, lực lượng QLTT còn triển khai nhiều Chương trình, Kế hoạch, cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để ngăn chặn không để tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; xử lý các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục QLTT đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, tập trung quyết liệt chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt, đối với các mặt hàng thiết yếu phòng chống dịch.
Đáng chú ý, dịch bệnh đã làm thay đổi phương thức mua bán hàng hóa. Bán hàng trên mạng đã gia tăng mạnh trong năm 2020.
Các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân để trà trộn, kinh doanh các mặt hàng phòng chống dịch kém chất lượng.
Tuy nhiên, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hàng loạt các vụ vi phạm trên môi trường Internet.
Điển hình là vụ đột xuất kiểm tra và thu giữ trên 150.000 khẩu trang giả thương hiệu 3M Company của Mỹ tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh, trụ sở tại Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Với những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, năm 2020, Tổng cục QLTT đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm, tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như:
Xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai;
Kiểm tra tạm giữ hàng chục nghìn xuất bản phẩm và sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội;
Kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình;
Phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế do Việt Nam sản xuất không hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình;
Tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng và kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, Quận Hoàn Kiếm;
Phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn Châu Phi tại Hải phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế Bình Dương...
Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lực lượng QLTT xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2016 phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm; năm 2017, phát hiện, xử lý 90.135 vụ vi phạm; năm 2018, phát hiện, xử lý 91.867 vụ vi phạm; năm 2019, phát hiện, xử lý 90.000 vụ vi phạm; năm 2020 phát hiện, xử lý khoảng 90 nghìn vụ vi phạm.
Nhiều vụ vi phạm lớn đã được phát hiện, chuyển cơ quan chức năng xử lý như: Vụ việc thực phẩm nhập lậu tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; Vụ việc kiểm tra đồng hồ giả mạo Thụy Sĩ tại Khánh Hòa và Đà Nẵng;
Vụ việc kiểm tra điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG; Vụ việc kiểm tra mặt hàng đường cát, vải, quần áo nhập lậu tại An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; Vụ việc hàng chục nghìn sản phẩm quần áo không có hóa đơn chứng từ đang trong quá trình thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam" tại Hà Nội;
Vụ việc kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình; Chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại Bà Rịa - Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận...